Chủ trương đúng, hành động quyết liệt

- Thứ Sáu, 20/11/2020, 08:08 - Chia sẻ

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp)

Phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2011 -  2020. Đây là thời điểm cần có đánh giá, nhìn nhận thấu đáo về những kết quả chúng ta đã đạt, những hạn chế, tồn tại và điều quan trọng hơn là phải phân tích được những nguyên nhân bao gồm cả khách quan, chủ quan, cả trước mắt và sâu xa, để có thể xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030.

Trước hết, phải ghi nhận phát triển nguồn nhân lực những năm qua có chuyển biến rất ấn tượng. Chúng ta đã có thay đổi lớn về nhận thức đối với tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, từ đó có những khâu chuẩn bị để xây dựng được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập.

Thứ hai, chúng ta đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đối với phát triển nguồn nhân lực. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển nguồn nhân lực trong thực tế. Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung nhiều luật chuyên ngành như Luật Giáo dục được sửa đổi năm 2009, 2019; Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp… Với hệ thống pháp luật chuyên ngành như vậy, Quốc hội đã tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, thực hiện giáo dục phổ cập bắt buộc và phát triển giáo dục đại học… Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên và cơ cấu nguồn nhân lực cũng đang tiệm cận chất lượng cao, giảm dần tỷ lệ lao động không qua đào tạo.

Bên cạnh những mặt được thì vẫn còn những khó khăn, thách thức đang ở phía trước. Trước hết, quay trở lại với câu chuyện nhận thức. Chúng ta đã có những điều chỉnh nhưng rõ ràng, nhận thức về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cho giáo dục đào tạo ở từng cấp, từng ngành hoặc từng địa phương vẫn có dấu hiệu hời hợt và hình thức. Trọng tâm của phát triển nguồn nhân lực hay trọng tâm đầu tư cho giáo dục - đào tạo ở đâu? Ở bậc học phổ thông hay mầm non hay là giáo dục đại học hay là giáo dục nghề nghiệp? Ngành nào, cấp nào cũng quan trọng, nhưng ở cấp nào, thời điểm nào, khu vực nào cần đầu tư hơn thì chưa rõ.

Mặt khác, chúng ta có chủ trương đúng nhưng hành động thì chưa quyết liệt, công tác triển khai còn lúng túng. Đơn cử với giáo dục, chúng ta luôn xác định đây là quốc sách hàng đầu nhưng đầu tư cho giáo dục luôn bị vướng bởi nguồn lực hạn chế. Luật Giáo dục quy định ngân sách chi cho giáo dục trong tổng ngân sách chi thường xuyên là 20%. Nhưng cho đến nay, có địa phương nào bảo đảm được đúng tỷ lệ 20% này hay không? Hiệu quả của việc chi ngân sách cho giáo dục như thế nào? Hầu như câu trả lời chúng ta chưa tìm được.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng rất khó nắm được nguồn tiền đầu tư cho giáo dục đang “chạy” như thế nào. Vì thế, chúng ta cũng không thể phân tích được hiệu quả. Đây là vấn đề phải tháo gỡ thì mới biết nguồn lực đầu tư cho giáo dục có đủ không, có hiệu quả không và cần phải bổ sung ở khâu nào, cấp nào, địa bàn nào.

Về chất lượng nguồn nhân lực, có tăng lên nhưng so với yêu cầu và mặt bằng chung thì chưa đáp ứng được. Cùng với tiến trình hội nhập, nguồn nhân lực trong nước sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt, nếu không chuẩn bị tốt thì chúng ta sẽ bị thua ngay trên thị trường lao động trong nước. Đó là chưa nói đến câu chuyện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hạn chế của chúng ta hiện nay là tỷ lệ lao động đào tạo ở trình độ thấp vẫn còn ở mức cao, nguồn nhân lực được đào tạo ở trình độ cao thì đang thấp. Vì vậy, phải tính toán để có sự điều chỉnh trong tỷ trọng đào tạo.

Chúng ta có thể học ở các nước, như Singapore chẳng hạn. Chính sách mà Singapore đưa ra từ năm 1966 là đào tạo song ngữ, từ đó, nguồn nhân lực của quốc gia này đã có sức cạnh tranh rất lớn và giúp người dân Singapore có cơ hội giành được thị phần lao động ngay trong nước. Singapore tiếp tục đưa nguồn nhân lực đào tạo trong nước sang các nước và trở thành địa chỉ thu hút sinh viên nước ngoài đến Singapore học tập.

Chúng ta phải tính toán để có chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn tới. Phải nhận thức đúng, đầy đủ vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực phải gắn với đánh giá hiệu quả và phân tích thật kỹ chất lượng đầu tư. Tăng cường sự kết nối trong nước ngoài nước, giữa 3 nhà - nhà trường, nhà đầu tư (tức doanh nghiệp) và nhà nghiên cứu trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Và phải đổi mới phương thức đào tạo để có được nguồn nhân lực chất lượng cao.