Hạn chế tai nạn lao động

Chú trọng truyền thông tại cơ sở

- Thứ Ba, 22/10/2019, 08:15 - Chia sẻ
Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 54% nguyên nhân gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên thế giới và bình quân 72% nguyên nhân gây tai nạn lao động chết người ở Việt Nam là do người sử dụng lao động và người lao động vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động… Chính vì vậy, để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, cần chú trọng công tác truyền thông tại cơ sở.

Chủ quan, chưa có ý thức chấp hành

Nhằm hạn chế cũng như xây dựng môi trường lao động an toàn cho người lao động, Đảng và Nhà nuớc đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động như: Chỉ thị số 29 - CT ngày 13.9.2013 về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập  quốc tế... Trong đó, nhiệm vụ nổi bật là “Đổi mới hình thức nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân”; Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 5.1.2016); Quyết định số 87/QĐ-TTG chỉ đạo tổ chức Tháng hành động về An toàn; Quyết định số 899/QĐ - TTg ngày 20.6.2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động…

Tuy nhiên, đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, công tác truyền thông về an toàn lao động chưa thực sự hiệu quả. Đáng nói là nguồn nhân lực làm công tác thông tin tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động ở cấp cơ sở còn hạn chế về số lượng cũng như chuyên môn, kinh nghiệm. Cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động chủ yếu là kiêm nhiệm nhiều việc, không được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng thông tin, truyền thông, quỹ thời gian làm công tác thông tin, truyền thông hạn hẹp... ảnh hưởng đến chất lượng, số lượng hoạt động thông tin, tuyên truyền. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thông tin, tuyên truyền nhìn chung còn nghèo nàn.

Phó Trưởng phòng Huấn luyện, thông tin, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Thúy cho biết: “Chi phí cho công tác tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động còn hạn chế. Theo kết quả khảo sát tại 200 doanh nghiệp vừa nhỏ, kinh phí dành cho công tác phòng ngừa, tuyên truyền chỉ chiếm 3% tổng chi phí cho công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tỷ lệ này còn ít hơn rất nhiều lần trong khu vực không có quan hệ lao động. Đa số các chủ cơ sở và người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động chưa nắm được kiến thức cơ bản về pháp luật cũng như các biện pháp kỹ thuật, sắp xếp tổ chức quản lý hợp lý để bảo đảm an toàn lao động, phòng người tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cộng với đó là tâm lý chạy theo lợi nhuận đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cải thiện điều kiện lao động trong cơ sở. Người lao động còn chủ quan, chưa có ý thức trong việc chấp hành kỷ luật lao động”.

Theo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để tăng cường truyền thông về nhận thức thực hiện an toàn lao động cho người lao động, tới đây Bộ sẽ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động với các cơ quan thông tin, truyền thông, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội; đa dạng và đan xen các nội dung, hình thức tuyên truyền, về an toàn, vệ sinh lao động.

Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền

Báo cáo hàng năm về tình hình tai nạn lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, số vụ tai nạn lao động vẫn luôn gia tăng dù cho ngành chức năng có nhiều nỗ lực cũng như thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, khu vực không có quan hệ lao động xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất. Chính vì vậy, để các chủ trương, chính sách về an toàn, vệ sinh lao động đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, thiết thực, thì công tác thông tin, tuyên truyền ở cấp cơ sở, năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên đóng vai trò quan trọng.

Do đó, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định trong khu vực không có quan hệ lao động. Trong đó, nhấn mạnh thông tin truyền thông về quyền và trách nghiệm, nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia lao động sản xuất; các biện pháp phòng ngừa, nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền ở cấp quận, huyện, xã, phường; đào tạo, phát triển đội ngũ tình nguyện viên, tuyên truyền viên tại các doanh nghiệp, chi hội ở địa phương để tạo sức lan tỏa sâu rộng và chính họ là lực lượng thường xuyên, dễ tiếp cận nhất với người lao động trong khu vực không có hợp đồng lao động.

Mới đây, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch về triển khai các nhiệm vụ công đoàn tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức và hành động trong việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cấp công đoàn. Theo đó, công đoàn các cấp sẽ tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp đối với công tác an toàn vệ sinh lao động; đưa công tác này vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và cả nhiệm kỳ, phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ chỉ tiêu giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Cũng theo kế hoạch, sẽ ưu tiên bố trí cán bộ được đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật, có kinh nghiệm, nhất là ở các lĩnh vực, doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các địa phương có nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp, đông công nhân lao động để làm công tác an toàn vệ sinh lao động.

Thái Yến