Chưa có "vaccine" cho kinh tế thế giới

- Thứ Sáu, 01/01/2021, 08:44 - Chia sẻ
Mặc dù sự xuất hiện của các loại vaccine và các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt hứa hẹn sẽ chấm dứt đại dịch Covid-19 trong năm 2021 hoặc muộn hơn một chút, nhưng không có loại vaccine nào có thể mang lại khả năng miễn dịch đối với những thiệt hại kinh tế trong dài hạn. Nghiên cứu về hậu quả của các đại dịch trong quá khứ cho thấy, tác động đến cung và cầu có thể sẽ rất sâu rộng và sâu đậm trong thời gian dài tới.

Triển vọng của kinh tế thế giới phụ thuộc vào mối quan hệ tác động qua lại giữa hai chu kỳ: Chu kỳ dịch bệnh và chu kỳ kinh tế. Bất chấp những tiến bộ kỳ diệu thực sự của khoa học mà chúng ta đang chứng kiến, nền kinh tế hậu đại dịch vẫn cần nhiều hơn là vaccine. Đợt bùng phát virus Corona đầu tiên vào mùa xuân năm ngoái đã gây ra những thiệt hại khủng khiếp. Nhưng không dừng lại ở đó, thế giới đang chứng kiến làn sóng chết chóc thứ hai còn kinh khủng hơn đang xảy ra, không khác nhiều với những gì mà người ta vẫn nói về cuộc bùng phát dịch cúm Tây Ban Nha những năm 1918 - 1920.

Chu kỳ kinh tế: Nguy cơ suy thoái kép

Tại Mỹ, tác động bất lợi của dịch bệnh đối với nền kinh tế có thể được nhìn thấy rõ ràng qua việc gia tăng chóng mặt các đơn xin việc làm vào đầu tháng 12 và sự sụt giảm mạnh doanh số bán lẻ trong tháng 11. Việc Mỹ áp đặt chính sách phong tỏa một phần nền kinh tế, hiện đang được áp dụng ở khoảng 3/4 các bang, khiến khả năng suy giảm kinh tế vào đầu năm 2021 rất khó tránh khỏi.

Lịch sử chu kỳ kinh tế của Mỹ đã cảnh báo chúng ta về nguy cơ suy thoái kép. Được định nghĩa đơn giản là sự sụt giảm GDP thực tế hàng quý sau khi phục hồi tạm thời, suy thoái kép đã xảy ra ở 8 trong số 11 cuộc suy thoái của Mỹ kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Các trường hợp ngoại lệ duy nhất là suy thoái năm 1953 - 1954, thu hẹp ngắn hạn năm 1980 và suy thoái nhẹ 1990 - 1991. Tất cả những cuộc suy thoái khác đều chứng kiến hai lần suy giảm, thậm chí là có “đường nét” của ba lần suy giảm, sau khi nền kinh tế chứng kiến những tín hiệu phục hồi giả tạo.

Điều này phản ánh sự kết hợp giữa tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế và dư chấn từ đòn suy thoái ban đầu. Theo nguyên tắc chung, giai đoạn suy thoái càng nghiêm trọng, sát thương càng lớn, thời gian hồi phục càng lâu và khả năng xảy ra suy thoái kép càng cao. Đó là trường hợp của các cuộc suy thoái mạnh vào các năm 1957 - 1958, 1973 - 1975 và 1981 - 1982, cũng như trong cuộc suy thoái lớn kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.

Tại châu Âu, sau khi tăng trưởng GDP kỷ lục trong quý III, lục địa già có nguy cơ rơi thẳng trở lại vào suy thoái do các hạn chế sâu rộng nhằm kiềm chế làn sóng virus Corona thứ hai, nhanh chóng chấm dứt đợt phục hồi mong manh của châu lục này.

Cơ quan thống kê Eurostat cho biết, GDP của EU đã tăng 12.1% từ tháng 7 đến tháng 9. GDP tăng 12.7% ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro. Tỷ lệ tăng trưởng này, theo sau khoản sụt giảm lớn trong quý thứ hai, là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1995.

Tuy nhiên, nền kinh tế EU vẫn kém hơn khoảng 4% so với hồi cuối tháng 9 năm ngoái và các nhà phân tích cho rằng sự phục hồi sẽ diễn ra trong thời gian ngắn. “Thật khó có thể nghĩ rằng, lại có lúc những tin tốt lành như thế không được hoan nghênh nhiều. Việc áp đặt ồ ạt các biện pháp hạn chế vì làn sóng lây nhiễm thứ hai vô cùng khủng khiếp sắp đẩy khu vực đồng tiền chung vào một cuộc suy thoái kép” Andrew Kenningham, trưởng kinh tế châu Âu tại Capital Economics, nhận định.

Chính phủ Đức và Pháp… và hầu hết các nền nền kinh tế lớn của khu vực từ tháng 10 vừa qua đã phải buộc thông báo phong tỏa trên toàn quốc để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai, đóng cửa các doanh nghiệp và nhà hàng không thiết yếu.

Ngay cả trước khi các phong tỏa được công bố, hoạt động kinh doanh ở châu Âu đã đi xuống, theo Chỉ số nhà quản lý mua hàng mới nhất của IHS Markit. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho rằng các biện pháp nghiêm ngặt hơn đã khiến triển vọng kinh tế ngắn hạn “xấu đi rõ rệt”. Theo bà Lagarde, “Thông tin sắp tới báo hiệu rằng phục hồi kinh tế khu vực đồng euro đang mất đà nhanh hơn dự kiến sau khi hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ nhưng chỉ từng phần và không đồng đều trong những tháng mùa hè”.

Tuy nhiên, thị trường tài chính vẫn đặt cược lớn vào sự phục hồi hình chữ V của Mỹ và các nước châu Âu. Trên thực tế, các nhà đầu tư đã tự ru ngủ khi nhìn vào con số tăng trưởng 33% GDP của Mỹ trong quý III, một con số có được khi các lệnh phong tỏa ban đầu được dỡ bỏ. Nhưng việc mở cửa trở lại nền kinh tế sau một thời gian bị đóng cửa đột ngột khó có thể coi là sự phục hồi. Điều đó giống như một vận động viên bơi lội mệt mỏi sau khi lặn quá sâu.

Chu kỳ dịch bệnh: Làn sóng thứ hai

Trên thực tế, mặc dù thế giới đang chứng kiến những đột phá phi thường trong phát triển vaccine, phác đồ điều trị, làn sóng thứ hai ập đến còn tệ hơn nhiều so với làn sóng đầu tiên về tỷ lệ lây nhiễm, nhập viện và tử vong. Mặc dù các biện pháp hạn chế mới đối với hoạt động kinh tế không chặt chẽ như hồi tháng 4.2020, nhưng chúng đã có tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Đó là lý do để các chuyên gia cảnh báo rằng, nguy cơ suy thoái kép vào đầu năm 2021 sẽ là một lời nhắc nhở đau đớn về tính dễ bị tổn thương kéo dài trong chu kỳ kinh tế của nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung do hậu quả của một cú sốc suy thoái lớn.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Hậu quả lâu dài của chu kỳ Covid-19 có thể sẽ nghiêm trọng hơn. Mặc dù các chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng có thể mang lại hy vọng đại dịch sẽ chấm dứt vào cuối năm 2021, nhưng không có loại vaccine nào giúp cho nền kinh tế thế giới miễn dịch với những thiệt hại lâu dài. Nghiên cứu gần đây về tác động của 19 đại dịch lớn từ thế kỷ XIV (mỗi đại dịch có số người chết vượt quá 100.000 người) đã khắc họa đậm nét cái bóng dai dẳng của các cuộc tàn sát kinh tế. Tỷ suất sinh lời trên tài sản “an toàn” ở châu Âu - thước đo tác động qua lại giữa tổng cung và cầu - đã giảm trong vài thập kỷ sau những đợt bùng phát dịch bệnh kinh hoàng trước đó.

Cái bóng gây ra bởi Covid-19 cũng lờ mờ xuất hiện. Tín hiệu phục hồi kinh tế hình chữ V đang ẩn chứa những dấu hiệu của tình trạng suy thoái lâu dài. Ở Mỹ, tỷ lệ việc làm vẫn thấp hơn con số 9,8 triệu việc làm mà nước Mỹ đạt được trước đại dịch và chi tiêu cho dịch vụ - bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ việc tiếp xúc trực tiếp làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm - chỉ bằng 66% so với mức khi nước Mỹ bắt đầu áp dụng phong tỏa nền kinh tế hồi tháng 3 và tháng 4.2020.

Hơn nữa, các biện pháp phong tỏa một phần đang được áp dụng ở các bang của Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới sẽ làm nghiêm trọng hơn tình trạng mất trật tự ở hầu hết các thành phố lớn, bao gồm dư thừa văn phòng và công suất giao thông công cộng, nguy cơ đóng cửa hàng loạt của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, giải trí và bán lẻ. Sự phá hủy vĩnh viễn đối với tổng cung và cầu đang cho thấy cái bóng của một cuộc tàn sát kinh tế mà Covid-19 gây ra ngày càng giống với hậu quả của các đại dịch lớn trước đó.

Thuyết tiền tệ hiện đại và cái chết của lạm phát

Mối quan hệ biện chứng giữa ảnh hưởng ngắn hạn của chu kỳ kinh tế và dài hạn của chu kỳ dịch bệnh tác động lớn đến cuộc tranh luận chính sách hiện nay. Tuy nhiên, lần này đã có một số ý kiến cho rằng, các chính sách mới sáng tạo có thể đưa ra các giải pháp mới cho các vấn đề kinh tế cũ.

Và đó là lập luận của những người đi theo Thuyết tiền tệ hiện đại (Modern Monetary Theory - MMT), nhận được sự ủng hộ từ các chính trị gia cánh tả hàng đầu của Mỹ. Những người ủng hộ thuyết MMT cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang có thể in số lượng tiền lớn để đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn đại dịch.

Các chuyên gia cho rằng, MMT không hiện đại cũng không phải là một lý thuyết. Cái mới là quan điểm về “cái chết của lạm phát”. Những người ủng hộ MMT tuyên bố chừng nào lạm phát vẫn được kiềm chế, thì cơ quan quản lý tiền tệ và tài khóa của Mỹ có thể bỏ qua rủi ro do chi phí đi vay cao hơn để cung cấp cứu trợ cho một nền kinh tế đang bị đại dịch đe dọa, và việc gia tăng nợ công lớn sẽ không gây nguy hiểm cho một quốc gia có thể đi vay bằng chính đồng tiền của mình như trường hợp Mỹ.

Sự hợp lưu của chu kỳ đại dịch và chu kỳ kinh tế (làn sóng Covid-19 thứ hai và nguy cơ suy thoái kép của Mỹ) đã khiến các nhà hoạch định chính sách không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thông qua một gói cứu trợ khác, lần này là 900 tỷ USD. MMT lập luận rằng đừng quá lo âu, nếu điều đó khiến nợ liên bang của Mỹ vượt quá mức kỷ lục trước đó là 108% GDP vào năm 1946, ngay sau Thế chiến II.

Nhưng không có gì trong kinh tế học là mãi mãi, ngay cả cái chết của lạm phát. Nước Mỹ sẽ không miễn dịch với việc phải phá giá đồng dollar hơn nữa. Điều này dường như ngày càng có khả năng xảy ra, do thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ suy giảm mạnh trong năm 2020; đồng euro mạnh lên và việc FED duy trì mức lãi suất bằng 0.

Các nhà kinh tế theo trường phái Keynes chỉ ra rằng, thuyết MMT, hoặc một số phiên bản của nó, đã được thử nghiệm ở một số quốc gia Mỹ Latin, bao gồm Chile, Argentina, Brazil, Ecuador, Nicaragua, Peru và Venezuela. Chính phủ của họ đã dựa vào những lập luận tương tự như của những người ủng hộ thuyết MMT ngày nay để biện minh cho sự tăng mạnh chi tiêu công được tài trợ bởi ngân hàng Trung ương. Và tất cả những thí nghiệm này đã dẫn đến lạm phát phi mã, đồng tiền mất giá mạnh và sự sụt giảm nhanh chóng của tiền lương thực tế. Với sự mong manh của nền kinh tế Mỹ hiện nay, MMT không phải là câu trả lời an toàn.

Đạt Quốc