Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

- Thứ Hai, 14/12/2020, 05:43 - Chia sẻ

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội)

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã xác định khá đầy đủ các quan điểm, định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030 và tập trung làm rõ các khâu đột phá lớn bao gồm thể chế, văn hóa, con người, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng số... Trong bối cảnh như vậy, phát triển nguồn nhân lực giai đoạn tới đặt ra những yêu cầu gì?

Trước hết, cần đặc biệt coi trọng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là hoàn toàn chính xác. Song song với đó, phải tập trung rà soát quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các trường đại học, hình thành các đại học lớn, đại học xuất sắc, có chất lượng cao. Và khi đã quy hoạch thì phải có nguồn lực đi theo để các quy hoạch, định hướng này trở thành hiện thực.

Cùng với đó, Trung ương cần có chỉ đạo và định hướng công tác dạy nghề sát với nhu cầu thực tế xã hội, phù hợp với định hướng phát triển của từng vùng, từng địa phương. Vì khi chúng ta thay đổi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của từng địa phương thì phải có sự thay đổi cả về nguồn nhân lực. Đặc biệt, phải có quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó, phải có dự báo tốt về nhu cầu đào tạo: nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyên gia; lao động có tay nghề... để từ đó có kế hoạch đầu tư và định hướng đào tạo phù hợp, tránh mất cân đối về trình độ nguồn nhân lực, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu hoặc đào tạo ra không có việc làm. Nếu không dự báo tốt nhu cầu nguồn nhân lực thì sẽ có tình trạng do đang dư thừa nguồn nhân lực trình độ cao nên tới đây sẽ tập trung đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực không cần phải có bằng cấp, trình độ cao. Như vậy, đến một giai đoạn sẽ bị “hẫng” nguồn nhân lực trình độ cao và lúc đó quay lại để đào tạo thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Do đó, phải cân đối nhu cầu nguồn nhân lực ở các cấp độ, trình độ để có định hướng đầu tư phù hợp.

Một vấn đề cần đặc biệt chú trọng trong phát triển nguồn nhân lực giai đoạn tới là đào tạo, phát triển đội ngũ người lao động có khả năng tiếp nhận công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là xu hướng tất yếu. Do đó, phải có nguồn nhân lực đáp ứng xu hướng này. Từ đây, phải triển khai các chính sách cụ thể nhằm đào tạo ra được đội ngũ nhân lực có đủ năng lực tiếp nhận các công nghệ mới cũng như tiến hành đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý tương ứng với những tiêu chuẩn nhất định bởi nếu đội ngũ cán bộ quản lý không thành thạo, không giỏi về khoa học - công nghệ, về chuyển đổi số, về đổi mới sáng tạo thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí có thể tạo ra những rào cản đối với sự phát triển của các lĩnh vực này trong thực tế.

Chúng ta cũng cần có chiến lược và cách làm cụ thể trong đào tạo các kiến thức về khoa học công nghệ tổng thể cho người lao động để hội nhập quốc tế, phát huy và khai thác tối đa lợi ích của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia đem lại, trong đó có các hiệp định có tiêu chuẩn rất cao như EVFTA, CPTPP...

Chúng ta cũng cần phải chú trọng đến định hướng phát triển nền kinh tế số, trong đó đặt mục tiêu, tiến độ để trở thành đất nước số, nền kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tất cả những mục tiêu này cũng cần có chiến lược về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tương ứng. Trong đó, cần nhấn mạnh vai trò của các học viện, viện nghiên cứu và trường đại học, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, kết hợp với doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong phát triển nền kinh tế tri thức, từ đó có định hướng chỉ đạo và đầu tư. Nếu không xác định rõ thì sẽ đầu tư không đúng hướng, đầu tư không đủ mạnh, chưa đủ tầm thì cũng không thể phát huy được đội ngũ trí thức, khoa học và nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực.

PV ghi