Sức khỏe

Chưa có đủ bằng chứng để khuyến cáo sử dụng nấm linh chi hỗ trợ điều trị ung thư

Mạnh Hưng 11/05/2025 08:35

Theo Bệnh viện K, chưa có đủ bằng chứng để khuyến cáo sử dụng trực tiếp nấm linh chi trong hỗ trợ điều trị bệnh lý ung thư mà không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Tương lai cần có nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá một cách toàn diện tác dụng của nấm linh chi với bệnh ung thư.

Theo Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K, nấm linh chi (Reishi mushroom), tên khoa học là Ganoderma lucidum (G. lucidum), là một loại nấm lỗ thuộc chi Ganoderma, họ Nấm lim (Ganodermataceae). Nấm linh chi còn có những tên khác như Tiên thảo, Nấm trường thọ, Vạn niên nhung.

Các loại nấm linh chi gồm: Thanh chi (xanh); Xích chi hoặc Hồng chi (đỏ); Hắc chi (đen); Bạch chi (trắng); Hoàng chi (vàng); Tử chi (tím đỏ). Hồng chi chứa nhiều hoạt chất nhất với hơn 400 thành phần và dược tính khác nhau, các thành phần chính là:

- Triterpenoid (axit ganoderic, ganoderic alcohol và các dẫn xuất của chúng)

- Polysaccharides: Beta-D-Glucan, betaglucan

- Adenosine (liên quan đến nhịp tim)

- Vitamin B, C, khoáng chất (Selenium, sắt, calci, kẽm, magie, đồng, kali).

Hai nhóm hợp chất hoạt tính sinh học chính được phân lập từ G. lucidum là Triterpenoid và Polysaccharides. Theo một số nghiên cứu tiền lâm sàng và phòng thí nghiệm mới nhất (cả in vitro và in vivo), nấm linh chi có một số chất mang hoạt tính chống ung thư. Nhiều nghiên cứu về nấm linh chi đã được thực hiện, tuy nhiên kết quả đưa ra chưa thống nhất.

linh-chi-650x400.jpg
Linh chi là một loại thảo dược được mệnh danh là "Tiên thảo". Ảnh minh họa

Một thử nghiệm lâm sàng mù đôi ngẫu nhiên có đối chứng với giả dược đã được tiến hành trên 68 bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của chất Polysaccharides chiết xuất từ nấm linh chi trong 12 tuần.

Kết quả là hoạt chất giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng liên quan đến ung thư như sốt, ho, suy nhược, đổ mồ hôi tốt hơn so với nhóm chứng.

Đồng thời, cũng giúp làm tăng nhẹ hoạt động của các tế bào diệt ung thư tự nhiên và một số tế bào miễn dịch khác. Tuy nhiên, nhóm can thiệp có ghi nhận 3 trường hợp ngộ độc thuốc với triệu chứng là buồn nôn, mất ngủ.

Ngoài ra, một nghiên cứu đã tiến hành đánh giá những tương tác có thể xảy ra giữa thuốc điều trị ung thư doxorubicin và triterpenes chiết xuất từ nấm linh chi, kết quả là hoạt chất triterpenes có hiệp đồng với thuốc doxorubicin trong quá trình làm chết tế bào ung thư cổ tử cung.

Đặc biệt, một số nghiên cứu khác thì có kết quả là nấm linh chi không làm gia tăng thời gian sống thêm cho bệnh nhân ung thư.

Như vậy, các tác dụng của nấm linh chi lên bệnh lý ung thư còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu hầu hết chỉ lấy một thành phần hoạt chất được tách chiết từ nấm linh chi để nghiên cứu thay vì sử dụng trực tiếp nấm linh chi và việc tách chiết hoạt chất hóa học từ nấm linh chi là rất phức tạp, đòi hỏi nhiều công nghệ cao.

Vậy nên, chưa có đủ bằng chứng để khuyến cáo sử dụng trực tiếp nấm linh chi trong hỗ trợ điều trị bệnh lý ung thư mà không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Tương lai cần có nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá một cách toàn diện tác dụng của nấm linh chi với bệnh ung thư.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chưa có đủ bằng chứng để khuyến cáo sử dụng nấm linh chi hỗ trợ điều trị ung thư
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO