Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ; Tư lệnh Quân khu 3, Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc.
Về phía tỉnh Nam Định có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quốc Chỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị cùng các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Nam Định là tỉnh ven biển nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên gần 1.700 km, có 72 km bờ biển; dân số gần 2 triệu người, trong đó có 25% là đồng bào công giáo. Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh còn 8 huyện và 1 thành phố, với 175 xã, phường, thị trấn.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quốc Chỉnh nêu rõ, trong những năm qua, tình hình chính trị, xã hội của tỉnh Nam Định tiếp tục ổn định; môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, các dự án động lực đang và sẽ được triển khai đồng bộ; giáo dục, văn hóa và xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh luôn đoàn kết, dân chủ, đồng thuận, thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Nam Định đã thống nhất lựa chọn những vấn đề trọng tâm, khâu đột phá để ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề và các kế hoạch, chương trình hành động; đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Đến nay, kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì ổn định và phát triển, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Giai đoạn 2021-2024, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 9,2%/năm (đạt chỉ tiêu); Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,2%/năm (đạt chỉ tiêu). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,2%/năm (vượt chỉ tiêu).
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 215 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 15,7%/năm; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 13,5%/năm. Tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 11,4 tỷ USD, tăng bình quân 12,1%/năm. Tổng thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn ước đạt 38.093 tỷ đồng, tăng bình quân 18,7%/năm, trong đó năm 2024, ước đạt 12.030 tỷ đồng (Nghị quyết Đại hội đến năm 2025 đạt 10.000 tỷ đồng).
Xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã trở thành một điểm sáng, đến nay, đã có 39 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu; 199/204 xã, thị trấn (chiếm 97,5%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội). Huyện Giao Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Công tác quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện. Tỉnh đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29202.12.3, góp phần quan trọng thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển bút phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.
Nam Định đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm, như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (Giai đoạn I); Tỉnh lộ 487B, 488C; Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (Giai đoạn I); Cụm công trình kênh Nghĩa Hưng (Đáy - Ninh Cơ)... Đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số dự án, công trình lớn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, khi hoàn thành sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm hơn và có bước phát triển tốt; hệ thống các thiết chế văn hoá, thể thao ngày càng được đầu tư xây dựng, mở rộng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Ngành giáo dục tỉnh Nam Định giữ vững thành tích 30 năm nằm trong top dẫn đầu cả nước về chất lượng. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân.