Chưa có bước đột phá trong phát triển cây bông vải

Anh Tú 05/06/2012 08:28

Bông là nguyên liệu chính cho ngành dệt may Việt Nam. Hiện nay, mỗi năm ngành này tiêu thụ khoảng 400.000 tấn bông. Với đà phát triển như hiện nay, dự báo đến năm 2020 nhu cầu bông của Việt Nam là 600.000 tấn. Tuy nhiên sản lượng bông sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 1,5% nhu cầu của thị trường, còn lại lệ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Hiện nay, dệt may đang là ngành dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2011, toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu gần 16 tỷ USD, tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu bông là 1,1 tỷ USD, vải các loại là 6,6 tỷ USD, chiếm 70% kim ngạch nhập khẩu của toàn ngành. Như vậy, sản lượng bông trong nước chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ trong tổng nhu cầu của các doanh nghiệp dệt Việt Nam, chỉ từ 1% đến 2%. Phát triển cây bông vải nhằm tự túc một phần nguyên liệu cho ngành dệt may, từng bước tăng tỷ trọng nguyên phụ liệu trong cơ cấu giá thành sản phẩm, nâng giá trị gia tăng hàng sợi, vải, may mặc sản xuất trong nước, giảm nhập siêu, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may phát triển ổn định là mục tiêu cơ bản trong Chương trình phát triển cây bông vải ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo QĐ số 29/QĐ-TTg, ngày 8.1.2010 của Thủ tướng.

Qua 2 năm triển khai thực hiện, với sự hỗ trợ của các ngành và các địa phương, ngành bông Việt Nam đã từng bước khôi phục và phát triển diện tích trồng bông theo hai hình thức: sản xuất bông phân tán trong nhân dân và sản xuất bông tập trung theo mô hình trang trại có tưới. Với hình thức sản xuất phân tán, diện tích và sản lượng bông đã tăng từ mức hơn 8.000ha và sản lượng bông xơ đạt 3.900 tấn ở niên vụ 2009 - 2010 lên mức hơn 11.000ha và sản lượng bông xơ đạt gần 5.000 tấn ở niên vụ 2011 - 2012. Đối với hình thức sản xuất bông tập trung, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công thương, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã giao cho các công ty sản xuất kinh doanh bông triển khai sản xuất thử nghiệm theo mô hình bông trang trại. Đến nay đã có hai trang trại mẫu, thử nghiệm, đó là trang trại của Công ty CP sản xuất kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, Bình Thuận, quy mô diện tích hơn 54ha, dùng phương pháp tưới nhỏ giọt của Israel và trang trại mẫu 20ha tại huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận của Viện Bông Nha Hố, với phương pháp tưới xả tràn. Kết quả thử nghiệm tại hai trang trại này rất khả quan. Năng suất bông hạt đạt trên 2 tấn/ha, dự kiến các năm sau sẽ cho năng suất từ 2,5-3,5 tấn/ha, cao gấp 2-3 lần so với năng suất bình quân hiện tại của ngành bông là 1,1 tấn/ha.

Đến nay, tổng diện trồng bông của cả nước mới đạt 12.000ha, bằng hơn 1/3 so với chỉ tiêu 30.000ha và tổng sản lượng bông xơ đạt xấp xỉ 5.000 tấn bằng 1/4  so với chỉ tiêu đặt ra cho năm 2015 là 20.000 tấn theo Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công thương Phan Chí Dũng, sở dĩ diện tích, năng suất, sản lượng bông có tăng lên trong hai năm qua nhưng còn chậm là do nhiều chính sách hỗ trợ theo Quyết định 29 chưa đến được doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp và nông dân chưa nhận được các chính sách hỗ trợ phát triển cây bông vải như thành lập quỹ trợ giá bông, cơ chế tài chính cho đầu tư phát triển vùng bông có tưới, chính sách vốn cho kinh doanh bông, vốn cho nâng cao năng lực nghiên cứu cây bông…

Đối với các mô hình trồng bông phân tán trong nhân dân thì tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất nhờ nước trời luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thời tiết biến đổi thất thường. Hệ thống thủy lợi chưa phù hợp với việc tưới tiêu cho cây bông. Mặc dù giá bông hạt được nâng từ 9.000 đ/kg lên 15.000 đ/kg tại Bình Thuận, 17.000-18.000 đ/kg tại các tỉnh Tây Nguyên nhưng giá các cây trồng khác cũng tăng cao nên giá bông vẫn thấp, chưa hấp dẫn nông dân đầu tư phát triển cây bông vải. Việc đầu tư thâm canh tăng năng suất, cơ giới hóa còn hạn chế nên cây bông vẫn chưa cạnh tranh được với các loại cây lương thực khác như ngô, sắn… Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhận định, để có thể tăng nhanh diện tích trồng bông, phải giải bài toán lợi ích kinh tế cho nông dân. Tập đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp với các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hướng dẫn nông dân trồng bông theo kỹ thuật mới, áp dụng giống mới. Suất đầu tư cho phương thức này cao thì phải bàn bạc để có phương án kết hợp. Quỹ đất trong dân còn rất hạn chế thì phải làm sao để họ chịu chuyển sang trồng bông. Đề nghị các tỉnh tạo điều kiện cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam có quỹ đất để phát triển trồng bông trang trại.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chưa có bước đột phá trong phát triển cây bông vải
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO