Chữa bệnh phải tận gốc

- Thứ Sáu, 12/04/2019, 08:17 - Chia sẻ
28 thí sinh đang theo học tại các trường đại học ngành công an bị trả về. Đó chỉ là một phần trong số 64 thí sinh được sửa bài đôn điểm đã phát hiện trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Hoà Bình. Còn Hà Giang 114 thí sinh được nâng điểm, Sơn La 44 thí sinh, những điểm nóng tiêu cực tuyển sinh vừa qua cũng đang trong lộ trình xử lý. Chưa kể những năm trước và ở các địa phương khác còn bao nhiêu trường hợp “lọt lưới”, nhân tài giả choán chỗ trong các trường đại học danh giá, làm xã hội nhức nhối và giảm sút niềm tin!

Trong nỗi buồn về tình trạng giả dối lộng hành lại nhen lên chút hy vọng vì ngành giáo dục đã rất kiên quyết và nhất quán trong xử lý tiêu cực. Ngay từ khi phát hiện dấu hiệu tiêu cực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử các đoàn thanh tra lên làm việc rốt ráo tại các địa phương để tìm chứng cứ, chỉ tận tay, day tận trán những “vết đen”. Bộ Công an đã phối hợp hiệu quả, khởi tố các vụ án, các trường công an đã kịp thời trả về địa phương những học viên “ngồi nhầm lớp”!

Thế nhưng, dù có nỗ lực đến đâu thì tiêu cực cũng đã diễn ra, hậu quả của nó không dễ gì khắc phục. Các em học sinh đã nhập trường gần một năm, lãng phí thời gian, tiền của đào tạo của Nhà nước ai chịu trách nhiệm? Ai trả lại cơ hội, sự công bằng cho các học sinh xứng đáng, bị chiếm chỗ bởi các trường hợp “đánh tráo nhân tài”? Chưa kể, cách giải quyết cũng đang gây tranh cãi. Các phụ huynh học sinh - trong đó không ít là người có vai vế trong xã hội - có vô can khi dùng tiền bạc, quyền lực và quan hệ để “mua điểm” cho con cháu mình? Có nên công khai tên các thí sinh nâng điểm để tiệt nọc tiêu cực về sau hay phải “dịu dàng”, tế nhị vì lý do “nhân văn, nhân đạo”?

Hầu hết phụ huynh đều tỏ ra “ngơ ngác” khi việc con em mình được nâng điểm bị phanh phui. Vị Bí thư một tỉnh còn tỏ ra “rất buồn” không hiểu vì đâu và vì ai mà con gái mình rơi vào trường hợp được nâng điểm bởi “học lực của cháu rất tốt”! Cháu ruột của ông cũng trong “danh sách đen” được ưu ái, củng cố thêm nỗi lo của dư luận về “tiêu cực có rễ, có chùm”! Ông Bí thư rất buồn thì dư luận cũng không thể vui vì tiêu cực liên quan trực tiếp đến con em lãnh đạo chủ chốt, lo vì rào cản quyền lực có thể khiến quá trình “trả lại tên cho em” gặp khó!

Dư luận đang kỳ vọng đây là cơ hội để triệt tận gốc tiêu cực thi cử đã dai dẳng như một căn bệnh kinh niên! Quy định về nêu gương cán bộ chủ chốt đã ban hành, cùng với quyết tâm xử lý tham nhũng, tiêu cực mà Đảng thúc đẩy chính là điểm tựa để xử lý đến cùng tiêu cực! Chữa bệnh phải tận gốc. Nếu chần chừ, chùn tay, chính là dung dưỡng cho tiêu cực, xúc phạm truyền thống hiếu học, đi ngược lại chủ trương nhất quán của Đảng, đòi hỏi cán bộ phải thực sự nêu gương để xứng với niềm tin của nhân dân!

Trực Ngôn