Chú trọng công tác tuyên truyền
Để kéo giảm tai nạn giao thông xuống 5% vào năm 2022, tỉnh Long An đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng để người tham gia giao thông nêu cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông.
Vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông
Là địa bàn giáp với TP. Hồ Chí Minh, Long An có hệ thống giao thông đường bộ chằng chịt, trong đó có những tuyến huyết mạch liên kết vùng như Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 62, Quốc lộ N2, cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Long An còn có nhiều tuyến đường tỉnh kết nối với TP. Hồ Chí Minh và gần các khu, cụm công nghiệp nên mật độ người, phương tiện lưu thông trên hệ thống giao thông đường bộ qua địa bàn tỉnh rất đông đúc. Với áp lực lớn, trật tự, an toàn giao thông ở tỉnh diễn biến phức tạp và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông luôn rình rập.
Theo đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Long An, có nhiều nguyên nhân gây tai nạn giao thông như không chấp hành pháp luật về giao thông, chạy lấn làn, vượt ẩu, quá tốc độ, phương tiện kỹ thuật không bảo đảm an toàn… Ngoài lỗi chủ quan là không chấp hành pháp luật về giao thông, vẫn còn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn đường bộ để buôn bán gây cản trở giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa khắc phục, sửa chữa hư hỏng cũng là một nguyên nhân quan trọng. Theo ghi nhận, hiện có những công trình đưa vào sử dụng 10, 13 năm, xuống cấp nhưng vẫn chưa được duy tu, sửa chữa.
Bên cạnh đó cũng có nhiều tuyến đường được mở rộng, đẹp nhưng cùng với đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Đơn cử, sau khi hoàn thành đoạn nâng cấp và mở rộng Đường tỉnh 830 từ huyện Đức Hòa đến Bến Lức đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tham gia giao thông của người dân. Việc hoàn thành tuyến đường này còn thúc đẩy kinh tế phát triển khi tuyến đường trở thành trục giao thông xương sống, huyết mạch nối liền các huyện công nghiệp - thương mại, dịch vụ trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Đường được mở rộng, mật độ các phương tiện tham gia giao thông tăng, trong đó có rất nhiều phương tiện trọng tải lớn như xe container, xe tải... dẫn đến nhiều điểm trên tuyến đường này dần trở thành điểm đen tai nạn giao thông. Cụ thể, tại khu vực cầu Nước Mục, xã Thạnh An có khúc cua rất gấp, nếu người điều khiển giao thông chạy với tốc độ cao, qua khu vực này không quen đường rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Mặt khác, trên suốt tuyến đường chỉ được thiết kế mỗi bên 2 làn đường, làn ngoài dành riêng cho xe ô tô còn làn trong là làn hỗn hợp cho cả ô tô và xe máy, xe thô sơ, vì thế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến đường này cũng cao hơn những tuyến đường khác.
Ngoài tuyến đường tỉnh 830, áp lực giao thông lớn nhất phải kể đến là tuyến Quốc lộ 1 và tuyến đường tránh TP. Tân An. Trong đó, khu vực các ngã tư như Long Kim, Bình Nhựt trên tuyến Quốc lộ 1, huyện Bến Lức và ngã tư tuyến tránh TP. Tân An - Quốc lộ 62 là những điểm có nguy cơ tiềm ẩn cao về tai nạn giao thông.

Nguồn: ITN
Tuyên truyền bằng nhiều hình thức
Là một trong số ít địa phương trong cả nước được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia biểu dương vì giảm sâu cả 3 tiêu chí tai nạn giao thông trong 5 năm (2016 - 2020), để bảo đảm an toàn giao thông, cũng như hoàn thành mục tiêu năm 2022, đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Long An cho hay, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức để người dân nắm bắt kịp thời, nêu cao ý thức tự giác chấp hành khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo đó, thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường phối hợp các ngành, các cấp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức như: tuyên tuyền trực tiếp, qua hình ảnh trực quan... Trong đó, tập trung vào đối tượng thanh niên, lao động tự do; xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện tại khu dân cư, khu nhà trọ. Song song đó, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các tuyến giao thông, duy trì và nhân rộng các mô hình tự quản trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường nông thôn.
Để kéo giảm tai nạn giao thông xuống 5% vào năm 2022, Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo các Ban An toàn giao thông huyện, thị xã, TP. Tân An và các sở, ngành đẩy mạnh tuyên truyền luật giao thông đường bộ cho học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, người lao động. Cũng như nhân rộng các mô hình tuyên truyền hiệu quả như: “Trách nhiệm chủ nhà hàng, quán ăn tham gia bảo đảm an toàn giao thông”; “Bến khách an toàn”; “Khu dân cư tự quản về an ninh trật tự gắn với an toàn giao thông”; “Cổng trường an toàn”… góp phần hạn chế tai nạn giao thông.