Chú trọng lấy ý kiến phản biện xã hội

- Thứ Năm, 21/01/2021, 08:23 - Chia sẻ
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND thành phố Hà Nội năm 2021 và các năm tiếp theo mới đây, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ phân công rõ nhiệm vụ, vai trò của từng cơ quan; chỉ đạo các cơ quan rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhằm tham mưu đồng nhất, kiện toàn những văn bản có nội dung còn chồng chéo. Đặc biệt, nhấn mạnh yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tích cực phối hợp để triển khai hiệu quả việc lấy ý kiến phản biện xã hội.

Tham gia ngay từ khâu chuẩn bị dự thảo

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Ngô Anh Tuấn cho biết, ngay sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được Quốc hội thông qua, UBND thành phố đã kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành; chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các quận, huyện, thị nghiêm túc thực hiện. Thành phố đã tổ chức tập huấn cho 300 cán bộ, công chức là lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo HĐND, UBND các quận, huyện, thị và công chức làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện thị trên địa bàn.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBND thành phố đã xây dựng trình HĐND thành phố ban hành 56 nghị quyết quy phạm pháp luật, trong đó có 20 nghị quyết quy định chính sách đặc thù của thành phố. 100% nghị quyết của HĐND thành phố ban hành đúng thẩm quyền và bảo đảm về trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc thù Thủ đô. Những nghị quyết có nội dung quan trọng về cơ chế, chính sách đều được Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố theo thẩm quyền; được Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức phản biện xã hội và góp ý. Đến nay, Sở Tư pháp Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng UBND thành phố bước đầu rà soát, xác định có 19 nội dung nghị quyết cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; 15 nghị quyết của HĐND thành phố đang có hiệu lực cần được xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế theo các văn bản quy phạm pháp luật mới của Trung ương.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho rằng: Các sở, ngành cần khắc phục được hạn chế về việc tuân thủ quy trình trong tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ngay từ khâu chuẩn bị dự thảo; các Ban của HĐND thành phố cũng sẽ tích cực phối hợp tham gia ngay từ khâu dự thảo. Thường trực HĐND thành phố đã giao các ban phối hợp Sở Tư pháp rà soát, bước đầu cho thấy có trên 30 nghị quyết phải sửa đổi, ban hành theo quy định. Với 106 nghị quyết của HĐND thành phố ban hành qua các giai đoạn hiện còn hiệu lực, UBND thành phố cần tiếp tục chỉ đạo các sở ngành rà soát, xác định những nghị quyết cần đề nghị HĐND thành phố ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn.  

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại Hội nghị  

Phân công rõ nhiệm vụ, vai trò từng cơ quan

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định: Các nghị quyết được HĐND thành phố ban hành trong nhiệm kỳ qua đã góp phần quan trọng bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng và thực hiện tốt an sinh xã hội. Trong đó, các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt trong từng khâu của quá trình xây dựng nghị quyết, bảo đảm nghị quyết được ban hành đúng quy định, phục vụ sự phát triển chung của thành phố. Tuy nhiên, một số sở, ngành còn chưa chủ động rà soát văn bản thuộc lĩnh vực được giao; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên; việc thực hiện quy trình xây dựng nghị quyết còn có lúc chưa chặt chẽ, còn chậm muộn…

Để khắc phục những hạn chế trên, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh việc đổi mới trong công tác phối hợp giữa HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, thực hiện đúng quy trình, quy định. Đồng thời, khẩn trương rà soát, cập nhật văn bản của Trung ương mới ban hành, có hiệu lực trong năm 2021, từ đó, tổng hợp thành danh mục nghị quyết cần ban hành, phân công rõ trách nhiệm cho từng cơ quan chủ trì, phối hợp để xây dựng dự thảo. Chủ tịch UBND thành phố cũng mong muốn các Ban của HĐND thành phố phối hợp chặt với Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết, bám sát tiến trình để bảo đảm chất lượng; đồng thời, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tiếp tục phối hợp với UBND thành phố lựa chọn các vấn đề cần phản biện xã hội.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao giải pháp UBND thành phố đưa ra, đồng thời cho rằng: Việc triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật là một nét mới trong hoạt động của HĐND thành phố. Sau hội nghị, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ có thông báo kết luận, phân công rõ nhiệm vụ, vai trò của từng cơ quan; chỉ đạo các cơ quan rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhằm tham mưu đồng nhất, kiện toàn những văn bản có nội dung còn chồng chéo. Nhấn mạnh việc toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật đều phải lấy ý kiến phản biện xã hội, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tích cực phối hợp để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này.

Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố xây dựng kế hoạch, sớm xác định lộ trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình Chính quyền đô thị của thành phố và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô.

Bài và ảnh: Khánh Duy