Chưa bao giờ bình yên như thế (Phần cuối)
Truyện ngắn của Trần Thị Tố Loan
>> Chưa bao giờ bình yên như thế (Phần 1)

Năm nay, Vũ được phân công dạy sử lớp sáu. Mỗi chiều thứ hai, dù là tiết năm, Vũ vẫn thường náo nức vào dạy lớp 6A. Lớp học có cô bé Thương, con một người thương binh trong xã. Thương học rất khá, vẽ đẹp, nhiều ý tưởng độc đáo. Cô bé thường hăng hái xây dựng bài và hay hỏi những câu mà chính Vũ cũng bất ngờ. Tiết học hôm đó, Vũ giảng về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới triều đại nhà Trần. Ngoài kiến thức về tình hình chính trị, văn hóa, bang giao thời Trần, diễn biến chính ba lần kháng chiến chống giặc Thát, Vũ còn kể cho các em câu chuyện về Yết Kiêu, Dã Tượng, về hội nghị Bình Than, Diên Hồng, đặc biệt là chuyện Trần Quốc Tuấn đã tắm cho Trần Quang Khải để hóa giải mối thù nhà vì nợ nước… Như mọi lần, học trò rất hứng thú.
Tiết học ấy và những dư chấn hôm qua khiến Vũ không sao bình tâm được, có cái gì đó nghẹn ngào trào dâng trong lòng. Để xe đạp và cặp ở phòng bác bảo vệ, anh lặng lẽ đi về phía cánh đồng theo lối cổng sau. Học trò túa ra như ong vỡ tổ, lát sau con đường đồng đã thưa vắng. Chợt có tiếng thưa thầy từ phía sau. Vũ quay lại, thì ra cô bé Thương:
- Em chưa về sao?
- Dạ, hôm nay em trực nhật. Em ở lại quét lớp ạ. Thầy ơi! Em muốn hỏi... - Thương ngập ngừng.
- Em hỏi đi!
- Chiến tranh có màu gì hả thầy?
Chiến tranh mang màu gì nhỉ? Sao chưa bao giờ Vũ nghĩ tới điều này? Vũ nghe đắng đót đầu lưỡi… Chắc là màu đỏ? Mình nói màu xanh là nói dối cô bé Thương rồi. Thần chiến tranh, sao Hỏa, màu cờ, màu máu… Ôi! Chiến tranh là gì? Là gì? Sao dọc dải đất hình chữ S thân yêu này lại có nhiều núi Vọng Phu và nghĩa trang đến vậy? Phải rồi, chiến tranh mang màu trắng, màu của nỗi nhớ, của niềm đau… Vũ cứ triền miên như thế đi về phía đông. Con đường đồng quạnh quẽ. Cào cào, châu chấu bay dạt ra theo từng bước chân Vũ. Bên trái là đồng khoai, bên phải là khu nghĩa địa lâu đời. Bình thường Vũ chưa bao giờ dám một mình đi qua đó. Những ngôi mộ đơn côi, sồi sụt bao nhiêu năm không một người thăm viếng. Có ngôi mộ nào là của những tử sĩ tha hương vĩnh viễn nằm lại nơi đây không? Vũ chợt nhớ câu thơ của Vương Hàn: Túy ngọa sa trường mạc quân vấn/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Ôi chiến tranh! Những ngày mẹ thao thiết chờ đợi, ký ức hãi hùng của cha. Rồi những giọt nước mắt lặng lẽ của mẹ, ánh mắt thất thần của cha… Có lẽ nào chiến tranh là thế?
Vũ đã tới lạch sông, mùi biển tanh nồng, thứ mùi Vũ thường gặp hàng ngày ở những đứa học trò vạn chài. Đã bao lần Vũ muốn qua bên kia bờ mà mẹ không cho. Qua bên kia đã là biển. Vũ cứ để nguyên quần áo như thế mà bơi qua. Ngày bé, bao nhiêu lần thắng lũ trẻ trong các cuộc thi bơi ở ao làng thế mà Vũ chưa từng qua lạch sông này. Đã tới bờ bên kia. Ánh mắt Vũ trải dài. Biển xanh và mênh mông quá! Phía bên kia biển có gì? Vũ không biết! Thế mà Vũ đã hai mươi tư tuổi rồi đấy. Rồi Vũ cũng như bao nhiêu người ở Yên Sa này thôi, quẩn quanh, quanh quẩn. Vũ muốn hét to lên một tiếng nhưng lòng nghẹn đắng lại. Gió biển phả vào anh hơi muối nồng nàn. Chưa bao giờ anh thấy yêu biển đến thế. Biển lúc này lặng yên mà thấu hiểu như người mẹ của Vũ. Người mẹ dịu hiền từ ngày lấy chồng chưa một lần ra khỏi Yên Sa, Yên Sơn. Mười tám tuổi xinh tươi như đóa hoa đồng nội, chưa biết yêu đương là gì thì đã về làm vợ anh giáo làng ở Yên Sa rồi. Bao lần Vũ hỏi ngoại về chuyện thời trẻ của mẹ, ngoại chỉ bảo mẹ chịu thương chịu khó, xinh đẹp nhất Yên Sơn, gả cho anh đồ bên Yên Sa là đám tốt nhất rồi. Vũ chợt nhớ đến những giọt nước mắt lặng lẽ lăn vào tóc của mẹ trong những đêm sau ngày cha trở về…
Cha đã thành một con người khác. Lặng lẽ. Âm thầm. Vũ luôn có cảm giác cha mình như dòng nước sau con đập ngăn, lặng yên nhưng dễ trào dâng. Tuy không có trải nghiệm về chiến tranh nhưng anh thường hình dung về nó như một bức tranh u buồn. U buồn như không khí nhà Vũ kể từ khi cha trở về. Cha cứ giữ chặt ký ức hãi hùng trong lòng, cho đến ngày hôm qua ông chưa kể lể, tâm sự với ai, hễ nghe nói đến chiến tranh là lảng tránh, bao giờ đến ngày kỷ niệm chiến thắng cũng buồn bã, sợ sệt. Thường sau một tuần làm việc, chủ nhật là khoảng thời gian Vũ thấy bình yên hơn cả. Thế mà hôm qua, lúc cả nhà chuẩn bị ăn trưa thì đài phát chương trình Đi tìm đồng đội, chợt nghe tên liệt sĩ Nguyễn Thanh Phong, sinh năm… quê Thượng Sơn, Yên Sơn…, cha thoắt đứng dậy, mắt vằn đỏ, xốc hai tay nâng Vũ đứng hẳn lên, giọng nói đanh lại đau đớn: Con biết chiến tranh là gì không? Chính cha đã… đã bắn chết người em… người đồng đội thân yêu nhất của mình…
Con đập ngăn đã vỡ.
Mẹ chạy đến đỡ cha ngồi xuống.
Cơn cuồng phong qua đi, cha cất giọng lúc chậm buồn, lúc thê thiết…
*
* *
… Sau khi nhập ngũ, cha được huấn luyện thành lính trinh sát. Lần ấy tổ công tác của cha cải trang thành dân thường, vượt sông bí mật trà trộn vào nội thành bắt liên lạc, thu thập thông tin về quân địch, chuẩn bị cho cuộc tiến công quy mô lớn. Tổ của cha có chú Phong con cô Hiền bên Yên Sơn và chú Thành người tỉnh khác. Theo sự phân công, chú Thành cảnh giới vòng ngoài, chú Phong yểm trợ, cha trực tiếp dùng mật khẩu liên lạc với cơ sở. Vào nội thị cha đã nhanh chóng gặp cơ sở và nhận được sơ đồ bố trí lực lượng địch trong thành phố. Nhưng khi rút ra thì gặp tình huống bất ngờ, địch bỗng dưng siết chặt kiểm tra ở các chốt trên đường dẫn ra bờ sông. Tổ rút lui theo phương án hai. Đợi cho trời tối hẳn, tổ của cha đi vòng hướng khác ra bờ sông. Cha cho tài liệu vào túi cách thủy, chuẩn bị vượt sông để về điểm hẹn. Không ngờ gặp địch đi tuần tra. Để bảo vệ tài liệu, cha nhanh chóng lăn mấy vòng trườn xuống nước, lặn sâu vào lòng sông. Phong, Tiến bắn cản địch. Đạn giặc cày rít lên đuổi theo. Tiếng đáp trả thưa thớt. Cha cứ thế bơi dọc theo lòng sông, cho đến khi gặp một bãi cây thì trồi lên thở. Không còn nghe tiếng súng, chỉ có tiếng côn trùng não ruột. Nấp trong lùm cây, lòng như muối xát, nghĩ đến sơ đồ trong tay, cha định tìm đường về đơn vị nhưng nghĩ đến đồng đội, cha đã bơi ngược trở lại. Cha bơi lặng lẽ trong đêm, thỉnh thoảng trồi lên quan sát, khi thấy trên bờ không có động tĩnh gì thì bò lên, trườn sát cỏ, căn đến chỗ đụng địch lúc trước. Nấp chừng mười phút, không thấy có địch phục kích, cha bắt đầu quờ quạng tìm kiếm. Địch đã rút. Trời tối như hũ nút, quờ quạng mãi cha đụng phải một người nấm sấp. Cha đưa tay lần vào cơ thể thấy còn nóng và ướt, sờ vào mũi thấy còn thở, sờ vào vai phải thấy có nốt ruồi to. Đúng là Phong rồi! Bao lần tắm suối cha đã thấy nốt ruồi dị thường ấy. Phong chỉ còn thở thoi thóp, hai chân giập nát, sờ vào chỗ nào cũng bị thương, máu thấm ướt hết quần áo. Lật Phong nằm ngửa lên cho dễ thở rồi cha tiếp tục lần mò tìm Thành. Tìm mãi không thấy, sợ bọn địch quay lại, cha đành ôm Phong, bơi ngang sông. Qua bờ kia thì tối quá, không sao xác định được hướng đi. Cha bế chú Phong áp vào lòng, cứ thế đi về phía trước, lâu lâu lại áp mặt vào mũi chú ấy xem còn sống không. Đi như thế không biết bao lâu thì trời tờ mờ sáng, cha đã ở giữa cánh rừng rậm rạp, phía trước có núi đá hình yên ngựa. Rã rời, cha đặt Phong nằm xuống đám lá khô… Trời ơi! Trước mắt cha không còn là hình thù con người nữa mà là một thể xác rách nát. Cha muốn sơ cứu cho Phong mà không biết phải bắt đầu từ bộ phận nào. Không chỗ nào trên thân thể Phong không bị thương. Cha chỉ biết lấy một ít lá dại rịt vào những nơi vết thương còn ứa máu. Cả người cha cũng nhuộm đỏ máu của Phong. Cha lấy nước từ bụng đá gần đó rửa cho Phong. Gần trưa, Phong cựa quậy tỉnh, mắt hé mở. Phong mấp máy điều gì đó trong miệng. Cha nghé sát tai vào miệng Phong. Cha rùng mình. Hóa ra Phong xin cha hãy kết thúc cơn đau mà Phong đang phải chịu đựng. “Em không sống được đâu… Anh giúp em đi cho nhanh…” Rồi Phong yếu dần, không nói được thành tiếng nữa, chỉ oằn mình rên rỉ. Đến giữa chiều, nắng như thiêu đốt, vết thương của Phong nhanh chóng bốc mùi, ruồi nhặng kéo đến từng đám, cha cầm bó lá xua đi không hết. Ánh mắt Phong thỉnh thoảng lại nhìn cha cầu khẩn. Chưa bao giờ cha thấy mình tuyệt vọng như thế. Phong cầm cự đến chiều muộn thì lên cơn co giật, từng đợt, từng đợt. Không biết lấy sức từ đâu mà Phong hét lên kinh hoàng, giữa tiếng la hét là tiếng gọi mẹ nghẹn ngào. Cơn đau của Phong truyền sang cha, bóp nghẹt tim cha… Cha quay mặt đi, nhắm mắt lại. Một tiếng nổ vang lên sau cái ngoéo cò. Rừng già bỗng chốc im bặt, một sự ngưng đọng chết chóc.
Cha đưa Phong vào tận chân núi hình yên ngựa, cạnh cây gỗ lớn và đặt xuống hốc đá. Chôn cất xong, cha ở lại cùng Phong đến hết đêm ấy. Hôm sau, cha tìm đường về đơn vị. Nhờ mấy thứ quả rừng chua chát mà cha đã cầm cự được cho đến khi tìm thấy đồng đội. Sơ đồ cha cầm về đã giúp quân ta giành thắng lợi trong đợt tấn công vào thành phố. Cha được khen thưởng, nhưng tinh thần và thể lực suy kiệt nên được cho về tuyến sau cho đến khi chiến tranh kết thúc. Về sau, nghe nói chú Thành chỉ bị thương nhẹ, lạc sang một đơn vị khác. Còn cha trở về lành lặn, nhưng khi ngủ, hễ ai chạm vào người, cha lại giật mình tưởng Phong đang ở bên cạnh.
*
* *
Nhớ lại chuyện cha kể, nước mắt lại chảy vào miệng Vũ. Mặn đắng. Ngày hôm qua những giọt nước mắt như thế này cũng đã chảy trên má, trên môi của cha, mẹ và Vũ. Chợt nhớ là ngày mai cả nhà sẽ sang gặp bà Hiền bên Yên Sơn tạ lỗi. Vũ nhìn biển lần nữa rồi lặng lẽ bơi trở lại. Những tia nắng cuối ngày đang dần tắt. Vũ trầm ngâm đi về. Nước nhỏ tong tong theo mỗi bước chân. Qua khu nghĩa địa trời đã tranh tối tranh sáng. Lần đầu tiên, Vũ không có cảm giác sợ. Có khoảng cách nào giữa người sống và người chết đâu? Vẫn những ngôi mộ lúp xúp, đơn côi trong ánh hoàng hôn. Có lẽ ngôi mộ của chú Phong cũng lẻ loi, đơn côi như thế ở núi yên ngựa từ ngày khủng khiếp ấy… Một ngày gần đây cha, Vũ và người nhà chú Phong sẽ vào đưa chú về quê yên nghỉ, Vũ tin thế.
Trời tối hẳn, Vũ ghé vào trường lấy xe, không ai nhìn thấy bộ dạng anh lúc này. Về đến nhà, Vũ chào cha mẹ rồi đi tắm. Bao lần Vũ đến nhà phụ huynh về muộn nên cha mẹ cũng không thắc mắc gì. Cha đang ngồi nghe thời sự. Nét mặt nhẹ nhõm…
Ngày hôm sau, từ tảng sáng, cha, mẹ và Vũ đã đi đường tắt ngang qua cánh đồng sang Yên Sơn. Hương lúa đang thì con gái thơm nồng. Nhà bà Hiền ở cuối xóm Thượng Sơn. Ngôi nhà vắng vẻ, cô quạnh, bà Hiền đang làm cỏ cho chè trong vườn. Thấy người làng sang, bà vội vã đi vào, đon đả mời thuốc nước. Cha thắp mấy nén nhang cắm lên bàn thờ rồi quỳ thụp xuống lạy bà Hiền… Bà ngạc nhiên đỡ cha đứng dậy. Câu chuyện về cái chết đau thương của chú Phong lại được kể, ngắn gọn hơn nhưng vẫn đau đớn như thế. Cha kể đến đâu những nếp nhăn trên mặt bà Hiền xô dúm lại đến đấy, tay bà bấu chặt vào thành ghế, cuối cùng bà chỉ nấc lên hai tiếng “Con ơi!” rồi gục xuống bàn…
Qua cơn chấn động, bà Hiền nghẹn ngào:
- Chiến tranh mà… Chỉ cần tìm được mộ… mộ của em nó là tôi… tôi có thể yên tâm mà về… với ông nhà tôi được rồi.
Nước mắt chảy thành vệt trên gò má đã nhăn nheo của bà. Bà hết nhìn lên bàn thờ chồng, con rồi lại nhìn mẹ con Vũ. Có lẽ bao năm qua, bà đã nuốt dòng nước mắt ấy vào tim…
Cha Vũ nói chỉ cần bà tha tội là ông đã thanh thản phần nào, cha sẽ tự mình dẫn người thân vào núi Yên Ngựa đưa chú Phong về. Bà Hiền gật đầu nín lặng…
Bà Hiền làm cơm cúng chú Phong, mời cả nhà Vũ ở lại ăn, bàn chuyện đi tìm mộ. Đến chiều, cả nhà mới đi về.
Bóng ba người trải dài trong nắng, in lên cánh đồng xanh mướt, khẽ chạm vào nhau.
Chưa bao giờ Yên Sa lại bình yên như thế…