Giải trình, làm rõ các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau
Nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác thẩm tra, Thường trực HĐND huyện Tam Đường đặc biệt quan tâm chỉ đạo, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng Ban HĐND huyện thực hiện trước mỗi kỳ họp. Kết quả thẩm tra của các Ban HĐND là một trong những căn cứ quan trọng để HĐND huyện ban hành gần 40 nghị quyết về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh... có chất lượng, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngay sau khi thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp, Thường trực HĐND huyện phân công các Ban HĐND huyện chủ động tổ chức, xây dựng kế hoạch cụ thể để thẩm tra theo từng lĩnh vực; đồng thời, yêu cầu các cơ quan soạn thảo khẩn trương hoàn thành báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết và chuyển về các Ban HĐND huyện để thẩm tra (theo Quy chế hoạt động của HĐND huyện Tam Đường nhiệm kỳ 2021 - 2026, chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp HĐND huyện, UBND huyện, các cơ quan liên quan trình dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án gửi đến Ban HĐND huyện được phân công để thẩm tra).
Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu tiếp nhận được, các Ban HĐND huyện chủ động phối hợp, thống nhất sắp xếp thời gian hợp lý để tránh chồng chéo về thời gian, bảo đảm các Ban HĐND đều tham dự và góp ý vào các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực được phân công. Lãnh đạo các Ban chỉ đạo phối hợp với Văn phòng HĐND và UBND huyện, các cơ quan liên quan thu thập, cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra và chuyển tài liệu cần thiết cho thành viên các Ban nghiên cứu trước khi tiến hành hội nghị thẩm tra.
Đổi mới trong thẩm tra, trước khi diễn ra hội nghị thẩm tra, lãnh đạo Ban HĐND huyện đều đi khảo sát thực tế để nắm bắt tình hình, chỉ đạo xây dựng đề cương chi tiết để thẩm tra gửi tới cơ quan, đơn vị được UBND huyện giao chuẩn bị hồ sơ, tài liệu báo cáo. Khi thẩm tra, Ban dành nhiều thời gian nghe đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị soạn thảo giải trình, làm rõ các nội dung, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và ý kiến của thành viên Ban. Sau buổi thẩm tra, trên cơ sở ý kiến của các thành viên, các Ban yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý và chuyển các hồ sơ, tài liệu đã được chỉnh lý để thành viên các Ban tiếp tục xem xét, thống nhất trước khi xây dựng dự thảo báo cáo. Các báo cáo thẩm tra của các Ban đều được chuẩn bị công phu, chu đáo, có sự nghiên cứu, tổng hợp và thống nhất cao của các thành viên Ban.
Do thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm tra nên hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND huyện ngày càng nền nếp; chất lượng thẩm tra được nâng lên. Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND huyện luôn được các đại biểu HĐND huyện và các cơ quan liên quan đồng tình, ghi nhận, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng các kỳ họp và chất lượng các nghị quyết HĐND huyện.
Xác định phương thức thẩm tra phù hợp
Tuy nhiên, một số báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND huyện gửi về Thường trực HĐND huyện vẫn còn chậm so với yêu cầu; một số cơ quan được giao chủ trì soạn thảo đề án, dự thảo nghị quyết chưa chủ động phối hợp với các Ban HĐND huyện ngay từ đầu quá trình xây dựng đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết; thành viên của các Ban hoạt động chủ yếu là kiêm nhiệm, mỗi thành viên cơ bản có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành nhất định. Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của Ban HĐND, lĩnh vực hoạt động khá rộng, nên có lúc, có việc phản biện chưa đáp ứng yêu cầu…
Để nâng cao chất lượng thẩm tra các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trình kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND huyện Tam Đường nhấn mạnh việc phối hợp với UBND huyện làm tốt công tác chỉ đạo, đôn đốc việc chuẩn bị các báo cáo, đề án, tờ trình dự thảo nghị quyết bảo đảm chất lượng; chuyển về các Ban HĐND huyện để thẩm tra bảo đảm thời gian theo quy định. Thống nhất biện pháp giải quyết đối với những nội dung UBND, cơ quan liên quan trình chậm, không bảo đảm về hồ sơ, quy trình và thời gian thẩm tra (tạm hoãn thời gian tổ chức kỳ họp, không đưa nội dung vào kỳ họp…).
Các Ban HĐNDcần xác định phương thức thẩm tra phù hợp với các báo cáo, đề án, nghị quyết, tờ trình. Đơn cử như thẩm tra về các báo cáo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, thu chi ngân sách, cần xem xét báo cáo đã đánh giá, phản ánh đúng thực trạng chưa; thẩm tra tờ trình, đề án, cần tập trung xem cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cũng như tính khả thi của các đề án. Còn đối với dự thảo nghị quyết, cần xem xét về thể thức văn bản, những căn cứ pháp lý; các điều khoản bảo đảm rõ ràng, dễ thực hiện… Quá trình thẩm tra, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, không dàn trải; cần tranh thủ các ý kiến của các chuyên gia có kinh nghiệm am hiểu sâu sắc về từng lĩnh vực thẩm tra…