Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga

Hương Sen 07/11/2014 08:17

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, là người bạn thân thiết của nhân dân Liên Xô (cũ) và Liên bang Nga. Người đã dày công vun đắp và phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ký bản tuyên bố chung của Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế họp tại Moscow năm 1957
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ký bản tuyên bố chung của Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế họp tại Moscow năm 1957
Khi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân lên nước Nga Xô viết ngày 30.6.1923 và ở lại đến khoảng đầu tháng 10.1924, Người đã xác định đây là chặng đường quan trọng thứ hai, sau Pháp, để hoàn thiện và củng cố vững chắc hơn những luận điểm cơ bản về con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, khai mạc ngày 10.10.1923 và phát biểu tại hai phiên họp (phiên thứ nhất, ngày 10.10 và phiên thứ 7, ngày 13.10). Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân gồm 11 ủy viên. Trong năm 1924, ngoài tham dự sự kiện lớn là Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản (6.1924), Nguyễn Ái Quốc còn dự Đại hội lần thứ IV Quốc tế Cộng sản Thanh niên (6.1924), Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Cứu tế Đỏ (7.1924), Đại hội lần thứ ba Quốc tế Công hội Đỏ (7.1924), dự mittinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1.5), dự mittinh vì hòa bình thế giới (ngày 6.7.1924) tại Quảng trường Đỏ...

Theo Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, Ts Vũ Thị Minh Hương, quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tới Liên Xô đã được thể hiện sinh động, cụ thể qua 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tại triển lãm Hồ Chí Minh với nước Nga qua tài liệu lưu trữ, khai mạc sáng 6.11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong số này có một số tài liệu, hiện vật công bố lần đầu tiên như: giấy Thông hành số 1829 ngày 16.6.1923 của Đại diện Toàn quyền Liên bang CHXHCN Xô Viết tại Berlin, Đức, cấp cho Schen Vang (Nguyễn Ái Quốc). Trên giấy có ảnh Nguyễn Ái Quốc và có dấu của Trạm kiểm soát Biên phòng Cảng biển Petrograd (nay là Saint Petersburg) khi Người đặt chân đến đây ngày 30.6.1923. Hay giấy phép số 102 ngày 15.2.1924 của Cục Công sở Quốc tế Cộng sản đã cấp cho Nguyễn Ái Quốc, cán bộ của Quốc tế cộng sản để ra vào tòa nhà của Quốc tế Cộng sản; giấy ủy nhiệm số 164 cấp cho Nguyễn Ái Quốc, đại biểu của Đảng Cộng sản Pháp quyền tham dự các phiên họp Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản với tư cách là quan sát viên. Hay thẻ số 343 của Quốc tế cộng sản cấp cho Iuien (Nguyễn Ái Quốc) trong thời hạn một tháng để ra vào tự do ký túc xá LUX nằm trên phố Tverxkaia, nhà 35, TP Moscow, ngày 8.6.1924… Đây là những bằng chứng cho thấy, sau một thời gian bôn ba tìm đường cứu nước tại Pháp, Anh, Mỹ suốt từ năm 1911 khi Người rời bến cảng Nhà Rồng đến thời điểm đặt chân đến nước Nga để tìm con đường cứu nước, đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, chính từ đây với tư cách một Đảng viên Đảng cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc được tham gia các kỳ Đại hội Quốc tế cộng sản tại nước Nga, cũng là mong muốn tìm con đường theo Chủ nghĩa Mác - Lênin - Ts Vũ Thị Minh Hương nói.

Cũng trong thời gian này, nhiều bài viết của Người xuất hiện thường xuyên trên các báo và tạp chí: Inprekorr, L’Humanite’, Le Paria, Rabotnhitsha, Pravda, La Vie Ouvriere... Nguyễn Ái Quốc đã hòa nhập nhanh chóng trong môi trường mới và Người đã tranh thủ tận dụng tối đa những cơ hội mình có. Trên tất cả diễn đàn, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi sự chú ý ủng hộ của những người cộng sản ở chính quốc cho phong trào giải phóng ở các thuộc địa. Tình cảm của Người với Lênin thể hiện trong những bài viết ca ngợi vị lãnh tụ của Cách mạng tháng Mười Nga như một người thầy cách mạng vĩ đại của nhân dân các nước thuộc địa và là tấm gương đạo đức cao cả. Một bài xuất sắc trong số đó sau này được đánh giá như “thành tựu báo chí” của Nguyễn Ái Quốc trong lần đầu đến Liên Xô là Lênin và các dân tộc phương Đông (đăng báo Le Paria số 27, tháng 7.1924). Cho đến cuối đời, tình cảm của Hồ Chí Minh với Lênin và đất nước của Lênin vẫn không hề thay đổi.

Triển lãm Hồ Chí Minh với nước Nga qua tài liệu lưu trữ một lần nữa khẳng định Việt Nam và Liên bang Nga đã gắn bó trong những giây phút khó khăn nhất của các giai đoạn lịch sử, trong đó có công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nga tại Việt Nam Andrey G.Kovtun cho rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những đại diện vĩ đại của phong trào giải phóng trên thế giới. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, phấn đấu không mệt mỏi vì hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới. Người đã dày công vun đắp và phát triển tình hữu nghị giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Liên Xô (cũ) và Liên bang Nga. Triển lãm giúp các nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam sẽ có thêm chứng cứ mang giá trị cao nhằm khẳng định cuộc đời, con người cũng như quá trình đi tìm đường cứu nước đầy gian nan của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga.

 Kỷ niệm 97 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7.11.1917 - 7.11.2014), hướng tới kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga (1950 - 2015), sáng 6.11, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã khai mạc triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga qua tài liệu lưu trữ. Triển lãm do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Lưu trữ Liên bang Nga tổ chức. Triển lãm gồm ba phần: Người đi tìm hình của Nước (1911 - 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Liên Xô/Liên bang Nga (1945 - 1969) và Quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO