Chú trọng công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ em

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 10:26 - Chia sẻ
Đây là kiến nghị được đưa ra tại buổi lễ Khởi động dự án “Bản lề cho em” cho các nhóm trẻ em hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại các cơ sở trợ giúp xã hội do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh cùng Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (EU JULE JIFF) tổ chức ngày 21.11, tại TP Hồ Chí Minh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Hồ Chí Minh

Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho trẻ trước khi rời cơ sở trợ giúp xã hội

Dự án được thực hiện trên cơ sở văn kiện dự án “Tăng cường pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam” của Bộ Tư pháp nhằm góp phần cải thiện, tăng cơ hội tiếp cận quyền, cách thức thực hiện quyền của trẻ em trong chính sách hỗ trợ học văn hóa, học nghề và việc làm cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Theo ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố, dự án gồm các hoạt động nâng cao nhận thức về tiếp cận quyền, cách thức thực hiện quyền của trẻ em trong chính sách hỗ trợ học văn hóa, học nghề và việc làm cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Đồng thời, dự án tiến hành rà soát, nghiên cứu, kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách cần thiết liên quan đến vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan về hỗ trợ học văn hóa, học nghề và việc làm, qua đó chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho trẻ trước khi rời khỏi cơ sở trợ giúp xã hội.

Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Dự án căn cứ vào độ tuổi, sức khỏe, sở trường và nguyện vọng để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ sớm tiếp cận toàn diện các vấn đề học văn hóa, học nghề và tìm kiếm việc làm; chú trọng kết nối, đồng bộ giữa cơ sở trợ giúp xã hội với các tổ chức, cơ quan chức năng liên quan để giúp các em chủ động, tự tin, thúc đẩy an sinh xã hội, phát triển bền vững.

Để thực hiện, các thành viên dự án sẽ xây dựng clip truyền thông về quyền, cách thức thực hiện quyền trẻ em về học văn hóa, đào tạo nghề và việc làm; sân khấu hóa giáo dục về quyền trẻ em; truyền thông nhóm nhỏ tại cơ sở trợ giúp xã hội; biên soạn tài liệu truyền thông. Ngoài ra, các thành viên thực hiện các hoạt động tham vấn nhu cầu, đánh giá điểm mạnh của trẻ; đồng hành trợ giúp, tăng cơ hội tiếp cận học văn hóa, học nghề và việc làm phù hợp với nhu cầu và điểm mạnh của trẻ; xây dựng quy trình trợ giúp trẻ tiếp cận phù hợp với nhu cầu và điểm mạnh.

Tạo điều kiện cho trẻ thực hành tiếp cận thực tiễn xã hội

Đánh giá về dự án, nhiều ý kiến khẳng định, với tiêu chí và mục đích mà dự án đưa ra thì đây là Dự án thiết thực và thúc đẩy chăm lo cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại các cơ sở trợ giúp xã hội có hiệu quả. Do đó, dự án cần được triển khai nhanh, tạo điều kiện thuận lợi để các trung tâm, cơ sở mái ấm, nhà mở cùng các cơ quan chức năng, các đối tác đồng hành hướng đến mục tiêu cơ bản, giúp trẻ tự tin trưởng thành, lập thân, lập nghiệp.

Tuy nhiên, để dự án đạt được hiệu quả, nhiều đại biểu cho rằng cần chú trọng xây dựng clip truyền thông cho dự án, xác định nhu cầu thiết thực của trẻ em nơi đến và nơi đi khi trưởng thành. Bà Đặng Thị Mai, Chủ nhiệm Mái ấm Anh sáng quận 10 cho rằng, cần đánh giá hoạt động, nhu cầu gắn với công tác tham vấn trẻ; đặc biệt, chú trọng công tác hướng nghiệp, dạy nghề gắn với mong muốn nguyện vọng của trẻ, giải quyết đầu ra khi trẻ đến tuổi đi làm.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là đối tượng ưu tiên của thành phố. Nhiều năm qua, các cấp ngành thành phố không chỉ quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi mà còn tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp, chăm lo tốt nhất cho trẻ được phát triển đầy đủ, toàn diện về thể chất và tinh thần. Riêng tại các trung tâm, mái ấm, nhà mở, tuy mỗi nơi có những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả cùng hướng đến chăm sóc, hỗ trợ trẻ tốt nhất, định hình cho trẻ trưởng thành là người hữu ích cho xã hội.

 

Bà Nguyễn Yên Thảo, Chủ nhiệm Ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Bày tỏ mong muốn, dự án không chỉ đồng hành định hướng nghề nghiệp, mà cần tạo điều kiện cho trẻ thực hành tiếp cận thực tiễn xã hội, bà Nguyễn Yên Thảo, Chủ nhiệm Ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc đề nghị, dự án cần quan tâm sử dụng lực lượng hưu trí, người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm tham gia để chia sẻ, chăm sóc và kiểm soát chặt chẽ đầu vào để đầu ra hiệu quả hơn, giúp cho trẻ trưởng thành, tự tin bước vào cuộc sống, dễ dàng hòa nhập.

Lê Hùng