Làm rõ vướng mắc nào cần “gỡ” ở tầm luật
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đảng đoàn Quốc hội và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cơ bản đánh giá cao những kết quả TP. Hồ Chí Minh đã đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH cũng như triển khai các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến sự phát triển của Thành phố.
Một trong những kết quả nổi bật, đó là trong thời gian chưa đầy một năm, TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng 30 cơ chế trên tổng số 44 cơ chế đặc thù quy định trong Nghị quyết 98/2023/QH15, chỉ còn 2 cơ chế đang chờ Bộ, ngành bổ sung quy định; một cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế; 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng; 7 cơ chế Thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn. Đây là cố gắng, nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và cả hệ thống chính trị của TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, đúng như báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã nêu, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội cũng phát sinh một số vướng mắc, khó khăn cần tập trung tháo gỡ để có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù cũng như nội dung quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội, thúc đẩy sự phát triển chung của Thành phố.
Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Thành phố, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội cũng đề nghị, TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục rà soát lại toàn bộ các đề xuất, kiến nghị, nhất là những đề xuất, kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, làm rõ khó khăn, vướng mắc nào cần đề xuất sửa Luật, khó khăn, vướng mắc nào cần điều chỉnh ở các nghị định, thông tư của Chính phủ?
Chủ trương chung của Đảng đoàn Quốc hội, như nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đó là những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thì Quốc hội mới bàn, còn những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ bàn và quyết định.
Liên quan đến vấn đề thu chi ngân sách của Thành phố, báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, thu ngân sách nhà nước của Thành phố ước đạt 371.307 tỷ đồng (khoảng 76,9% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2023), thu nội địa tăng 22,2%.
Trong khi đó, trong 9 tháng đầu năm, số thu ngân sách của Hà Nội ước đạt 379 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn số thu của TP. Hồ Chí Minh.
Báo cáo, làm rõ thêm về tình hình thu chi ngân sách của TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, đến thời điểm này, Thành phố đã thu ngân sách đạt khoảng gần 77% so với dự toán; và so với số thu ngân sách và các nhiệm vụ chi, thì Thành phố vẫn đang được bảo đảm được các nhiệm vụ chi.
Phân tích về nguyên nhân, Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho rằng, có hai nguồn chính ảnh hưởng đến số thu, trong đó có nguồn thu liên quan đến lĩnh vực đất đai. Thực tế, việc thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội trong 9 tháng đầu năm 2024 được đánh giá là sôi động hơn. Việc triển khai đấu giá, giao đất thuận lợi nên nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng cao, đồng thời, tạo ra các khoản liên quan từ hoạt động kinh doanh bất động sản (trước bạ nhà đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng từ kinh doanh bất động sản); từ hoạt động xây dựng và sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, từ đó góp phần đưa số thu trên địa bàn Hà Nội đạt yêu cầu dự toán.
Một nguyên nhân quan trọng khiến số thu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chưa đạt được kỳ vọng, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, đó là mức độ tổn thương sau dịch Covid-19 của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là rất nặng nề và sự phục hồi chậm hơn so với Hà Nội và các địa phương khác. Thống kê cho thấy, năm 2023 số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh khoảng hơn 272 nghìn doanh nghiệp, trong khi tại địa bàn Hà Nội, năm 2023 số doanh nghiệp đang hoạt động là hơn 192 nghìn doanh nghiệp.
Điều này cho thấy, phạm vi số lượng doanh nghiệp càng lớn, thì biên độ hồi phục sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ càng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế của Quốc hội, Chính phủ như giãn, giảm, miễn, hoãn thuế đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư sau đại dịch đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, từ đó đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này về ngắn hạn cũng đã làm giảm số thu ngân sách của Thành phố. Theo đó, có thể nhận thấy nguồn thu từ cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đóng góp vào ngân sách cũng cần có thời gian khôi phục nên tốc độ tăng thu giai đoạn vừa qua của TP. Hồ Chí Minh thấp hơn một số địa phương trong cả nước, trong đó có Hà Nội.
