Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự tại điểm cầu Quảng Nam. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tham dự tại điểm cầu Bình Định.
Tham dự tại điểm cầu Hà Nội còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Tham dự tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương…
Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; các Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Cùng dự tại điểm cầu Quảng Nam còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường…
Tham dự tại điểm cầu Bình Định còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng…
Tại điểm cầu Hà Giang còn có sự tham dự của các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh…
Tại điểm cầu An Giang còn có sự tham dự của: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang…
Cùng dự tại các điểm cầu còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương; các bậc lão thành cách mạng, lực lượng vũ trang, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Với 6 điểm cầu được thực hiện tại Tượng đài Bắc Sơn - Thủ đô Hà Nội; Đền Tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược - TP. Hồ Chí Minh; Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng - tỉnh Quảng Nam; Nghĩa trang Vị Xuyên - tỉnh Hà Giang; Đền thờ Liệt sỹ thị xã Hoài Nhơn - tỉnh Bình Định và Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh An Giang, Chương trình "Khúc tráng ca hòa bình" mang đến những hình ảnh ấn tượng, nhiều cảm xúc và câu chuyện xúc động về những thương binh, liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân của những người lính đã ngã xuống cho nền hòa bình của đất nước.
Đặc biệt, Chương trình đã phát ghi hình phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp mặt các đại biểu người có công tiêu biểu nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành kính tưởng nhớ đến các bậc anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; trân trọng gửi tới các bác, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Tổng Bí thư nêu rõ, Cách đây vừa tròn 75 năm (ngày 27.7.1947), khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc ta, triệu người như một, đã nhất tề đứng dậy không sợ gian khổ, hy sinh, quyết bảo vệ nền độc lập, tự do, bảo vệ Nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) với tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"; "Không có gì quý hơn độc lập tự do"!. Với tầm nhìn chiến lược hết sức sâu sắc và nhân văn, ngay từ thời điểm đó, ngày 27.7.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Từ đó, “ngày 27.7 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của Dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng”, Tổng Bí thư xúc động.
Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng… Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài nước cũng đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động và huy động nhiều lực lượng tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" với nhiều hoạt động rất cụ thể, thiết thực, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc...
“Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm: Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân!", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng mong muốn và tin tưởng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, Dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, một phần rất lớn, rất quan trọng là chúng ta có gìn giữ và phát huy được hay không những giá trị và truyền thống tốt đẹp của Dân tộc, những nếp sống văn hóa, đạo đức "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", "Chị ngã em nâng", "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ"... Mong các đồng chí hãy ghi nhớ và thấm nhuần thật sâu sắc điều đó”.
Chương trình gồm 3 chương: “Những dấu chân hòa bình”; “Bài ca không quên” và “Khát vọng hòa bình”. Trong đó, Chương 1 - "Những dấu chân hòa bình" đã tái hiện hình ảnh dân tộc ta từ bao đời nay, khi Tổ quốc cần đến, hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân thế hệ từ thuở dựng nước đến ngày nay đều cất bước, để lại dấu ấn không thể quên về một thời "ta đã sống và hy sinh vì hòa bình".
Trong chương này, khán giả đã lắng nghe câu chuyện về "Tuổi 20 giữa bão lửa" của Liệt sỹ Huỳnh Kim Trung - người đã viết đơn tình nguyện vào thực tập và chiến đấu tại Quảng Bình, vùng đất được gọi là tọa độ lửa, ngày đêm hứng chịu bom đạn Mỹ. Hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi, Liệt sỹ Huỳnh Kim Trung để lại cuốn nhật ký với những dòng viết đầy nhiệt huyết tuổi trẻ: "Nếu lòng ta cứ sợ mưa sa - Thì nắng đẹp mùa xuân đâu sẽ thấy". Bên cạnh đó là câu chuyện về "Một thời hoa lửa" của bà Trần Thị Dự (74 tuổi) - người con đất Quảng Nam, kể về những ngày tháng thanh xuân khi cùng bạn bè chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng của những cô gái ngày ấy mới 19, 20 tuổi - ngã xuống để bảo vệ mảnh đất quê hương.
Chương 2 - "Bài ca không quên", Chương trình kể câu chuyện về Liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh - người lính Vị Xuyên, Hà Giang đã bất khuất hy sinh 38 năm trước khi trong tay vẫn ôm khẩu súng có khắc dòng chữ: "Sống bám đá đánh giặc/ Chết hóa đá bất tử" sau đó đã lan tỏa khắp mặt trận Vị Xuyên. Dòng chữ ấy được truyền tai nhau và trở thành một thứ "vũ khí tinh thần", một khẩu hiệu sắt đá của những người lính đang ngày đêm chiến đấu thời gian đó. Đó còn là câu chuyện về những gia đình đã được đón người thân đang nằm lại chiến trường trở về nhà nhờ vào phương pháp thực chứng do Đội quy tập K53 và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum thực hiện. Cùng với đó là câu chuyện của Đội tìm kiếm K93 đã tìm kiếm và quy tập, hồi hương được 3.293 hài cốt liệt sỹ, trong đó tại Campuchia là gần 2.000 ngôi mộ và xác định được danh tính là gần 400 ngôi.
Chương 3 - "Khát vọng hòa bình" là câu chuyện về "Lời hứa hòa bình" của những người thương binh trở về mang theo tinh thần lạc quan "tàn mà không phế", chung tay vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, đồng hành cùng đất nước khi sang những trang sử mới: trang sử của hòa bình, phát triển và phồn vinh. Đó là lời hứa thiêng liêng của những người còn sống với những đồng đội đã khuất: những hy sinh để đổi lấy hòa bình cho dân tộc, ấm no cho nhân dân, phồn vinh cho đất nước; câu chuyện về những thế hệ trẻ, mang khát vọng hòa bình vang xa với tấm lòng tri ân, tưởng nhớ thế hệ cha anh đã ngã xuống vì dân tộc.
Bên cạnh những câu chuyện đầy bi tráng về những thế hệ đã ngã xuống vì hòa bình, Chương trình còn có những tiết mục được đầu tư công phu tại các điểm cầu, tạo nên những điểm nhấn vô cùng ấn tượng như: Giao hưởng "Khúc tráng ca hòa bình", Liên khúc Lá xanh - Gửi anh đi đầu quân - Hát mãi khúc quân hành, liên khúc Kỷ niệm của tôi - Thời hoa đỏ, liên khúc Vết chân tròn trên cát - Tổ quốc gọi tên mình, Đóa hoa xanh, Lũy đá bất tử, Bài ca không quên, liên khúc Huyền thoại mẹ - Đất nước, Đất nước tình yêu, Một đời người, một rừng cây hay liên khúc Em như chim câu trắng - Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ…
+ Trước đó, chiều cùng ngày, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, tại Hà Giang, Đoàn công tác của lãnh đạo Đảng và Nhà nước do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Trưởng đoàn đã dâng hương tại Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ Mặt trận Vị Xuyên tại điểm cao 468.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn.
Dâng hương tại Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ Mặt trận Vị Xuyên tại điểm cao 468, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bày tỏ lòng thành kính thắp nén hương tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sỹ và đồng đội đã chiến đấu trên từng chiến hào, từng điểm cao để bảo vệ vững chắc mảnh đất thiêng liêng, nơi biên cương của Tổ quốc, hiến dâng trọn tuổi thanh xuân và cuộc đời mình vì từng tấc đất biên cương, bảo vệ sự toàn vẹn của Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã làm nên những chiến công hào hùng, bất khuất, tô thắm lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Đài hương 468 là nơi tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại Điểm cao 468, thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang. Công trình Đài hương 468 đã trở thành địa chỉ lịch sử-văn hóa góp phần tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đặc biệt, nơi đây đã ghi lại lời thề trên Báng súng của Liệt sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Ninh, dân tộc Mường, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”.