Bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Chưa có cơ sở chắc chắn và thuyết phục

- Thứ Năm, 16/07/2020, 08:15 - Chia sẻ
Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới có mặt bằng giá cao hơn khoảng 2 lần so với sách giáo khoa hiện hành, gây băn khoăn trong dư luận xã hội. Tại Phiên họp thứ 46 vừa qua, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Tuy vậy, đề xuất này đã không thuyết phục được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bởi không đúng với quy định của Luật Giá và cũng chưa có đủ căn cứ để bổ sung.

 Giá sách xã hội hóa cao hơn khoảng 2 lần

Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được xây dựng bởi nhiều nhóm tác giả khác nhau nên dự kiến sẽ có sự cạnh tranh về chất lượng, nội dung, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh, phụ huynh có điều kiện lựa chọn bộ sách giáo khoa hay và phù hợp nhất. Tuy nhiên, qua so sánh ba phương án đã kê khai của sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới với kê khai giá sách giáo khoa tương ứng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2019, Bộ Tài chính nhận thấy, mặt bằng giá sách xã hội hóa cao hơn khoảng 2 lần.

Tờ trình của Chính phủ cũng chỉ rõ, sách giáo khoa là một trong những vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu của học sinh các cấp học hiện nay, có tác động lớn đến đời sống xã hội, thậm chí học sinh vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn có thể phải mua sách với số tiền cao hơn do gánh chi phí vận chuyển. Nếu không có cơ chế điều tiết giá, giữa các nhà xuất bản sẽ có sự chênh lệch giá với nhau, có nguy cơ làm nảy sinh tiêu cực trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh. Trước những nguy cơ này, Chính phủ nhận thấy, việc Nhà nước điều tiết giá sách giáo khoa bằng hình thức định giá bán tối đa là cần thiết.

Nhìn lại tổng thể cả quá trình vấn đề sách giáo khoa và triển khai Nghị quyết số 88 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình chỉ rõ, theo quy định của nghị quyết, việc biên soạn sách giáo khoa sẽ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Nghị quyết 88 cũng yêu cầu Chính phủ ban hành cơ chế tài chính đảm bảo công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa; Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa để bảo đảm là một "đối chứng" và ổn định lại thị trường này.

Tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Chính phủ cũng đã báo cáo với Quốc hội cho phép sửa đổi Nghị quyết 88 theo hướng Bộ Giáo dục và Đào tạo không xây dựng bộ sách giáo khoa do quá trình triển khai thực hiện nghị quyết đã có 3 nhà xuất bản đã làm được 5 bộ sách để xã hội hóa. Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đã đồng ý với đề xuất này và nêu rõ "khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”. Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân; có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa đối với học sinh và thư viện trường phổ thông vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cũng cho biết, Chính phủ đã xác định, sẽ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan xây dựng, chỉ đạo thực hiện việc cung cấp sách giáo khoa miễn phí cho thư viện các trường học ở vùng khó khăn; thực hiện việc tặng sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Ảnh: Quang Khánh 

Không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Một căn cứ khác để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là do Điều 19, Luật Giá quy định: “Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”. Tuy nhiên, khi thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, nhiều thành viên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ rõ, sản phẩm sách giáo khoa không thuộc diện hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo quy định tại Khoản 1, Điều 19 của Luật Giá. Nói cách khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa như Tờ trình của Chính phủ. Những ý kiến này cũng lưu ý, nếu trong trường hợp thực sự cần thiết, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Giá.

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung liên quan đến đề xuất của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, hiện nay, các nhà xuất bản đã in bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các tỉnh lựa chọn xong sách và các phụ huynh học sinh đã chuẩn bị mua. Tại phiên họp gần đây nhất của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ tiếp tục đề xuất những đối tượng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể cấp phát sách giáo khoa ngay từ lớp 1, bảo đảm các học sinh có đủ sách trong năm học đầu tiên triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, trong năm học mới sẽ triển khai học tập và giảng dạy bằng sách giáo khoa mới đối với lớp 1, từ lớp 2 trở lên chưa ảnh hưởng nên vẫn có thời gian để nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Giá hiện hành. Bên cạnh đó, các địa phương, trường học đã lựa chọn bộ sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong năm học mới tới đây, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu vấn đề này, qua đó đề xuất sửa đổi Luật Giá hoặc ban hành nghị quyết của Quốc hội để kịp thời điều chỉnh.

Có thể thấy, khi Chính phủ trình Quốc hội đề xuất tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, không sử dụng ngân sách trong triển khai thực hiện Nghị quyết 88, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần đặt câu hỏi: Giá sách như thế nào? Tại Phiên họp thứ 46, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm giá sách giáo khoa không ảnh hưởng tới thu nhập, đời sống của người dân. Tuy nhiên, do Tờ trình của Chính phủ chưa có cơ sở chắc chắn và thuyết phục nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ phải đánh giá, rà soát, có cái nhìn căn cơ, tổng thể, hoàn chỉnh lại hồ sơ để trình Quốc hội xem xét.

Thanh Hải