Chú trọng đào tạo đội ngũ làm điện ảnh

- Thứ Tư, 02/12/2020, 23:21 - Chia sẻ
Một trong những vấn đề được quan tâm tại buổi làm việc giữa Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ với Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh sáng 2.12 là đào tạo nguồn nhân lực. Bởi không có đội ngũ làm phim tốt sẽ không thể có phim hay.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Viết Lượng chủ trì buổi làm việc
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Viết Lượng chủ trì buổi làm việc

Các ý kiến đều cho rằng, đội ngũ làm nghề điện ảnh hiện nay rất thiếu, mọi lĩnh vực, từ diễn viên, đạo diễn, họa sĩ, quay phim cho tới kỹ thuật, quản lý… Cả nước chỉ có 2 trường đào tạo chính quy là Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, chỉ tiêu đào tạo hàng năm ít, không đủ để đáp ứng nhu cầu.

NSND Minh Đức nhấn mạnh, không có đội ngũ giỏi thì không thể có phim hay
NSND Minh Đức nhấn mạnh, không có đội ngũ giỏi thì không thể có phim hay

Từ thực tế đó, Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh kiến nghị, cần phải đào tạo gấp một đội ngũ - một thế hệ làm phim mới, chuyên nghiệp và tài năng cho tương lai; đào tạo lực lượng sáng tác và đội ngũ kỹ thuật trẻ để thay thế dần đội ngũ lớn tuổi; thậm chí Nhà nước phải đầu tư đào tạo đội ngũ này ở nước ngoài - điều mà các nước có nền điện ảnh tiên tiến đã làm và rất thành công.

“Các nhà lãnh đạo và quản lý ngành điện ảnh phải có chiến lược, tầm nhìn xa cho việc phát triển điện ảnh 10 năm, 20 năm tới, đầu tư cho các trường đào tạo sân khấu - điện ảnh, đội ngũ giảng viên” - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh Dương Cẩm Thúy nói.

Đoàn khảo sát với các hội viên Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh
Đoàn khảo sát với các hội viên Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh

Việc hợp tác đưa phim Việt Nam ra nước ngoài cần được coi trọng và có sự chỉ đạo, kết nối của Nhà nước, trong khi hiện nay mới là nỗ lực của các cá nhân và chủ yếu mang tính tự phát. Nhiều ý kiến thống nhất rằng, Nhà nước phải vào cuộc, liên hệ với các nước mở ra giao thương chiếu thương mại phim Việt Nam tại rạp nước ngoài. Vấn đề ở đây không chỉ là doanh thu mà còn là một kênh quan trọng để quảng bá điện ảnh, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Vai trò của Nhà nước cũng được nhấn mạnh trong phổ biến, phát hành phim, nhất là trong bối cảnh hệ thống rạp ở Việt Nam hiện do nước ngoài chi phối. Theo đó, Nhà nước nên điều tiết, có các quy định ưu tiên chiếu phim Việt Nam vào những suất chiếu giờ vàng; nên tạo lại thói quen phát phim tài liệu, phim hoạt hình trước giờ chiếu phim điện ảnh; có cơ chế phối hợp để phát phim điện ảnh trên truyền hình…

Nhật Linh