Chú trọng chăm sóc hô hấp cho bệnh nhân Covid-19

- Thứ Hai, 05/04/2021, 07:03 - Chia sẻ
Việc gia tăng khả năng tiếp cận oxi y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, xây dựng một dây chuyền trang thiết bị chăm sóc hô hấp và cung cấp oxi cho bệnh nhân cần được ưu tiên. Đó là khẳng định được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kết quả khảo sát thực trạng thiết bị chăm sóc hô hấp và oxi y tế của 27 bệnh viện điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam.
	Tăng khả năng tiếp cận oxi y tế tại các cơ sở y tế
Tăng khả năng tiếp cận oxi y tế tại các cơ sở y tế

Bảo đảm nguồn lực tiếp cận

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong đại dịch Covid-19, mặc dù nước ta đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực, được nhân dân và các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, song tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, còn tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ các quốc gia có dịch qua đường biên giới, đồng thời vaccine Covid-19 vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng, do vậy nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn luôn thường trực. Thực tế đó đòi hỏi hệ thống y tế Việt Nam phải chủ động ứng phó phù hợp, từ khâu phòng dịch tới điều trị bệnh nhân, trong đó công tác chăm sóc hô hấp và oxi y tế đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đại diện Tổ chức PATH tại Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Nga cho biết, oxi là thành phần thiết yếu trong điều trị bệnh nhân Covid-19 và nhiều bệnh khác. Ước tính, khoảng 20% bệnh nhân Covid-19 cần được nhập viện và có 25% số bệnh nhân cần điều trị tích cực, yêu cầu lưu lượng oxi cao. Oxi y tế cần được trù tính tương tự những thành phần mà bệnh viện bắt buộc cần có, như hệ thống điện nước...

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua đã chứng kiến một sự khủng hoảng trong việc đáp ứng nguồn cung cấp oxi và các thiết bị cung cấp oxi y tế (máy thở) trên phạm vi toàn cầu. Tại nhiều quốc gia, do không chuẩn bị tốt dẫn tới việc thiếu hụt oxi và thiết bị chăm sóc hô hấp, đã làm gia tăng số người tử vong do Covid-19. Ở nhiều cơ sở y tế tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, liệu pháp oxi bao gồm các quy trình từ chẩn đoán, ra quyết định sử dụng, tạo oxi và phân phối thiết bị thường không có sẵn. Rào cản lớn nhất đối với việc tiếp cận liệu pháp oxi là nguồn cung, nguồn nhân lực, ngân sách hạn chế.

	Gia tăng khả năng tiếp cận oxi y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh
Gia tăng khả năng tiếp cận oxi y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh

Để bảo đảm những nơi cần chăm sóc hô hấp cho bệnh nhân Covid-19 hoặc cho các bệnh khác có thể nhận được các hỗ trợ cần thiết, theo các chuyên gia quốc tế, các nước cần xây dựng lộ trình mở rộng nguồn oxi y tế như thiết lập cơ chế truyền thông và vận động một cách hiệu quả để phối hợp và hợp tác giữa các bên liên quan; phát triển và phổ biến các công cụ để hỗ trợ đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 bao gồm hướng dẫn quản lý ca bệnh, công cụ đánh giá, dự báo nhu cầu, quy trình mua sắm và tài chính, hướng dẫn sử dụng thiết bị và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế, đối tác cũng như người thực hiện chính. 

Chủ động đánh giá năng lực

Theo đại diện Tổ chức PATH tại Việt Nam, chăm sóc hô hấp cho các ca nhiễm Covid-19 không chỉ đơn thuần là cung cấp oxi hay các thiết bị chăm sóc hô hấp khác bởi độ phức tạp của nó. Trong thực tế, nguồn cung cấp các thiết bị này hiện nay vẫn còn hạn chế. Để bảo đảm tiếp cận bình đẳng, việc thu thập thông tin về số lượng và chủng loại hiện có của các thiết bị liên quan đồng thời so sánh nhu cầu ước tính là điều cần thiết. Khoảng thiếu hụt giữa số lượng thiết bị hiện có so với nhu cầu ước tính sẽ cung cấp thông tin để mua sắm và phân phối thiết bị.

Nhằm đánh giá năng lực chăm sóc hô hấp và đáp ứng oxi y tế ứng phó dịch Covid-19 và các tình huống khẩn cấp khác tại Việt Nam so với tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế đã phối hợp với tổ chức PATH tiến hành khảo sát thực trạng trang thiết bị và vật tư y tế chăm sóc hô hấp tại 27 cơ sở y tế có điều trị bệnh nhân Covid-19 (bao gồm 4 bệnh viện tuyến Trung ương, 15 bệnh viện tuyến tỉnh và 8 bệnh viện tuyến huyện trên 21 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương) trên cơ sở bộ công cụ khảo sát của WHO.

	Gia tăng khả năng tiếp cận oxi y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh
Gia tăng khả năng tiếp cận oxi y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, qua khảo sát sơ bộ, 27 bệnh viện đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị và oxi y tế để ứng phó với 3 tình huống dịch bệnh như 1.000, 3.000 hoặc 30.000 ca nhiễm Covid-19. Đối với kịch bản lên đến 100.000 ca nhiễm, cần huy động nhiều bệnh viện và nguồn lực khác để có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Bộ Y tế đang tiến hành thu thập số liệu trên 1.400 cơ sở y tế toàn quốc, từ đó, xây dựng “bức tranh” tổng thể về thực trạng hệ thống chăm sóc đường hô hấp và năng lực cung ứng oxi y tế tại các cơ sở y tế ở Việt Nam, giúp các nhà hoạch định xây dựng chính sách, giải pháp, kế hoạch điều phối, cung ứng, chăm sóc hô hấp cung ứng oxi y tế hiệu quả đối với từng kịch bản đại dịch Covid-19 và các tình huống khẩn cấp khác tại từng khu vực, địa phương, đơn vị trong tương lai.

Bài: Dương Cầm - Ảnh: ITN