Chú trọng giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu

- Thứ Năm, 15/07/2021, 05:16 - Chia sẻ
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến thị trường lao động trong nước. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, tại phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban về các vấn đề Xã hội, các đại biểu cũng cho rằng, chính sách BHTN mới chủ yếu giải quyết trợ cấp thất nghiệp. Cần nghiên cứu, sửa đổi chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng chú trọng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.
Nguồn: ITN

“Phao cứu sinh” cho lao động mất việc làm

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới thị trường lao động trong nước, chính sách BHTN đã thực sự phát huy chức năng “phao cứu sinh” giúp hàng trăm nghìn lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống; đồng thời, giúp giảm bớt áp lực về tài chính đối với người sử dụng lao động vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động. 

Cụ thể, ước tổng số tiền chi các chế độ BHTN năm 2020 là 18.852 tỷ đồng, tăng 49,2% so với năm 2019. Trong đó, tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.087.480 người, tăng 30,09% so với năm 2019 và chiếm 96,79% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó, trên 2,2 triệu lượt người đã được tư vấn, giới thiệu việc làm trong năm 2020, gấp gần 2 lần số người nộp đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và tăng 33,89% so với năm 2019. Số người được hỗ trợ học nghề năm 2020 là 26.507 người, bằng 2,44% so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (tỷ lệ này giảm 2,6 điểm % so với năm 2019).

Tuy nhiên, với sự bùng phát và diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, chỉ riêng quý I năm nay, cả nước đã có đến 9,1 triệu người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Trong đó, 540.000 người rơi vào tình trạng mất việc làm; 19,9% lao động ở các cơ sở sản xuất kinh doanh và 21% lao động ở các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng. Riêng tại các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất bùng phát dịch thời gian qua như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường lao động rất lớn. Đơn cử, Bắc Giang có 120.000 người lao động bị ảnh hưởng, 4 khu công nghiệp - chế xuất phải đóng cửa do Covid-19.

Đến thời điểm này, theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ước tính tổng số tiền hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo các chính sách từ khi có dịch Covid-19 khoảng 160.000 tỷ đồng. Dù vậy, lực lượng lao động, nhất là ở các khu công nghiệp và lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động khó có thể chống chịu tiếp nếu dịch còn diễn biến phức tạp và kéo dài.

Ngày 1.7 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; trong đó, có chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội, BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định mức hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ nộp trong thời gian từ ngày 1.7.2021 đến hết ngày 30.6.2022.

Trước đó, BHXH Việt Nam đã đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ một số giải pháp khác như: Tạm dừng đóng BHXH vào Quỹ Hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động thực hiện cách ly y tế từ Quỹ BHTN...

Không chỉ trợ cấp tiền

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban về các vấn đề Xã hội, các đại biểu cho rằng, bảo hiểm xã hội nói chung, trong đó có BHTN đã đóng góp tích cực vào việc góp phần chia sẻ khó khăn, bảo đảm đời sống của người lao động trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách BHTN cũng đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế như chưa thực sự gắn bó với thị trường lao động, mới tập trung cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức; nặng về giải quyết hậu quả, nhẹ về giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu việc thất nghiệp.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá số lượng người được hưởng tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2020 cao gấp gần 2 lần số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) chỉ rõ, tỷ lệ số người được giới thiệu việc làm trên số người được tư vấn, giới thiệu việc làm vẫn còn thấp, chỉ đạt 10,31%, giảm so với tỷ lệ 11,29% năm 2019. Số người được quyết định hỗ trợ học nghề giảm 36,82% so với năm 2019. Số tiền chi trả hỗ trợ học nghề tính theo quyết định hỗ trợ học nghề là 94,8 tỷ đồng, giảm 32,52% so với năm 2019.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý nhấn mạnh, một trong những chính sách quan trọng nhất trong chính sách BHTN là tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề cho người lao động; qua đó, giúp người lao động nhanh chóng quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, phần lớn người lao động thất nghiệp đăng ký BHTN mới chỉ nhằm nhận tiền trợ cấp mà ít quan tâm đến chính sách tư vấn, giới thiệu việc làm hay hỗ trợ học nghề. Trong khi đó, thực tế tại những địa phương phát triển công nghiệp, tình trạng thiếu lao động tại các khu công nghiệp khá trầm trọng. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, kể cả lao động phổ thông.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý đề nghị, cần làm rõ nguyên nhân vì sao số người hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng, trong khi số người được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề lại ngày càng giảm? Phải chăng do tâm lý của người lao động thích được nhận tiền trợ cấp hơn hay do cách tổ chức triển khai, thực hiện của các trung tâm dịch vụ việc làm chưa tốt?

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay, dự báo tình trạng biến động lao động tại nhiều doanh nghiệp sẽ còn tiếp diễn. Vì vậy, một số ý kiến đề nghị, về lâu dài, chính sách BHTN cần chú trọng đến hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động thất nghiệp hoặc có nguy cơ bị mất việc làm hơn là chỉ trợ cấp tiền. Điều này cũng góp phần hạn chế tình trạng trục lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Mặt khác, thực tế nhiều người lao động thất nghiệp chưa thực sự mặn mà với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, vì vậy, cần có các kịch bản đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cụ thể, phù hợp với thực tế của cả người lao động và doanh nghiệp, tránh đào tạo chung chung hay ồ ạt.

Các thành viên Ủy ban về các vấn đề Xã hội cũng đề nghị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng chú trọng xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động nhằm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội.

Nhật An