Đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tại sân bay quốc tế Haneda có: Chủ tịch Ủy ban Điều hành Thượng viện Nhật Bản, Thượng nghị sĩ Makino; Tổng Vụ trưởng Đối ngoại Thượng viện và cán bộ Thượng viện Nhật Bản.
Về phía Việt Nam có: Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu và Phu nhân; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp, cũng là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 12 năm kể từ năm 2012.
Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9.1.2023 của Bộ Chính trị.
Diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, chuyến thăm góp phần đưa hợp tác trên kênh nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Nhật Bản đi vào thực chất và bền vững, qua đó góp phần cụ thể hóa nội hàm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực.
Chuyến thăm khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới Việt Nam - Nhật Bản; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động Nghị viện giữa Việt Nam với Nhật Bản; thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng động người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo chương trình, trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ hội đàm với Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản; chào Nhà vua và Hoàng hậu; hội kiến Thủ tướng Nhật Bản.
Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ có cuộc tiếp Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt; lãnh đạo các chính đảng lớn của Nhật Bản, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản, Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân (FEC), đại diện lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản; dự Lễ trao văn kiện hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương; tiếp Thống đốc một số địa phương có quan hệ thân thiết với Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ trao tặng huân chương cho một số nguyên lãnh đạo Nhật Bản; gặp gỡ các cán bộ Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản; thăm tỉnh Nagasaki...
Trong khuôn khổ chuyến thăm cũng sẽ diễn ra các hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa nghị sĩ trẻ, nữ nghị sĩ và giữa các thành viên Đoàn chính thức là Lãnh đạo Ủy ban của Quốc hội, bộ ngành, địa phương với các đối tác Nhật Bản. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản sẽ ký thỏa thuận hợp tác.
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Trải qua hơn 50 năm, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao và sự gắn kết chặt chẽ trên các lĩnh vực kinh tế, nguồn nhân lực, hợp tác địa phương. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được đánh giá là hình mẫu tiêu biểu cho sự hợp tác hiệu quả, chân thành, với tiềm năng và triển vọng hết sức rộng mở.