Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải.
Cùng dự có Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Đối ngoại và cán bộ, công chức Vụ Quốc phòng và An ninh, Vụ Đối ngoại.
Làm tốt quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao kết quả hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Đối ngoại trong năm 2024. Hai Ủy ban đã phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, trách nhiệm, chủ động, tích cực, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc khối lượng lớn công việc trong năm.
Cho biết, tới đây, dự kiến hai Ủy ban sẽ sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ, thành lập Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, trong năm 2025, Ủy ban nỗ lực nhân đôi thành tích năm 2024, đóng góp vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần tăng tốc, bứt phá, về đích thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
“Làm tốt quốc phòng, an ninh, đối ngoại thì mới bảo đảm được tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát”. Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng thẩm tra, tham mưu giúp Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. “Chất lượng văn bản phải ngày càng tinh túy, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ giám sát”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cùng với đó, sau sắp xếp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban tập trung xây dựng đội ngũ đoàn kết, vững mạnh; nâng cao chất lượng phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong nước, ngoài nước để thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ được giao…
Sớm ổn định tổ chức, kiện toàn nhân sự sau sắp xếp tổ chức bộ máy
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, năm 2024, Ủy ban Đối ngoại đã triển khai đồng bộ, toàn diện công tác trên các lĩnh vực và thực hiện một số nhiệm vụ do Đảng Đoàn Quốc hội giao. Trong đó, Ủy ban đã tham gia thẩm tra tất cả các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội trong năm 2025, đặc biệt là khía cạnh bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tiến hành 4 chuyên đề giám sát liên quan đến các lĩnh vực: biên giới, lãnh thổ; chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài; hàm cấp ngoại giao và cơ quan đại diện; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động; trong đó, đã tham mưu, triển khai 4 Đoàn thăm cấp Chủ tịch đến các đối tác quan trọng như: Trung Quốc, Liên bang Nga, Lào, Campuchia, Singapore, Nhật Bản; tham mưu, đón 10 Đoàn Chủ tịch Quốc hội bạn thăm Việt Nam và các Đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội, Đoàn các Ủy ban, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị… ; tham gia đầy đủ các Diễn đàn nghị viện đa phương mà Quốc hội Việt Nam là thành viên; tổ chức hai Hội nghị liên nghị viện với Cuba và Liên bang Nga trao đổi nhiều biện pháp về phát triển quan hệ hai nước và cơ quan lập pháp hai nước…
Đối với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Trung tướng Nguyễn Minh Đức cho biết, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua 9 luật, bằng khoảng 30% tổng số luật Quốc hội đã thông qua trong năm 2024. Nhiều luật điều chỉnh những chính sách mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và quán triệt quan điểm đổi mới trong xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội.
Thường trực Quốc phòng và An ninh cũng tham gia thẩm tra 27 luật, pháp lệnh, nghị quyết do các Ủy ban khác chủ trì thẩm tra; thẩm tra chương trình xây dựng luật, pháp lệnh…
Về hoạt động giám sát, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”; tổ chức thẩm tra các báo cáo của Chính phủ thuộc lĩnh vực phụ trách theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện các hoạt động giám sát thường xuyên theo quy định.
Kịp thời triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; tham mưu, đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; cử đại diện tham gia Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội; tham gia ý kiến vào các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về sắp xếp tổ chức bộ máy để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thống nhất với Thường trực Ủy ban Đối ngoại về việc tiếp nhận các nhiệm vụ từ Ủy ban Đối ngoại.
Chủ trì tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng nhiều kế hoạch, báo cáo, văn bản tham gia ý kiến về các Tờ trình, đề án, dự án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thực hiện công tác dân nguyện, công tác đối ngoại và các hoạt động khác theo chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Năm 2025, Ủy ban sẽ tập trung tổ chức thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án: Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Pháp lệnh Quản lý và bảo vệ khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua và các dự án khác khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.
Ủy ban cũng dự kiến tổ chức 2 hoạt động giám sát chuyên đề (nếu không có các dự án luật khác được bổ sung sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy); tổ chức thẩm tra các báo cáo của Chính phủ thuộc lĩnh vực phụ trách và các báo cáo khác theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; triển khai khảo sát phục vụ việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật do Ủy ban chủ trì thẩm tra, tham gia thẩm tra và các hoạt động giám sát thường xuyên theo quy định.
Tham gia Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo quyết định của cấp có thẩm quyền, sớm ổn định tổ chức, kiện toàn nhân sự để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thực hiện các nhiệm vụ do Đảng ủy Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công; nghiên cứu, đề xuất, tham gia ý kiến theo chức năng đối với các chương trình, đề án theo phân công hoặc đề nghị của cơ quan hữu quan.