Phân cấp quản lý giáo dục đại học là vấn đề rất quan trọng trong phát triển giáo dục đại học hiện nay, đang được dư luận quan tâm. Báo Đại biểu Nhân dân đã cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về vấn đề này.
Sáp nhập vào đại học quốc gia, đại học vùng sẽ xóa bỏ phân cấp
- Thưa Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam, ông nhận định thế nào về việc phân cấp quản lý đại học của Việt Nam hiện nay?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Theo tôi, việc phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục (GD) đại học của Việt Nam (bao gồm cả cao đẳng) trước đây đã từng được thực hiện khá tốt. Nhưng đến nay, khoảng hai chục năm lại đây các nhà quản lý giáo dục đã phần nào có “chểnh mảng” việc trên.
Hiện tại tình hình có thể nói là không được tốt. Năm 2019 Luật Giáo dục đã định chế rõ về phân cấp quản lý giáo dục (QLGD) (trong đó có đại học), tại điều 105: “…Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục… Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình…” và nêu cụ thể các các nhiệm vụ phải thực hiện.
Như thế là Luật và một số Nghị quyết của Trung ương đã nói rõ. Đến nay chúng tôi chưa thấy một Nghị định hay thông tư nào của Nhà nước hướng dẫn chi tiết về việc phân cấp quản lý đại học. Điều này khiến mỗi nơi thực hiện theo mỗi cách. Sự khác biệt lại càng bộc lộ rõ trong việc “Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục”.
Do không được chính quyền sở tại đầu tư đúng mức nên một số trường đại học công lập địa phương lâm vào khó khăn (trước nhất là tài chính). Thay vì “Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học của trường công lập thuộc phạm vi quản lý” một số UBND tỉnh “chạy trốn” trách nhiệm bằng cách đẩy trường đến các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường Trung ương trọng điểm.
Việc phân cấp, phân tầng một số trường cho địa phương quản lý là xuất phát từ yêu cầu khách quan của thực tiễn. Nay nếu đem sáp nhập vào với đại học quốc gia, đại học vùng thì cũng có nghĩa là xóa bỏ phân cấp.
Phân cấp như tôi hiểu là sự phân giao, phân công giữa các cấp. Khi có nhiều cấp thì cần có phân cấp cho rõ ràng công việc và trách nhiệm. Đó là phương pháp quản lý khoa học, cần thiết. Chứ không phải như ai đó nói rằng nước ta nhỏ nên không cần phân cấp, nước họ lớn nên họ phân cấp. Nước ta không nhỏ đâu, lớn hơn rất nhiều nước kể cả một số cường quốc (nói về quy mô dân số). Mà việc phân cấp không phải là do to và nhỏ.
Không nên "thâu tóm" tập trung hết về cấp Trung ương, dồn về một cửa, mà cần "ba thứ quân" để sử dụng sức mạnh tổng hợp như trước đây đã từng chiến thắng trong vệ quốc. Ngoài những yêu cầu chung thì mỗi địa phương đều có những yêu cầu cụ thể cần đáp ứng về nguồn nhân lực.
Mặt khác, qua thực tế cho thấy, có không ít sự nhầm lẫn về các khái niệm, giữa quản lý nhà nước và làm chủ quản chẳng hạn. Thế là có vấn đề về nhận thức, về các quy định giải thích chưa đủ rõ.
Tôi nghĩ, quản lý nhà nước chủ yếu là việc đề ra các quy định luật lệ, chính sách và theo dõi giám sát thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật đó. Còn chủ quản như hiện nay thì rất nhiều trường hợp cơ quan ấy làm "ông chủ" nắm hầu hết quyền điều hành, mọi người phải "qua cửa" ông kiểm soát và cho phép. Trong khi tự chủ là một thuộc tính của đại học. Nếu không được tự chủ thì coi như chưa có đại học đủ trưởng thành.
Đó là chưa kể đến tình trạng phải đi xin phép nhiều quá, cơ sở đào tạo vất vả lắm, mà trong đó rất nhiều việc tôi nghĩ là có thể và nên giao cho cơ sở tự quyết định, không cần phải đi xin phép như vậy, tốn kém nhiều thứ, rồi phải thu học phí tăng lên để bù đắp, đổ lên vai người học và gia đình phụ huynh.
Không cắt khúc, phân mảnh hệ thống giáo dục quốc dân làm mất tính hệ thống
- Hiện nay Bộ GD-ĐT đang dự thảo Đề án về phân cấp quản lý đại học. Về vấn đề này, Hiệp hội đã từng có quan điểm. Ông có thể cho biết những nội dung chính trong quan điểm của Hiệp hội?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Chúng tôi chưa được đọc dự thảo ấy, nên chưa thể bình luận gì. Còn quan điểm riêng của Hiệp hội thì có thể nói mấy ý sau đây. Trước tiên phải làm rõ các khái niệm liên quan. Tiếp theo là về nội dung phân cấp cái gì cho ai. Cần nêu rõ thế nào là quản lý nhà nước về giáo dục đại học, gồm có những việc gì, trong đó việc gì do cấp trung ương và việc gì phân cấp cho địa phương giải quyết. Và cũng cần nói rõ chủ quản (nếu có) là chủ quản cái gì (để phân biệt giữa quản lý nhà nước và chủ quản).
Hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm những cấp học nào, cấp độ đào tạo nào. Theo chúng tôi, cần thống nhất đầu mối quản lý nhà nước ở cấp bộ đối với giáo dục đại học. Việc tham mưu đề ra và hướng dẫn thực hiện các quy định về chính sách, luật lệ đối với giáo dục đại học theo hệ thống giáo dục quốc dân giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (trừ các trường có tính đặc thù của quân sự và công an). Còn các bộ chuyên ngành khác nếu có thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước thì đó là đối với các hoạt động đào tạo thuộc khu vực ngoài hệ thống giáo dục quốc dân.
Không cắt khúc, phân mảnh hệ thống giáo dục quốc dân làm mất tính hệ thống, vì giáo dục là một quá trình nối tiếp, liên tiếp, kế thừa và phát triển, cần liên thông khớp nối giữa các cấp học theo hệ thống mở.
Cũng theo chúng tôi, hệ thống giáo dục quốc dân gồm: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học nghề nghiệp, cao đẳng, đại học (cử nhân), thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, từ cao đẳng đến tiến sĩ gọi chung là giáo dục đại học. Các trường đại học và cao đẳng được tự chủ về quản trị, không còn chủ quản như lâu nay nữa (chỉ còn chủ quản đầu tư về nguồn ngân sách nhà nước đối với công lập và tiền của nhà đầu tư đối với ngoài công lập để kiểm soát việc thực hiện đầu tư đúng theo dự án được duyệt). Chủ đầu tư đối với nguồn vốn của ngân sách nhà nước là do sự phân công của nhà nước về các đầu mối quản lý ngân sách.
Chúng tôi nghĩ việc quản lý nhà nước các cơ sở giáo dục đại học như đã nói nên có sự phân cấp hợp lý cho địa phương cấp tỉnh thành phố trực thuộc TW nếu những cơ cở đó được thành lập ra chủ yếu để đáp ứng chiến lược phát triển KT-XH của chính các địa phương đó hoặc do Chính phủ xét thấy đơn vị đó cần thiết nhiều cho việc thúc đẩy địa phương phát triển. Không nên tập trung hết về TW.
Nói chung, phần lớn các trường cao đẳng và đại học cộng đồng công lập cũng như các trường ngoài công lập có thể phân giao cho địa phương. Tất nhiên như phần trên đã nói đều thống nhất đầu mối quản lý nhà nước (về xây dựng chính sách, pháp luật và hướng dẫn thực thi pháp luật) về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn cấp Trung ương nên tập trung quản lý các trường trọng điểm (phục vụ chiến lược phát triển đất nước ở tầm quốc gia) là chính.
Nhân đây tôi cũng xin nói thêm rằng nên suy nghĩ cân nhắc về việc có thể đề nghị với cấp có thẩm quyền cho nghiên cứu khớp nối hệ thống các trường chính trị (có cấp văn bằng đại học, cao đẳng) với hệ thống giáo dục quốc dân nói chung thành các trường đại học và cao đẳng theo hướng đa ngành mà trong đó khoa học chính trị là ngành chính. Khi đó sẽ hiệu quả hơn.
