Tham dự cuộc tiếp xúc có: Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ĐBQH Thái Thu Xương; Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam; Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan; Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh; Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, ĐBQH Nguyễn Văn Quân…
Về phía tỉnh Hậu Giang có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Văn Chính; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Thị Mỹ Trang; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Hậu Giang…
Trước khi bắt đầu cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chứng kiến Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam (Vietcombank) trao tượng trưng 5 tỷ đồng để hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn tại huyện Vị Thủy.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam đã báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Tám; kết quả trả lời các kiến nghị của cử tri từ kỳ tiếp xúc trước đến nay.
Theo đó, Kỳ họp thứ Tám sẽ khai mạc vào ngày 21.10 và dự kiến bế mạc vào ngày 30.11.2024; Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội và tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1, từ ngày 21.10 đến 13.11; đợt 2, từ ngày 20.11 đến 30.11.
Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 16 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật, trong đó có nhiều dự luật quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, như dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự án Luật Nhà giáo, dự án Luật Việc làm (sửa đổi)…
Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ xem xét Báo cáo của Đoàn giám sát và xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; và xem xét, quyết định vấn đề quan trọng khác...
Về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang từ sau Kỳ họp thứ Bảy đến nay, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, Đoàn ĐBQH, các ĐBQH chủ động, tích cực tham gia các Hội nghị, Hội thảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức; các hội nghị, hội thảo do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức để thẩm tra, góp ý các dự án luật; tham gia Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật. Đồng thời, Đoàn ĐBQH cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia ở địa phương để đóng góp cho 11 dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới đây.
Về công tác giám sát, khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đã thực hiện tốt hoạt động giám sát chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Ủy ban của Quốc hội. Thực hiện giám sát, khảo sát những vấn đề được cử tri, Nhân dân quan tâm theo chương trình, kế hoạch của Đoàn đã đề ra. Đồng thời, thực hiện giám sát, khảo sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến tại các kỳ họp Quốc hội; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh.
Đoàn ĐBQH cũng tạo điều kiện để các ĐBQH tham gia cùng các Đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Quốc hội mà đại biểu là thành viên; thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Đoàn cũng làm tốt công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư; công tác tiếp xúc cử tri trên địa bàn. Sau Kỳ họp thứ Bảy, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đã phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang tổ chức cho các ĐBQH tiếp xúc cử tri với hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ Trung tâm Hội nghị tỉnh đến 3 điểm cầu gồm các huyện Châu Thành, Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy; tổ chức tiếp xúc cử tri trực tiếp tại các huyện, thị xã còn lại trên địa bàn với tổng số 1.350 cử tri tham dự, 34 lượt cử tri phát biểu và ghi nhận được 80 ý kiến, kiến nghị. Đa số các ý kiến, kiến nghị đều được đại diện lãnh đạo các ngành chức năng trả lời tại hội nghị. Trong đó, còn 4 nội dung liên quan đến Trung ương; 2 nội dung liên quan đến địa phương đã được Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét trả lời với cử tri theo quy định.
Tiếp đó, cử tri thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy đã tập trung phản ánh các ý kiến, kiến nghị của cử tri, liên quan đến vấn đề quốc kế dân sinh và các chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân…