Sáng 12.9, tiếp tục Phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Nhiệm vụ lập pháp cơ bản bảo đảm tiến độ
Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với những kết quả đạt được trong công tác tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được nêu trong Báo cáo của Chính phủ; đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nghiêm túc triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương trong công tác hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.
Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết năm 2024 thể hiện tính kịp thời, tập trung, có nhiều đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp và nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện. Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp cơ bản bảo đảm tiến độ, không có tình trạng xin rút các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Theo đó, số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết phải trình ở từng kỳ họp Quốc hội rất lớn nhưng chưa bảo đảm sự cân đối giữa các lĩnh vực; nhiều dự án được bổ sung vào Chương trình sát thời điểm tổ chức kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Số lượng văn bản quy định chi tiết nợ mới phát sinh nhiều, văn bản nợ đọng kéo dài chưa được khắc phục triệt để; số lượng văn bản ban hành chậm, không bảo đảm hiệu lực thi hành đồng thời với luật còn nhiều...
Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế đã nhận diện được trong thời gian qua trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nhất là tình trạng pháp luật còn chồng chéo, xung đột, thiếu tính khả thi; tình trạng nợ đọng văn bản quy định kéo dài, nợ văn bản quy định chi tiết mới phát sinh trong kỳ báo cáo, ban hành văn bản quy định chi tiết chậm so với hiệu lực thi hành của luật; đồng thời, đôn đốc và có giải pháp cụ thể, kịp thời ban hành 133 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành trong thời gian tới.
Phải đổi mới tới nơi tới chốn
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự cố gắng, nghiêm túc của Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo và kèm theo 4 phụ lục rất cụ thể, chi tiết, nêu đầy đủ tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội từ kỳ báo cáo lần trước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật. Báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đã nêu được bức tranh rất tổng thể về công tác thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, công tác tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề rất quan trọng. Hàng năm, ngân sách nhà nước đã dành khoản kinh phí lớn cho công tác tuyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nhấn mạnh luật, nghị quyết muốn đi vào cuộc sống thì phải triển khai thi hành, theo dõi việc triển khai thi hành, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần phải đánh giá kỹ pháp luật có thấm, thấu vào nhân dân chưa, phải hiểu được pháp luật thì mới sống và làm việc theo pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, phải đổi mới việc triển khai, kiểm tra thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội một cách “tới nơi tới chốn”. “Chỗ nào làm tốt, chỗ nào làm chưa tốt? Làm tốt thì phải có biểu dương, khen thưởng kịp thời, còn chỗ nào làm chưa tốt thì phải phê bình, kiểm điểm”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp phải phối hợp chặt chẽ ngay từ khâu xây dựng đến khâu triển khai, thực hiện luật, nghị quyết. "Gốc xây dựng pháp luật phải từ các bộ, ngành; phải xem kỹ từng khoản, từng điều, từng chương thì luật mới có chất lượng. nếu các cơ quan trình làm kỹ lưỡng thì khi gửi sang Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban mới thẩm tra trúng, đúng các vấn đề", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Không chỉ với các bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thời gian tới cần nề nếp, kỷ cương, quyết liệt trong việc thẩm tra các dự án luật để thể hiện chính kiến. Mong muốn cuối cùng là “các luật, nghị quyết ra đời phải có chất lượng và tuổi thọ”.
Cho biết vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 178 ngày 27.6.2024 về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi “có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật không?” và đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường kiểm soát, kiểm tra đối với vấn đề này.
Quan tâm đến công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận thấy, công tác này đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo năm 2023 tổng số văn bản đã được rà soát rất lớn, hơn 33.000 văn bản, tăng 3.943 văn bản so với năm 2022. Tổng số văn bản đã xử lý sau rà soát là trên 5.000 văn bản, tăng 938 văn bản so với năm 2022.
Tuy nhiên, trong kỳ báo cáo, qua kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đối với 2.948 văn bản đã phát hiện, kết luận kiến nghị xử lý 138 văn bản có quy định trái pháp luật về thẩm quyền và nội dung. Kết quả này cho thấy số lượng văn bản có quy định trái pháp luật vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhưng đến nay mới chỉ xử lý được 80/138 văn bản, số văn bản chưa được xử lý là 58 văn bản. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ nêu rõ nguyên nhân đến nay còn 58/138 văn bản trái pháp luật chưa được xử lý.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, trên cơ sở kết quả thảo luận tại phiên họp, Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có thông báo chính thức bằng văn bản và giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra chính thức Báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tiến hành thảo luận chung trong các nội dung về kinh tế - xã hội và báo cáo công tác khác của Chính phủ.