Tương tự như vậy cũng nên nghiên cứu hệ thống các đơn vị nghiên cứu khoa học để sáp nhập và gắn kết với giáo dục đại học, vì nghiên cứu và giảng dạy đại học cần đi song hành với nhau, cùng nhau, hổ trợ qua lại, mà lực lượng nghiên cứu khoa học thì nhiều nhất là ở các trường đại học.
Còn việc phân giao cho cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương quản lý theo chúng tôi nghĩ thì đó chủ yếu là quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước phân giao cho cấp tỉnh, kiểm tra việc thực thi các chính sách của nhà nước đối với giáo dục đại học, thẩm định nhân sự đối với các trường công lập, và một số công việc hành chính khác về trật tự xã hội, bảo vệ môi trường... do chính phủ phân cấp. Địa phương có thể cử đại diện tham gia hội đồng trường, ngoài ra không can thiệp vào công việc gì thuộc chuyên môn và quản trị tự chủ của nhà trường.
- Như vậy, theo Hiệp hội, việc phân cấp cho chính quyền địa phương quản lý giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng hiện nay có phù hợp với Luật Giáo dục hiện tại?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Chúng tôi nghĩ là phù hợp. Điều này đã được thể hiện tại Khoản 5 Điều 105 Luật Giáo dục sửa đổi 2019. Luật đã qui định rõ 2 cấp được thực hiện chức năng quản lý nhà nước các hoạt động giáo dục đại học là trung ương và địa phương. Ở cấp trung ương, Bộ giáo dục và Đào tạo là đơn vị tham mưu và thay mặt Chính phủ thực hiện hoạt động quản lý nhà nước nói chung (về xây dựng chính sách, qui phạm pháp luật…) và trực tiếp quản lý một số cơ sở đại học trọng điểm theo chương trình quốc gia. Chính quyền địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với phần việc và các cơ sở giáo dục đại học còn lại.
Lưu ý rằng chỉ có 2 cấp đó được qui định trong Luật; không có cấp hoặc tổ chức nào khác được phân cấp quản lý các cơ sở giáo dục đại học.
Cần thay đổi nhận thức về giá trị thương hiệu của một trường đại học
- Cơ sở giáo dục đại học phân cấp về cho địa phương quản lý khác với việc xem cơ sở giáo dục đó là cơ sở của địa phương. Hiện nay có tư duy cho rằng hễ giao cho địa phương quản lý, tức đó là trường của địa phương. Ông có nhận xét gì về cách nghĩ này?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Theo tôi, những trường đại học công lập của địa phương, được chính quyền địa phương đăng ký thành lập để đáp ứng chủ yếu nhu cầu phát triển nhân lực và nâng cao mặt bằng dân trí cho cộng đồng dân cư tại địa phương thì gọi là trường đại học địa phương. Các trường đại học địa phương này chịu quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
Trường đại học địa phương muốn phát triển tốt thì phải được chính quyền và cộng đồng địa phương chăm lo giúp đỡ và tạo các điều kiện cần thiết, từ ngân sách, đất đai, mặt bằng và các hạ tầng liên quan, được thực sự xem là "đứa con đẻ" của mình, không bị bỏ đói lay lắt với lý lẽ biện minh là “tự chủ”. Khi trưởng thành thì trường đó sẽ hết lòng phục vụ địa phương.
Cần thay đổi nhận thức rằng, giá trị thương hiệu của một trường đại học là do chất lượng đầu ra và kết quả nghiên cứu khoa học của nó chứ không phải là nó thuộc cấp nào, trung ương hay địa phương, thành phần nào sở hữu hay tên gọi ghi trong quyết định hành chính. Nước ta sao cứ phải ghi là trường quốc gia, quốc tế…mới là oai? Trong khi tốp các trường đại học danh tiếng đứng đầu thế giới thì hầu hết là trường ngoài công lập không vì lợi nhuận và phần lớn cũng được phân cấp cho địa phương quản lý.
Trong phân cấp cho địa phương thực hiện quản lý nhà nước đối với các trường đại học, cao đẳng, cũng cần xét đến đặc điểm của địa phương đó. Các thành phố lớn là các trung tâm kinh tế, văn hóa của đất nước có nhu cầu nhiều về chuẩn bị nguồn nhân lực và có điều kiện tài chính mạnh hơn so với các tỉnh thì có thể và cũng nên phân cấp nhiều hơn để các thành phố đó cùng góp sức với đất nước về phát triển đại học. Mà đó cũng chính là công việc phát triển thành phố trung tâm ấy theo nhiều cách hiểu.
Chúng tôi biết có trường hợp một trường đại học trẻ ban đầu là trường địa phương (trực thuộc UBND Thành phố là trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước), được chính quyền Thành phố quan tâm, động viên giúp đỡ, cho được vay vốn “kích cầu”, giải quyết đất đai, nên chỉ chưa đầy 10 năm sau, trường đã có những bước tiến rất đáng kể: thành mô hình đi đầu về “tự chủ đại học”; không nhận ngân sách nhà nước; được các tổ chức quốc tế như THE, ARU, USNews xếp hạng đại học tăng nhiều bậc. Nhưng sau khi được chuyển quản lý về một cơ quan cấp trung ương làm chủ quản (không có chuyên môn về giáo dục) thì ít năm sau, đại học này đã sa sút nhiều mặt, tụt bảng xếp hạng rất nhiều bậc. Rất buồn vì những chuyện như thế. Trong khi đó đã có chủ trương của Bộ Chính trị về việc chuyển các cơ sở dịch vụ công về địa phương quản lý (chỉ trừ những đơn vị trực tiếp phục vụ công việc cho cơ quan chủ quản).
Việc thành lập trường nên thoáng mở, chủ yếu là quản lý đầu ra
- Theo ông, ngoài Nghị quyết 19/NQ-TW và qui định của Luật, việc giao cơ sở giáo dục đại học về cho địa phương quản lý cần có những cơ sở khoa học nào để giúp việc phân cấp quản lý đại học tốt hơn, phù hợp với quản lý đại học mà các nước tiên tiến đang thực hiện?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Theo tôi, đã gọi là đại học thì nơi ấy phải là một trung tâm tri thức và có nhiều trí thức đang làm việc, tại đó những người quản lý tôi nghĩ là họ có đủ sức thông thái để hiểu luật và quản trị đơn vị. Chỉ cần làm luật cho đúng và viết cho rõ ràng, nhất quán, không mâu thuẫn cản trở lẫn nhau giữa luật này và luật khác thì họ sẽ làm tốt, mà không cần phải quản lý theo kiểu "quá chặt" đến mức không làm được, không sáng tạo được.
Lâu nay tôi nghĩ không ít trường hợp quy định cho thật "chặt chẽ" và do đó phải "chạy" nhiều, trong khi lãnh đạo thì cứ hô hào phải cải cách thủ tục hành chính. Bỏ thủ tục này lại thêm thủ tục khác, xu hướng chung là tập trung hóa về quyền lực, bộ máy thì phình thêm ra mà công việc thì cũng tự nhiều thêm lên một cách vô cớ, giải quyết không hết, rồi lại phải xin thêm bộ máy, và phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần về nhiệm vụ tinh gọn bộ máy.
Việc thành lập trường nên thoáng mở để có nhiều trường mà không phải chạy. Chủ yếu là quản lý đầu ra. Người ta xin lập trường là việc đáng khuyến khích (chứ đâu phải đáng ngăn cản).
Chúng tôi được biết một số nước phát triển họ quản lý các thủ tục thành lập trường đại học rất thoáng mở, Mỹ là một trong số đó, cấp Trung ương (Liên Bang) chỉ đề ra chính sách, còn giao hết cho các bang giải quyết, nói chung ai muốn thành lập thì thành lập (theo quy định), chủ yếu là họ quản lý đầu ra, khi hoạt động thì có trách nhiệm giải trình và có hiệp hội tham gia "thẩm định"...Đó là chưa nói về tự chủ quản trị và tự do học thuật – lĩnh vực này họ đi trước ta rất nhiều.
- Xin trân trọng cám ơn TS Vũ Ngọc Hoàng!