Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng.
Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Hà Tĩnh.
Đạt kết quả khá trên các lĩnh vực
Báo cáo tại cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cho biết, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và Nhân dân, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đạt được kết quả khá trên các lĩnh vực. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động với 15 nhóm nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng Chương trình toàn khóa; ban hành 12 Nghị quyết; HĐND tỉnh ban hành 98 Nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 9 đề án và nhiều chương trình, kế hoạch. Hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030.
Hà Tĩnh đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách về tài chính, tín dụng, ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid -19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gần 1.102 tỷ đồng cho 1.572 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gần 347 tỷ đồng cho 469 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm là 1,51 tỷ đồng; giảm, hạ lãi suất cho gần 100.160 khách hàng với tổng giá trị nợ 47.392 tỷ đồng, số tiền lãi được hạ 151 tỷ đồng. Hỗ trợ gần 211 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm, thực hiện chính sách nhà ở xã hội, học sinh - sinh viên mua máy tính, cho vay giáo dục mầm non. Giảm gần 220 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng cho 2.520 doanh nghiệp và 200 hộ cá nhân kinh doanh; 155 tỷ đồng lệ phí trước bạ cho gần 4.400 xe ô tô. Hỗ trợ gần 155.000 đối tượng người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí hơn 190 tỷ đồng. Kêu gọi hơn 16 tỷ đồng tiền và hiện vật ủng hộ chương trình Sóng và máy tính cho em; 9,2 tỷ đồng ủng hộ Quỹ hỗ trợ 137 học sinh đạt điểm cao gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học đại học, trung bình mỗi em được cấp từ 80 - 150 triệu đồng trong 4 - 5 năm học đại học; kêu gọi hơn 11,3 tỷ đồng xây dựng nhà nội trú cho giáo viên các trường khó khăn.
Năm 2021, thu ngân sách của Hà Tĩnh đạt gần 17 nghìn tỷ đồng; 8 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng (trong đó thu nội địa hơn 5.700 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 7.300 tỷ đồng). Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, tích cực vận động nhân dân phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt kết quả tích cực; đến nay đã có 177/182 xã (tỷ lệ hơn 97%) đạt chuẩn nông thôn mới, 50 xã đạt chuẩn nâng cao, 7 xã đạt chuẩn kiểu mẫu; 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Sản lượng thép 8 tháng đầu năm nay đạt 3,1 triệu tấn. Thương mại, du lịch, dịch vụ từng bước phục hồi. Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 14 dự án, trong đó 13 dự án trong nước với tổng vốn gần 3.000 tỷ đồng, 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3 triệu USD, đưa tổng số dự án đầu tư trên địa bàn đạt gần 1.500 dự án.
Hà Tĩnh có 2 khu kinh tế trọng điểm của cả nước, trong đó, Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia với 153 dự án đầu tư, gồm 97 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 55.000 tỷ đồng, 56 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 15 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động; Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu quốc gia với 27 dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đăng ký gần 2.200 tỷ đồng, 128 doanh nghiệp và hơn 2.200 hộ kinh doanh đang hoạt động.
Công tác bảo tồn, phát huy các di sản phi vật thể được quan tâm, đặc biệt là các di sản được UNESCO công nhận. Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc với hơn 15.000 đại biểu tham gia, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng và truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh. Hoàn thành tốt chương trình năm học 2021-2022, xếp thứ 5 toàn quốc trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Hà Tĩnh tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống cho Nhân dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,68%, hộ cận nghèo còn 5,09% theo chuẩn đa chiều mới. Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai; phát động phong trào huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng được 50 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và gần 3.600 nhà ở kiên cố cho người dân với kinh phí hơn 330 tỷ đồng.
Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính của Hà Tĩnh tăng 8 bậc so với năm 2020, xếp thứ 8 cả nước và thứ 2 Bắc Trung bộ; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 7 cả nước và thứ 3 Bắc Trung bộ; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước xếp thứ 5 cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2020 và xếp thứ nhất khu vực Bắc Trung bộ; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Tĩnh thuộc nhóm khá, xếp thứ 27 cả nước và thứ 2 Bắc Trung bộ.
Về triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống dịch Covid – 19 và phục hồi kinh tế, Hà Tĩnh có 4 dự án được hỗ trợ 810 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong đó: 2 dự án lĩnh vực giao thông, thủy lợi (Đường từ Quốc lộ 12C đi khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh, Kè bảo vệ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ) đã được tỉnh phê duyệt chủ trương và giao chủ đầu tư, hiện đang hoàn thiện thủ tục để triển khai đầu tư, đảm bảo tiến độ yêu cầu. 2 dự án nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở (Đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 04 Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế tuyến huyện; đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 19 trạm y tế tuyến xã) được Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn hỗ trợ vào đầu tháng 8, tỉnh đã kịp thời triển khai các thủ tục đầu tư theo đúng quy định (HĐND tỉnh họp thông qua chủ trương đầu tư các dự án vào ngày 25.8.2022).
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa vững chắc, quy mô nền kinh tế nhỏ, phát triển chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa thực sự gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Phát triển liên kết vùng còn nhiều hạn chế. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn còn phụ thuộc vào một số dự án lớn. Hạ tầng Khu Kinh tế Vũng Áng, Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa chưa tương xứng; đời sống, việc làm của một bộ phận Nhân dân còn khó khăn...
Phát triển dựa vào nguồn lực và văn hóa, con người
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định mục tiêu: Xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; phấn đấu đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tập trung:phát triển các ngành trọng điểm (công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch); xây dựng trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh, Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng; phát triểnhành lang đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1A, cao tốc Bắc Nam và đường ven biển, hành lang dọc quốc lộ 8, hành lang trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh; xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương trở thành trung tâm động lực tăng trưởng.
Trong quá trình phát triển, Hà Tĩnh dựa vào các nền tảng như: nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng kiến nghị một số vấn đề cụ thể liên quan đến các Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế... Trung ương sớm cho chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê và chỉ đạo giải quyết tồn đọng, khôi phục phát triển kinh tế khu vực, bảo đảm đời sống ổn định cho nhân dân vùng ảnh hưởng. Quan tâm, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ tỉnh xây dựng nông thôn mới từ ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác; bổ sung, hỗ trợ tỉnh từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nguồn vốn khác từ Ngân sách Trung ương để đầu tư một số dự án quan trọng, cần thiết, nhất là các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối liên vùng. Trung ương sớm thẩm định và phê duyệt chủ trương Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thực hiện Dự án Cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng. Áp dụng phương pháp xác định giá đất cụ thể. Hỗ trợ đầu tư phát triển Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Hỗ trợ kêu gọi, kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư lớn vào Hà Tĩnh trong thời gian tới...
* Báo ĐBND tiếp tục thông tin về cuộc làm việc...