Cho biết, dự kiến TP. Hồ Chí Minh sẽ công bố bảng giá đất trước ngày 15.10 tới, Thứ trưởng Lê Tấn Cận hy vọng Thành phố sẽ có thêm chỉ dẫn để phát triển tốt hơn cũng như có thêm nguồn thu để bảo đảm thực hiện số thu ngân sách như dự toán đề ra.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng như lãnh đạo các bộ, ngành tham dự cuộc làm việc cũng khẳng định sẽ theo sát tình hình thực hiện các Nghị quyết, kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho TP. Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước kỳ vọng nhiều vào “đầu tàu kinh tế” của cả nước
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, thời gian vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều đã có các cuộc làm việc với nhiều chỉ đạo cụ thể với TP. Hồ Chí Minh về tình hình KT - XH của địa phương và việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Như vậy, trong chưa đầy 2 tháng qua, các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt đều đã có các cuộc làm việc với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Điều đó khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị của TP. Hồ Chí Minh, kỳ vọng nhiều vào đầu tàu kinh tế của cả nước
Qua nghe báo cáo của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và 11 ý kiến của thành viên Đảng đoàn Quốc hội và các bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhìn chung Đảng đoàn Quốc hội và các bộ, ngành đều đồng tình cao với nội dung báo cáo cũng như các đề xuất, kiến nghị của Thành phố; biểu dương công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, đột phá của lãnh đạo Thành phố trong thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao quyết tâm, tầm nhìn cùng những cách làm mới, khí thế mới hết sức quyết liệt và sự phát triển của Thành phố theo hướng tích cực, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Trong đó, 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP đạt 6,8%. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, để có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay là 7,5%, thì TP. Hồ Chí Minh phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa để đạt mức tăng trưởng 9% trong quý IV này.
Quan tâm đến chỉ số thu ngân sách nhà nước của Thành phố, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh đạt dự toán đề ra cho năm 2024, thì sẽ góp phần hoàn thành dự toán thu, bảo đảm cân đối chi ngân sách nhà nước của cả nước; bày tỏ tin tưởng, TP. Hồ Chí Minh sẽ đạt được số thu ngân sách nhà nước như dự toán, đóng góp cho việc hoàn thành nhiệm vụ chung của cả nước, trong đó có nhiệm vụ thu chi ngân sách.
Ghi nhận, đánh giá cao các kết quả đạt được, song Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thành phố. Kết cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ. Các bộ, ngành phải vào phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh với phương châm “tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó” cho TP. Hồ Chí Minh để tháo gỡ kịp thời về cơ chế, chính sách. Đúng như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII vừa qua, đó là tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển, hoàn thiện đồng bộ và đột phá mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tập trung tháo gỡ về thể chế để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh quan điểm cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo, phục vụ và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình đó, chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nếu luật pháp có điểm nào cần sửa đổi, bổ sung, thì kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua và điều chỉnh thời gian có hiệu lực của 4 luật, gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng từ ngày 1.8.2024. Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP. Hồ Chí Minh rà soát, xem xét cần ban hành những văn bản gì để triển khai thực hiện có hiệu quả các luật này cũng như các nghị quyết khác của Quốc hội. Đồng thời, đánh giá quá trình thực thi luật pháp ở địa phương, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, biện pháp tháo gỡ cho những “điểm nghẽn” để pháp luật thật sự đi vào cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, TP. Hồ Chí Minh quan tâm tới các chỉ tiêu về cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công… với tinh thần “quyết liệt, quyết tâm, quyết làm”.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội cơ bản thống nhất về mặt chủ trương với đề xuất có tư duy và tầm nhìn của Thành phố về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, Đề án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh và Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời đề nghị, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND Thành phố khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện các tài liệu theo quy định để trình Chính phủ xem xét, quyết định; và đề nghị với Ban cán sự Đảng Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét trước khi gửi sang các cơ quan của Quốc hội. Nhấn mạnh đây là vấn đề cấp bách, yêu cầu khách quan, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng họp, phối hợp khẩn trương, thường xuyên với Thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; lưu ý hồ sơ các dự án, đề án phải đầy đủ theo quy định, làm rõ về căn cứ pháp lý, đánh giá kỹ đầy đủ tác động, thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục.
Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, trước mắt là hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị của Thành phố trong năm 2024, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tiến tới tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các thành viên Đảng đoàn Quốc hội; cảm ơn các ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tại cuộc làm việc. Theo đó, Thành phố sẽ khẩn trương tiếp tục triển khai những cơ chế, chính sách đặc thù, dự án đang làm, đồng thời rút kinh nghiệm với những vướng mắc, khó khăn thuộc về trách nhiệm chủ quan, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.