Ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống
- Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra sau 21 ngày làm việc. Ngay sau kỳ họp, tiếp xúc với cử tri, bà chia sẻ gì về thành công của Kỳ họp?
- Kỳ họp thứ Tư diễn ra trong 21 ngày, thông qua 6 luật, cho ý kiến về 7 dự án luật, tiếp tục tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển KT - XH của đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; phòng, chống tham nhũng bằng việc thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Kỳ họp ghi nhận 1.841 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ, 621 lượt đăng ký, 508 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 26 lượt tranh luận tại 26 phiên thảo luận Hội trường. Qua đó cho thấy không khí nghị trường rất sôi nổi, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng các dự án luật, dự thảo Nghị quyết, chuẩn bị nội dung phát biểu sát với thực tiễn, đi sâu vào trọng tâm vấn đề, những nội dung cốt lõi nhất.
Sự cẩn trọng, nghiêm túc, trách nhiệm của Quốc hội thể hiện ở việc chưa thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do còn có nhiều ý kiến khác nhau.
- Một trong những nội dung rất quan trọng của Kỳ họp là thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023. Đây là năm bản lề, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2021 - 2025. Bà đánh giá thế nào về các chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023?
- Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023 được thông qua với sự đồng thuận, nhất trí cao. Trước đó, các đại biểu đã thảo luận rất kỹ lưỡng, phân tích những tác động của nền kinh tế thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong điều kiện “bất ổn” như chi phí đầu vào tăng cao, xung đột Nga - Ukraina còn diễn biến phức tạp. Trong nước, chúng ta cũng đối mặt với áp lực lạm phát, lãi suất tăng cao, thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro… Quốc hội đặt mục tiêu phải ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống. Đồng thời, xác định tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Những con số này được đưa ra trên cơ sở phân tích kỹ những thuận lợi, khó khăn đối với tình hình KT - XH trong nước, thể hiện Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ trong việc điều hành, xử lý các vấn đề quan trọng của đất nước, nhằm giúp cho kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ hơn nữa.
- Theo bà, để đạt được các chỉ tiêu trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023, Chính phủ cần làm gì?
- Trước hết, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Quốc hội đã nêu ra trong Nghị quyết, chú trọng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt nhằm giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Quyết tâm thực hiện giải ngân các gói đầu tư công, nhất là hiện nay tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn rất chậm.
Hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai
- Một trong những nội dung quan trọng, sát sườn được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, đó là Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)... Ý kiến của bà với dự luật này như thế nào?
- Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự luật khó, được xem xét thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Trong lần đầu tiên cho ý kiến, dự án Luật ghi nhận số lượt đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu rất cao, hơn 100 lượt đại biểu đăng ký phát biểu. Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn dự án Luật phải làm sao khắc phục được tình trạng hơn 70% số đơn thư khiếu nại, tố cáo hiện nay chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai. Ghi nhận ở các địa phương, vướng mắc này chủ yếu tập trung ở việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Cử tri và Nhân dân cả nước, kỳ vọng dự án Luật phải thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tôi đặc biệt quan tâm đến việc, phải làm sao giá đất bám sát giá trị trường, việc hỗ trợ người dân tái định cư phải có nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Dự án Luật Đất đai cũng bỏ khung giá đất theo quy định cũ, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan; bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì bảng giá đất được xây dựng theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn. Quy định các trường hợp áp dụng bảng giá đất, trong đó áp dụng bảng giá để tính thuế thu nhập khi chuyển quyền sử dụng đất. Theo tôi, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
- Một số đại biểu đã có ý kiến về việc dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nên tách bạch rõ ràng đất thu hồi cho các công trình công cộng và đất thu hồi cho công trình thương mại, khu chung cư. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
- Thời gian qua, đất phục vụ cho lợi ích công cộng, mục tiêu quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia luôn được người dân đồng thuận, ủng hộ, giá đền bù các dự án này được thực hiện theo đúng quy định pháp luật và Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi đất. Nhưng những dự án đất phục vụ cho phân lô, bán nền, xây dựng trung tâm thương mại lại là vấn đề gây bức xúc cho nhân dân, vì các dự án đất này, lợi ích phục vụ cho một nhóm đối tượng, trong khi giá đền bù và giá trị thực tế lại thường có sự chênh lệch cao, do đó, người dân cảm thấy có sự thiệt thòi. Mong rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được vấn đề này. Phải làm sao để người dân có đất đền bù không bị thiệt thòi, giá đất phải bám sát giá thị trường như mục tiêu sửa đổi đề ra.
- Xin cảm ơn bà!
Ý kiến bạn đọc