Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội Việt Nam
Bài 2: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”

Ts. Bùi Ngọc Thanh* 08/12/2015 08:04

Suốt 24 năm (1945 - 1969), là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, bao giờ Bác cũng chỉ đạo, sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.

>> Bài 1: ĐBQH phải một lòng phục vụ nhân dân

Tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa I, trong phiên họp ngày 31.10.1946, sau khi được QH nhất trí giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới, Bác đã phát biểu, “Lần này là lần thứ hai QH giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa... Bất kỳ QH ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận”(1). Bác tuyên bố, “Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước QH, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết(2). Trước đó, ngày 27.11.1945, Bác đã ký sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ sẽ bị phạt từ 5 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt số tiền gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Ngày 16.1.1946, Bác ký tiếp “quốc lệnh” khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình. Bác dạy rằng, pháp luật của ta “ phải thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(3). Bác giải thích, phải nghiêm trị như thế vì, “Tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và Chính phủ. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm. Vì nó không mang gươm, mang súng, nó nằm trong tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta”(4). Và như chúng ta đã biết, từ khi tuyên bố đến lúc đi xa, Bác đã lãnh đạo Đảng ta, nhân dân ta và quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện hết sức nghiêm túc, có hiệu quả cao công cuộc chống tham nhũng, quan liêu.

Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa I, tháng 3.1946 Ảnh: Tư liệu
Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa I, tháng 3.1946
 Ảnh: Tư liệu

Hiện nay tham nhũng, quan liêu như một căn bệnh tái phát nặng nề hơn, nghiêm trọng hơn và đã thành quốc nạn. Kẻ tham nhũng vừa trắng trợn, vừa ranh ma, vừa tinh quái hơn. Cuộc chiến chống tham nhũng cũng phức tạp hơn, khó khăn hơn bội phần. Đảng ta đã coi tham nhũng là một trong bốn nguy cơ lớn liên quan đến vận mệnh đất nước vì thế phải loại trừ, tận diệt. Trong đại bộ phận các cuộc tiếp xúc với ĐBQH, cử tri cả nước đều rất bức xúc và nêu yêu cầu rất cao với QH là phải chống quyết liệt, triệt để; phải thu hồi cho được tài sản; phải đưa ra ánh sáng công luận và xử lý thích đáng những kẻ tham nhũng, bất kể đó là ông to, bà lớn nào. ĐBQH các khóa trước với mức độ nhất định đã có đóng góp vào kết quả bước đầu của cuộc chiến đầy gian truân, nóng bỏng và quyết liệt này. QH hiện nay và các khóa tới chắc chắn với lòng nhiệt huyết, mưu trí, dũng cảm phải tiếp tục chiến đấu đạt kết quả cao hơn để tiến đến thực hiện trọn vẹn lời Bác dạy, “Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”(5).

________________

* Nguyên Ủy viên UBTVQH, nguyên Chủ nhiệm VPQH.
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, T4, tr. 427.
(3) Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật. Bộ Tư pháp, 1993, tr, 214.
(4) Như (3), tr, 104.
(5) Như 4, tr. 213.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội Việt Nam<br>Bài 2: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO