Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035:

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Sức mạnh văn hóa chính là ở người dân, ở cơ sở

"Sức mạnh văn hóa chính là ở người dân, ở cơ sở. Sức mạnh này sẽ giúp bảo tồn được các di sản, truyền thống văn hóa của dân tộc, của đất nước chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh khi cho ý kiến với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 sáng nay. 

ctqh-4576.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Sáng 8.10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp thứ 38, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (Chương trình).

pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-thanh-dieu-hanh-phien-hop-ubtvqhvqk-4271-9660.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành Phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Tạo chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện

Trình bày Tờ trình tóm tắt của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Chương trình được thực hiện trong 11 năm, với tổng vốn dự kiến là 122.250 tỷ đồng, thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.

Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm được chia thành các giai đoạn. Trong đó, năm 2025 thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

vqk-4068-4846.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trình bày Tờ trình tóm tắt của Chính phủ. Ảnh: Quang Khánh

Giai đoạn 2026 -2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030. Giai đoạn 2031 - 2035 sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Chương trình có 7 mục tiêu bao quát gồm:

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.

Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.

Huy động sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài.

Phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, với nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ đóng vai trò quan trọng.

Hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

chu-nhiem-uy-ban-van-hoa-giao-duc-nguyen-dac-vinhvqk-4118-6209.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quang Khánh

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình và cho rằng, việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn. Hồ sơ đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật; đề nghị tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền sớm cho ý kiến về Chương trình.

Tán thành với các mục tiêu của Chương trình, nhưng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị xem xét tính khả thi, khả năng đạt được của 2 mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Cụ thể là, Mục tiêu số 5 phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Mục tiêu số 6 phấn đấu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với chủ trương đầu tư Chương trình; cho rằng, đây là chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng, có nội dung rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực và toàn bộ đời sống xã hội.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, Chương trình có tính đột phá, sẽ cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, cũng như tư tưởng hiến định mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa tại Điều 41 của Hiến pháp năm 2013.

Bảo đảm tính khả thi, đồng bộ của Chương trình

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Chương trình đã được chỉnh lý theo hướng tránh trùng lặp với các chương trình, dự án đã được phê duyệt hoặc đang triển khai. Mục tiêu tổng quát đã khái quát hơn; các mục tiêu cụ thể cũng phù hợp và logic hơn với các mục tiêu tổng quát.

Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính khả thi và đồng bộ của Chương trình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát để bảo đảm mục tiêu tổng quát bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, cập nhật kịp thời các chủ trương mới; phát huy sức mạnh của nhân dân để xây dựng các thương hiệu văn hóa, du lịch; xác định hệ thống mục tiêu có nội hàm, mục tiêu tổng quát có trọng tâm, trọng điểm...

ctqh-a4-4028.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chương trình cần tập trung vào thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn âm nhạc, sân khấu múa, văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm điện ảnh, thư viện giáo dục văn hóa đào tạo, văn hóa dân tộc... Trong đó, đối với văn hóa cơ sở, cần xem xét rà soát, đánh giá việc phát huy các nhà văn hóa, nhà thông tin ở ấp, ở khu vực hiện nay, cũng như chú ý đánh giá theo tính chất đặc thù của từng vùng, miền.

Nhấn mạnh văn hóa cơ sở là khu vực không phải chi ngân sách vẫn có thể hình thành và khai thác hiệu quả được, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần chú ý triển khai xây dựng văn hóa cơ sở để toàn dân có ý thức xây dựng giá trị đạo đức, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.

"Ngành văn hóa phối hợp với các cơ quan Tuyên giáo, Thông tin Truyền thông, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng sức mạnh văn hóa. Sức mạnh văn hóa chính là ở người dân, ở cơ sở. Sức mạnh này sẽ giúp bảo tồn được các di sản, truyền thống văn hóa của dân tộc, của đất nước chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Để phát huy văn hóa cơ sở, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, thời gian tới cần đẩy mạnh một mảng quan trọng là mảng văn hóa cơ quan. Theo đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần đẩy mạnh thực hiện văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tuân thủ chuẩn mực văn hóa công sở; các đơn vị chú trọng triển khai phát triển thể lực, tầm vóc, kỹ năng sống của con người... Bên cạnh đó, các địa phương triển khai hiệu quả các phong trào xây dựng ấp, ngõ, nhà dân văn hóa, xanh, sạch đẹp để xây dựng văn hóa.

bo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-nguyen-kim-son-va-cac-dai-bieu-tai-phien-hopvqk-4334-5495.jpg
Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

"Đây là những việc có thể triển khai thực hiện ngay trong lúc chưa đưa Chương trình vào kế hoạch đầu tư công trung hạn". Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia đặt trong tổng thể kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2025 - 2030, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

"Đặc biệt, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; xác định rõ các nội dung Trung ương thực hiện, địa phương thực hiện; bảo đảm những nội dung giao địa phương thực hiện thì Trung ương chỉ đôn đốc, hướng dẫn để địa phương thực hiện tốt", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trong điều kiện nguồn lực của đất nước ta có hạn, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, việc khi đầu tư các chương trình, dự án phải bảo đảm tính khả thi, đồng thời, cần thay đổi quan điểm, tư duy chỉ đạo, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp thu, rà soát, điều chỉnh Tờ trình.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với các cơ quan Quốc hội hoàn thiện Báo cáo thẩm tra và xây dựng Kết luận Phiên họp về nội dung này, sớm gửi cho Chính phủ để kịp thời hoàn thiện, điều chỉnh, chỉnh lý các nội dung.

Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tôn tạo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Santo Domingo
Sự kiện nổi bật

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tôn tạo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Santo Domingo

Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Dominicana, sáng 21.11, theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam dự lễ khánh thành tôn tạo và đặt vòng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Santo Dominigo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp - Ảnh Quang Khánh
Thời sự Quốc hội

Tạo cơ hội mới cho Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn

Theo các đại biểu, việc thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng sẽ là bước đột phá lớn, tạo cơ hội mới để Hải Phòng sẽ phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn nữa. Đồng thời, phát huy được vị trí địa lý của thành phố, phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary cắt băng khánh thành Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia

Chiều 21.11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã chủ trì lễ khánh thành và trao tặng công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Vương quốc Campuchia - món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Nhà nước Campuchia trao tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, chiều nay, 21.11, tại trụ sở Quốc hội Campuchia ở thủ đô Phnom Penh, thay mặt Nhà nước Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary đã trao Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự của Nhà nước Campuchia tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.