Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại
Cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế; thị trường lao động tiếp tục phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng so với năm 2022. Kết nối cung - cầu lao động được tăng cường và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc, hỗ trợ kịp thời cho người lao động tìm kiếm việc làm...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra những tồn tại như chất lượng cung lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
"Nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ, nhất là nhân lực chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm và các doanh nghiệp" - Bộ trưởng nhận định.
Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; mức chuẩn trợ giúp xã hội quá thấp so với mức sống tối thiểu; tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội; cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập chưa đáp ứng được yêu cầu công tác cai nghiện.
Chia sẻ về vấn đề nhân lực, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhận định, thực tế thị trường lao động vẫn còn mất cân đối cung - cầu. Nhiều tập đoàn đến Việt Nam đầu tư, muốn tuyển dụng lực lượng lao động trình độ phổ thông, có tính chất gia công thì có, nhưng cần lực lượng lao động để đáp ứng công nghệ cao còn rất thiếu.
Mặt khác, số lao động có việc làm trong khu vực phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao (65%). Đây là thách thức rất lớn trong quá trình chuyển đổi nguồn nhân lực. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn ở mức cao.
Trong khi đó, việc tham gia các công ước quốc tế, Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cũng đang đặt ra rất nhiều vấn đề. Đơn cử như khu vực FDI, có rất nhiều chính sách tạo ra sức ép, đó là làm sao vừa thu hút FDI nhưng cần tạo ra việc làm chất lượng, có công nghệ cao, dần làm chủ các chuỗi giá trị sản phẩm, từ thiết kế cho đến nghiên cứu, sản xuất, tức là có sự chuyển giao.
Tận dụng lao động có thâm niên
Tham gia Hội nghị, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã có nhiều tham mưu, góp ý giúp ngành lao động phát triển, đặc biệt coi trọng vấn đề hướng nghiệp và đội ngũ tư vấn hướng nghiệp.
Theo đó, vấn đề đào tạo nghề còn nhiều khó khăn, các chương trình hướng nghiệp chưa đầy đủ. Đơn vị cơ sở đào tạo nghề mới chỉ tổ chức cacs cuộc phổ biến chương trình hướng nghiệp, kết nối thị trường. Bên cạnh đó, việc liên thông trong học nghề vẫn còn gặp khó khi công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh mẽ để thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh. Nhiều gia đình vẫn mong muốn cho con học đại học thay vì học nghề. Do đó, cần sớm đào tạo một bộ phận nhân lực làm công tác hướng nghiệp bài bản và chuyên nghiệp.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng băn khoăn tốc độ tăng năng suất lao động hiện còn thấp, chưa theo kịp các nước trong khu vực. Điều này là nghịch lý so với điều kiện lao động dồi dào của Việt Nam. Như vậy, giáo dục, dạy nghề vẫn là điểm nghẽn cần tháo gỡ với thị trường nguồn nhân lực, để cải thiện chất lượng lao động, năng suất lao động.
"Chúng ta cần phải thực hiện phong trào thi đua, đẩy mạnh học tập suốt đời; tập trung đầu tư giáo dục đào tạo con người để có nguồn lao động chất lượng cao. Hiện nay, lượng lao động về hưu còn trẻ, họ là lao động chất lượng cao, nguồn lực quý hiếm khi có 30 - 40 năm công tác" - Nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tiếp thu những ý kiến đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ sẽ phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành linh hoạt, bảo đảm đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế, kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.
Ngành cũng sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hiện đại hóa cơ sở vật chất và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo.