Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, sáng nay, tại trụ sở Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Hội nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Đảng Đoàn Quốc hội về Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV. Đây là hội nghị thứ hai giữa Đảng Đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ để xem xét, rà soát các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám.
Hội nghị đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo một số nội dung về chuẩn bị Kỳ họp thứ Tám; tập trung rà soát, xem xét tiến độ, chất lượng các nội dung trình Kỳ họp.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV có ý nghĩa rất quan trọng. Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của Nhân dân.
Cho biết tình hình đất nước hiện còn nhiều khó khăn, nhất là thiên tai bão lũ vừa qua gây thiệt hại rất nặng nề, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hội nghị Trung ương lần thứ 10 vừa kết thúc, với khí thế mới, Ban Chấp hành Trung ương sẽ ban hành Nghị quyết để thực hiện trong năm 2024 và năm 2025, chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, tạo tiền đề bứt phá để đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.
Qua các báo cáo và ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội thống nhất Kỳ họp thứ Tám dự kiến sẽ diễn ra trong 28,5 ngày, trong đó có 3 ngày làm việc vào thứ Bảy. Trường hợp cần thiết, Quốc hội sẽ tăng cường thêm thời gian để xem xét một số nội dung Chính phủ đề nghị bổ sung nếu chuẩn bị kịp và bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ Tám quán triệt tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Theo đó, kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Pháp luật phải xuất phát và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc thông tư, nghị định, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội phải lấy chất lượng làm chính, khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có “tuổi thọ” cao.
Những vấn đề cần xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay sau hội nghị này, Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thành.
"Cả Quốc hội và Chính phủ đều phải quán triệt sâu sắc Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Chúng tôi cũng thường xuyên quán triệt trong Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban về vấn đề này, làm sao hạn chế lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng luật, xây dựng nghị quyết, phải phát hiện, xử lý đến nơi đến chốn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Sau hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng Đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ có thông báo kết luận chung để thực hiện; các báo cáo tiếp thu, giải trình các dự án luật, nghị quyết do Phó Thủ tướng Chính phủ ký hoặc phải ủy quyền cho Bộ trưởng ký; các thành viên Đảng Đoàn Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung trình Quốc hội với tinh thần "những việc đã đề ra thì phải quyết tâm làm, bảo đảm thời gian, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ".
Nhất trí việc tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất, Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý, Chính phủ cần chỉ đạo chặt chẽ hơn các cơ quan soạn thảo trong việc hoàn thiện các nội dung, nhất là với các nội dung đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.
"Tinh thần là những việc gì chưa rõ, chưa thống nhất, còn có ý kiến khác nhau, thì cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải tiếp tục ngồi với nhau, cần thiết thì Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Quốc hội cùng xem xét, cho ý kiến để đi đến thống nhất phương án", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Lưu ý công tác thông tin tuyên truyền về Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan phối hợp chặt chẽ để cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời, qua đó cũng để cử tri và Nhân dân hiểu rõ, đồng thuận với những nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay, cơ bản các nội dung khó thì Đảng Đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã thẳng thắn trao đổi, làm rõ và có phương án xử lý.
"Tinh thần là quyết liệt, quyết tâm nhưng phải quyết làm để Kỳ họp thứ Tám thành công tốt đẹp. Tuy rất nhiều nội dung trình Quốc hội, khối lượng công việc rất lớn, rất khó, nhưng cách làm tiếp tục đổi mới thì Kỳ họp sẽ thành công tốt đẹp. Dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân cũng rất kỳ vọng vào Kỳ họp thứ Tám để Quốc hội, Chính phủ quyết sách các vấn đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm đời sống Nhân dân", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Kỳ họp thứ Tám đối với sự phát triển của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí với các ý kiến của Chủ tịch Quốc hội; đồng thời yêu cầu các thành viên Chính phủ, trên cơ sở nhiệm vụ đã được giao, đặc biệt là tại 15 văn bản chỉ đạo của Thủ tướng về chuẩn bị Kỳ họp thứ Tám, khẩn trương hoàn thành các công việc, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội.
“Tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, tất cả vì lợi ích của Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước chúng ta, vì sự vươn mình trỗi dậy để đất nước ta phát triển. Chúng ta phải có quyết tâm bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong quá trình phát triển”, Thủ tướng nói.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội sẽ xem xét 42 nội dung, nhóm nội dung; bao gồm: 30 nội dung thuộc công tác lập pháp, 12 nội dung, nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công tác nhân sự, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc chuẩn bị tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám của các cơ quan thuộc Chính phủ đã cơ bản tốt hơn, tuy nhiên vẫn còn nội dung gửi chậm. Do đó, đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình tại Kỳ họp; chuẩn bị và gửi hồ sơ, tài liệu dự án, dự thảo đúng thời hạn quy định để các cơ quan của Quốc hội chủ động, bảo đảm chất lượng, tiến độ thẩm tra và các đại biểu Quốc hội sớm tiếp cận tài liệu kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian tiến hành Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện tốt việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội để phục vụ phiên thảo luận tại hội trường; phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết, nhất là với những vấn đề lớn, quan trọng, còn có ý kiến khác nhau.
Kỳ họp thứ Tám có khá nhiều nội dung được đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một Kỳ họp, các ý kiến tại hội nghị cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện các dự thảo luật.
Trong đó, để bảo đảm các dự án luật được thông qua sẽ đi vào cuộc sống, thực sự tháo gỡ được vướng mắc về pháp luật hiện nay, đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo rà soát, đề xuất sửa đổi tập trung vào một số vấn đề quan trọng, cấp bách nhất để có thể thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp.
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, từ tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các bộ, ngành, địa phương đã đề nghị một số nội dung quan trọng, cấp bách cần phải được xử lý sớm bằng việc sửa đổi, bổ sung luật hoặc thông qua nghị quyết của Quốc hội. Do đó, Chính phủ đề xuất bổ sung thêm 4 nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tới. Như vậy, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội 81 hồ sơ, tài liệu, đến nay, Chính phủ đã gửi 78 hồ sơ, tài liệu.