Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Luật phải đột phá hơn, mới hơn Nghị quyết số 193 của Quốc hội
Đó là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ chiều nay của Quốc hội về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Chiều 6/5, tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội thảo luận tại tổ về 3 dự án Luật, gồm: dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
.png)
Phải bao quát toàn diện về đổi mới sáng tạo
Dự phiên họp tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk và Lào Cai, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cả 3 dự án Luật đều hết sức quan trọng và cấp bách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong kỷ nguyên mới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết về xây dựng và thực thi pháp luật.
"Đây là các Nghị quyết hết sức quan trọng mà dự án Luật Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phải cập nhật, thể chế hóa đầy đủ. Tới đây, Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành một Nghị quyết nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của khu vực kinh tế tư nhân, tiến tới một bước xa hơn nữa là xây dựng một đạo luật về phát triển kinh tế tư nhân", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
.png)
Góp ý cụ thể về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉnh sửa tên Luật theo hướng Luật Khoa học, Công nghệ (sửa đổi) và Đổi mới sáng tạo.
"Việc này cũng là để công bố cho cả trong nước và quốc tế thấy được Đảng, Nhà nước, Quốc hội hết sức quan tâm đến lĩnh vực khoa học, công nghệ. Chúng ta đã ban hành Luật Khoa học và Công nghệ từ năm 2013. Bây giờ theo yêu cầu của Nghị quyết số 57 và yêu cầu của tình hình mới thì Luật Khoa học và Công nghệ được sửa đổi và bổ sung thêm một lĩnh vực nữa là đổi mới sáng tạo", Chủ tịch Quốc hội nói.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ khái niệm và phạm vi của "đổi mới sáng tạo". Khái niệm trong dự thảo Luật hiện nay, theo Chủ tịch Quốc hội, còn thiên về công nghệ, chưa bao quát đầy đủ các khía cạnh phi công nghệ như đổi mới sáng tạo trong khoa học xã hội, nhân văn, mô hình kinh doanh, quản lý...
Nhấn mạnh, "phải bao quát toàn diện về đổi mới sáng tạo", Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần bổ sung rõ hơn, rộng hơn khái niệm "đổi mới sáng tạo". Theo đó, đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý dựa trên công nghệ hoặc phi công nghệ, mang lại giá trị gia tăng và ứng dụng thực tế. Làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh bao gồm cả các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, quản trị công được khuyến khích đổi mới sáng tạo.
.png)
Nhất trí với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ về việc cần tăng cường hơn nữa các cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính, Chủ tịch Quốc hội nhận xét, dự thảo Luật chưa có quy định điều khoản cụ thể nào về đột phá ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học.
"Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu rất rõ vấn đề này. Ban soạn thảo phải cập nhật ngay những quan điểm, chỉ đạo của Nghị quyết", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phân tích cụ thể hơn, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển tại Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 0,44% GDP - rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore rất ưu đãi cho đầu tư vào nghiên cứu phát triển.
"Chúng ta cần quy định rõ, mạnh mẽ các ưu đãi thuế, ví dụ như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các sản phẩm thương mại hóa từ nghiên cứu khoa học; thiết lập các cơ chế tài chính linh hoạt như Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc hỗ trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đơn giản hóa các thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; giảm các rào cản hành chính để khuyến khích chuyển giao công nghệ...", Chủ tịch Quốc hội đề xuất.
.png)
Cho biết, với tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, Quốc hội chỉ ban hành Luật khung, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định, các Bộ ban hành Thông tư để quy định chi tiết, song Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh, phải bảo đảm sự thông suốt từ Luật đến Nghị định, Thông tư, xóa các rào cản để khuyến khích các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển.
Trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong hệ sinh thái như: doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học...; có cơ chế chặt chẽ như mô hình đổi mới sáng tạo hoặc đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp; thúc đẩy các trung tâm đổi mới sáng tạo liên ngành, tích hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, tạo động lực cho hệ sinh thái bền vững; bổ sung chính sách hỗ trợ các trung tâm đổi mới sáng tạo kết nối với các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Khuyến khích cơ chế đặt hàng doanh nghiệp, đảm bảo đề tài có tính thực tiễn cao, gắn với nhu cầu thị trường
Đề cập vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần bổ sung các chính sách ưu đãi như: miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thưởng cho nghiên cứu cơ bản, chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; tăng cường đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc cao hơn, định hướng ngành nghề sớm cho học sinh, sinh viên; có các chương trình đào tạo liên ngành...
"Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta muốn phát triển nhanh thì phải dựa vào khoa học, công nghệ, dựa vào giáo dục đào tạo. Một nền giáo dục tốt sẽ có những nhà khoa học tài năng. Đây là vấn đề phải đặc biệt quan tâm để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
.png)
Trong dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường liên kết giữa nghiên cứu và thị trường. Thực tế cho thấy, vừa qua, nhiều nghiên cứu khoa học chưa được ứng dụng vào thực tiễn hoặc thương mại hóa dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Do vậy, tới đây cần khuyến khích cơ chế đặt hàng doanh nghiệp, đảm bảo đề tài có tính thực tiễn cao, gắn với nhu cầu thị trường; quy định ưu tiên mua sắm công với các sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp từ trường đại học, các viện nghiên cứu để thương mại hóa kết quả nghiên cứu...
"Những vấn đề này đã có trong dự thảo Luật nhưng cần mạnh mẽ hơn", Chủ tịch Quốc hội nói.
Hết sức thông thoáng, cởi trói, tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với các đại biểu phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính tương thích với các luật liên quan như luật thuế, luật đầu tư, luật đất đai, phù hợp với các cam kết quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
.png)
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực chiến lược, trọng điểm như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng cao, vật liệu mới... Làm rõ lộ trình với các mốc thời gian và chỉ tiêu đo lường hiệu quả cụ thể.
"Hiện nay dư luận xã hội, các nhà khoa học đang hết sức quan tâm đến dự án Luật này. Chúng ta xây dựng luật mới mà không có tính đột phá, thực hiện hiệu quả không cao thì không đáp ứng được yêu cầu. Luật lần này phải đột phá hơn, mạnh mẽ hơn, mới hơn Nghị quyết số 193 của Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Quốc hội đã điều chỉnh chương trình để thông qua dự án Luật này tại một Kỳ họp thay vì 2 Kỳ họp để đóng góp vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay và tăng trưởng hai con số trong thời gian tới. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì quy định gọn, rõ, trọng tâm, trọng điểm còn lại phân cấp mạnh để Chính phủ ban hành kịp thời các chính sách, Bộ ban hành kịp thời các thông tư, các địa phương ban hành kịp thời các hướng dẫn để thực hiện đồng bộ.
.png)
"Phải liên thông, đồng bộ từ Quốc hội, Chính phủ đến bộ, ngành, địa phương. Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư và Trung ương là phải hết sức thông thoáng, cởi trói, tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Không chỉ Luật Khoa học, Công nghệ sửa đổi và Đổi mới sáng tạo mà 34 luật được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này đều hướng đến mục tiêu này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dự thảo Luật quy định doanh nghiệp được phép trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là 5% (Khoản 1 Điều 65). Doanh nghiệp được sử dụng Quỹ phát triển KH&CN để mua sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện mua bán, sáp nhập, đầu tư hoặc cùng đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Khoản 2 Điều 65).
Theo ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Hậu Giang), quy định trên là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo" và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Việc cho phép doanh nghiệp sử dụng nguồn lực nội tại để đầu tư vào các hoạt động này và trực tiếp hỗ trợ startup là một cơ chế hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, để quy định này phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự hướng dẫn cụ thể, cơ chế giám sát chặt chẽ", đại biểu nêu quan điểm.
.png)
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc mức tỷ lệ 5% hay cần nâng tỷ lệ này ở mức cao hơn để tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tích lũy nguồn để thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dài hạn. Bởi tại Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu: "Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm".
Ngoài quy định như dự thảo Luật (mua sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện mua bán, sáp nhập, đầu tư hoặc cùng đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị cần nghiên cứu để bổ sung mục đích sử dụng Quỹ, bao gồm các mục đích chi như sau: chi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đặt hàng, mua sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện mua bán, sáp nhập, đầu tư hoặc cùng đầu tư vào dự án khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hình thành, tham gia góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm.
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.
Dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Kế thừa tối đa những nội dung của Luật Khoa học và công nghệ 2013 đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay.
Tờ trình dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo
.