Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải.
Cùng dự có Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thường trực Ủy ban Xã hội và cán bộ, công chức vụ Văn hóa, Giáo dục, Vụ Xã hội.
“Văn hóa còn thì dân tộc còn”, xã hội ổn định đất nước mới phát triển
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Xã hội phụ trách các lĩnh vực hết sức quan trọng. Dù khối lượng công việc lớn, nhưng Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và biểu dương hai Ủy ban đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; phối hợp xây dựng đề án về tinh gọn tổ chức bộ máy đạt sự đồng thuận cao; chung sức đồng lòng, đoàn kết, thống nhất trong hành động; quan tâm công tác xây dựng Đảng…
Cho biết, năm 2025 Quốc hội sẽ tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ 9 và Kỳ họp thứ Chín, Kỳ họp thứ Mười với khối lượng công việc rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban quán triệt thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đối với các cơ quan của Quốc hội trên tinh thần tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; quán triệt tư tưởng nhận thức trong cán bộ đảng viên vì sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc, của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các lĩnh vực hoạt động của hai Ủy ban có tác động sâu sắc đến sự phát triển xã hội, phát triển xã hội, phát triển văn hóa là nhiệm vụ hết sức quan trọng, “văn hóa còn thì dân tộc còn”, xã hội ổn định thì đất nước mới phát triển được. Do đó, hai Ủy ban cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các bộ, ngành trong công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc lĩnh vực phụ trách.
Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh, Chủ tịch Quốc hội cũng điểm lại những quyết sách lớn, quan trọng, hết sức có lợi cho nhân dân trong năm 2024 như: quy định về việc cho phép người có Thẻ bảo hiểm y tế mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu (các bệnh viện lớn, đầu ngành) mà không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành, đồng thời vẫn được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng quy định mà không cần phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh; chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy; cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo… Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban giám sát việc thực hiện các quyết sách này để thực hiện tới nơi, tới chốn, thực sự mang lại lợi ích cho nhân dân.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý công tác xây dựng pháp luật, triển khai pháp luật phải “đúng vai, thuộc bài”, các luật ban hành phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, đúng “vai” của Quốc hội, cương quyết không đưa nghị định, thông tư vào luật.
Bảo đảm Luật rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, khả thi
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, trong năm 2024, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã xây dựng 10 kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập 5; phối hợp với Trung ương Đoàn triển khai tổ chức Thi tìm hiểu về 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục theo dõi, giám sát, chủ động báo cáo, đề xuất các nội dung nhằm định hướng thông tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ủy ban đã tham mưu xây dựng các báo cáo tổng kết, góp ý của Đảng đoàn Quốc hội (16 văn bản); phối hợp xây dựng 11 báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tham mưu. Tham mưu văn bản góp ý của Đảng đoàn Quốc hội về: tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Về lập pháp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Nghị quyết Về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035; thẩm tra, trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phối hợp thẩm tra 54 dự án luật, dự thảo nghị quyết do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác chủ trì thẩm tra; góp ý kiến dự thảo văn bản của cơ quan Trung ương đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Ủy ban cũng đã chủ trì tham mưu Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”; Thường trực Ủy ban làm Trưởng Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Tổng kết 15 năm Nghị quyết 25-NQ/TW, 10 năm thực hiện Kết luận số 80-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Tổ chức 2 phiên giải trình: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023” và “Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Ủy ban tiếp tục thực hiện các kết luận của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, xây dựng các báo cáo về lĩnh vực Ủy ban phụ trách đối với các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, thể thao, du lịch, thanh niên và trẻ em; tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua các dự án Luật Nhà giáo, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Báo chí (sửa đổi); triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”; khảo sát chuyên đề về: tình hình thực hiện Luật Thanh niên, Luật Xuất bản; về thực hiện đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông; việc thực hiện chính sách, pháp luật về nghệ thuật biểu diễn.
Thường trực Ủy ban dự kiến tổ chức 3 hội nghị, hội thảo, diễn đàn gồm: Hội thảo về “Thể chế, chính sách cho phát triển thể thao thành tích cao - thể thao chuyên nghiệp”; Hội nghị tham vấn chuyên gia về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn; Diễn đàn chủ đề về thanh niên, trẻ em.
Đối với Ủy ban Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban đã nỗ lực để hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao, trong đó có những nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra từ đầu năm và có không ít nhiệm vụ đột xuất, gấp cần triển khai ngay.
Đơn cử trong xây dựng pháp luật, Ủy ban Xã hội đã thẩm tra 2 dự án Nghị quyết về thi đua khen thưởng và Nghị quyết về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; thẩm tra 5 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết, trong đó Quốc hội đã thông qua 4 dự thảo Luật và 1 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 1 dự án luật đưa ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Công tác xây dựng pháp luật đã bám sát yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương pháp trong công tác lập pháp, bảo đảm các quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, bảo đảm tính khả thi; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao năng lực thực thi; đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Một điểm nhấn của năm 2024 của Ủy ban Xã hội là việc tổ chức Phiên Giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Sau Phiên giải trình, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các cơ quan, tổ chức đề nghị tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và có biện pháp phòng, chống tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới này; tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội cũng đã thông qua nội dung “thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025” tại Nghị quyết 173/2024/QH15.
Năm 2025, nhiệm vụ của Ủy ban Xã hội còn tương đối lớn trong thực hiện Kế hoạch số 81-KH/UBTVQH15 về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và trong việc thẩm tra các luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực do Ủy ban phụ trách liên quan đến việc thể chế hóa Nghị quyết 42 như dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự án Luật Dân số… cùng với đó là việc tham gia thẩm tra các dự án luật liên quan đến tổ chức, bộ máy khi thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông theo tinh thần của Kết luận số 50-KL/TW Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Trong công tác giám sát, Ủy ban sẽ tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, giám sát thông qua việc thẩm tra 7 Báo cáo của Chính phủ theo quy định của các luật, Nghị quyết trong lĩnh vực xã hội; tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; tham gia thẩm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước của Chính phủ, các cơ quan hữu quan thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách như lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, an toàn, vệ sinh lao động, giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, với tư cách là cơ quan thường trực của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy ban sẽ phối hợp để thực hiện các hoạt động liên quan đến việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cũng như một số hoạt động văn hóa – xã hội khác.