Chủ tọa - người dẫn tiết tấu phiên họp
Chủ tọa phiên họp nghị viện thường là người đứng đầu tổ chức, ví dụ Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện, Chủ nhiệm Ủy ban. Chủ tọa có thẩm quyền và nghĩa vụ trước, trong, sau phiên họp. Trong phiên họp, chủ tọa phải bảo vệ tất cả các quyền của nghị sỹ, bảo đảm để đa số thiết lập luật chơi và thiểu số được lắng nghe, bảo đảm sự đúng mực, chương trình nghị sự được tuân thủ. Đối với nhiều phiên họp, vai trò của chủ tọa đã được khẳng định như một vị chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, dẫn dắt tiết tấu của phiên họp.
![]() Phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu |
Chủ tọa nếu muốn phát biểu hoặc nêu kiến nghị thì phải rời ghế chủ tọa và phát biểu hoặc nêu kiến nghị với tư cách là một thành viên bình thường của phiên họp. Trong trường hợp đó, phó chủ tịch hoặc một nghị sỹ được bầu để làm chủ tọa cho đến khi kết thúc đầu việc đó, và chủ tọa thường xuyên lại tiếp tục công việc. Tuy nhiên, đối với những khiếu nại của nghị sỹ về phán quyết liên quan đến thủ tục, chủ tọa được tranh luận lại mà không cần rời ghế của mình. Chủ tọa các phiên họp ở Ủy ban cũng thường được phép tranh luận hoặc nêu kiến nghị mà không cần rời ghế chủ tọa. Chủ tọa thường có lá phiếu quyết định trong hai trường hợp. Nếu số phiếu đang ngang nhau, chủ tọa có thể biểu quyết thuận hay phản đối kiến nghị; hoặc chủ tọa có thể biểu quyết để làm cho số phiếu thuận và phản đối ngang nhau, làm cho kiến nghị bị loại.
Việc điều hành của chủ tọa phiên họp nghị viện các nước đòi hỏi phải nắm rất vững các kỹ thuật, kỹ năng, rất nhiều các quy định về thủ tục. Có một số quy định bắt buộc như: chủ tọa phải nêu lại kiến nghị của nghị sỹ sau khi kiến nghị đó được một nghị sỹ khác ủng hộ và trước khi kiến nghị đó được biểu quyết; nhắc nhở các nghị sỹ nếu có nhận xét gì về nghị sỹ khác thì phải qua chủ tọa, chứ không được “đôi co” với nghị sỹ khác; đứng ngoài cuộc tranh luận với tư cách chủ tọa (như đã đề cập ở trên); không được tranh luận khi đang có kiến nghị; đối với các kiến nghị về thủ tục, nếu không chắc chắn thì phải đề nghị cả phiên họp biểu quyết.
Ngoài ra, chủ tọa phải nắm được một số kỹ thuật điều hành phiên họp như sau: nếu cuộc thảo luận kéo dài hoặc gặp tình thế phức tạp thì chủ tọa thỉnh thoảng nhắc lại kiến nghị đang được thảo luận; nhờ thư ký theo dõi thứ tự người phát biểu, các kiến nghị đang xếp hàng…; khi có thể, mời cả nghị sỹ đồng ý và phản đối phát biểu; đề nghị nghị sỹ phát biểu khẳng định rõ ủng hộ hay phản đối kiến nghị; nếu không chắc thì đề nghị các nghị sỹ cho ý kiến; nếu cuộc tranh luận bắt đầu trùng lặp, nên hỏi toàn thể phiên họp đã đến lúc biểu quyết chưa; nếu có nghị sỹ làm ồn, ví dụ nói chuyện riêng, chỉ cần đề nghị nghị sỹ đang phát biểu ngừng nói thì người đang làm ồn tự mình sẽ im lặng; nếu lỡ mắc lỗi thì tạm dừng tiến trình, nếu lỗi và sửa lỗi của mình và tiếp tục điều hành; để giữ thái độ trung lập, chỉ biểu quyết khi lá phiếu của chủ tọa mang tính quyết định; sử dụng búa chủ tọa khi bắt đầu, kết thúc phiên họp và để giữ trật tự; giữ thái độ bình tĩnh, kiên nhẫn, nhưng kiên quyết khi cần thiết, luôn kiểm soát tình hình…