Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Hữu Mộc: Bỏ HĐND cấp huyện, sức ép đối với HĐND cấp tỉnh là rất lớn
Bỏ HĐND cấp huyện, sức ép đối với HĐND tỉnh là rất lớn, đồng thời sẽ làm suy yếu quyền lực nhà nước ở địa phương – từ góc nhìn thực tiễn, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH HẢI DƯƠNG NGUYỄN HỮU MỘC chia sẻ với PV Báo NĐBND và cho rằng: khi lực lượng chuyên trách của HĐND tỉnh quá mỏng và năng lực của HĐND cấp xã còn hạn chế như hiện nay thì không nên đặt vấn đề xóa bỏ HĐND cấp huyện...
|
PV: Theo Ông, việc bỏ HĐND cấp huyện đặt ra trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa như thế nào?
CT Nguyễn Hữu Mộc: Tôi cho là ý tưởng thì tốt. Nhưng trong điều kiện hiện nay thì đã nên thực hiện hay chưa là chuyện cần phải hết sức cân nhắc. HĐND cấp huyện có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình xây dựng chính quyền nhà nước 4 cấp. Vấn đề bỏ hay không bỏ cũng cần phải tổ chức tổng kết, đánh giá nghiêm túc xem thực chất, trong thời gian qua, HĐND cấp huyện đã thực hiện vai trò, chức năng của cơ quan dân cử cấp trung gian như thế nào.
PV: Cá nhân Ông thấy việc bỏ HĐND cấp huyện trong thời điểm hiện nay đã nên hay chưa?
CT Nguyễn Hữu Mộc: Theo tôi thì không nên bỏ HĐND cấp huyện. Nếu bỏ HĐND huyện thì việc quyết định các vấn đề quan trọng ở cấp huyện sẽ chỉ tập trung vào cơ quan hành chính thôi, không có sự giám sát của cơ quan dân cử do người dân ủy quyền. Như thế, tôi cho là không có lợi cho quá trình điều hành, quản lý của cơ quan hành chính cũng như tiến trình dân chủ hóa của chúng ta.
Tôi nghĩ, vấn đề quan trọng nhất là trao quyền cho HĐND đến đâu chứ không phải là xóa bỏ hoàn toàn HĐND cấp huyện. Kể cả HĐND cấp tỉnh và cấp xã cũng vậy, nếu chúng ta không trao quyền đầy đủ cho HĐND thì hoạt động ở cấp nào cũng hình thức và mờ nhạt mà thôi. Vừa qua, thực hiện chủ trương phân cấp theo quyết định 210 của Chính phủ về xây dựng cơ bản, phân cấp quản lý đầu tư và ngân sách. Tỉnh phân cấp xuống huyện thì mọi quyết định hoặc giám sát việc thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách và đầu tư xây dựng cơ bản ở cấp huyện đều thuộc thẩm quyền của HĐND cấp huyện... Nếu bỏ HĐND cấp huyện thì ai sẽ là người quyết định những vấn đề đó? Rồi tâm tư, nguyện vọng của người dân, của cử tri về những vấn đề thuộc phạm vi, thẩm quyền của HĐND cấp huyện sẽ phải gửi đến đâu?
Tôi cũng không rõ ý tưởng bỏ HĐND cấp huyện có phải vì e ngại bộ máy nhà nước cồng kềnh, biên chế nặng nề hay không. Nếu là lý do đó thì có nhiều cơ quan, ban ngành cần phải giảm biên chế hơn chứ không phải là bỏ hẳn cơ quan đại diện cho người dân ở cấp huyện như vậy.

PV: Nhưng người dân vẫn còn có những “người đại diện” khác như ĐBQH, đại biểu HĐND cấp xã và đại biểu HĐND tỉnh?
CT Nguyễn Hữu Mộc: Đồng ý là người dân hiện nay có tới 4 người đại diện, nếu bỏ HĐND cấp huyện thì cũng vẫn còn đến 3 người đại diện. Nhưng tâm tư, nguyện vọng của người dân về những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của chính quyền cấp huyện thì có thường xuyên mang lên diễn đàn của HĐND tỉnh hay QH mà giãi bày được không? Cấp xã thì vượt quá thẩm quyền, chắc chắn là không thể xử lý được. Việc bỏ HĐND cấp huyện, tôi cho là sẽ tạo ra một khoảng trống ở địa phương.
PV: Theo quan điểm của Ông thì nếu bỏ HĐND cấp huyện sẽ làm yếu cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương?
CT Nguyễn Hữu Mộc: Tôi cho là như thế. Cấp huyện sẽ không còn người giám sát, không còn người phản biện, người dân cũng sẽ chẳng có nơi nào để bàn bạc những vấn đề lớn của huyện mình nữa. Tất nhiên, HĐND tỉnh sẽ phải quán xuyến nhiều hơn nhưng vấn đề là hoạt động chủ yếu của HĐND là tại 2 Kỳ họp một năm thôi. Muốn giám sát thường xuyên thì phải tiến hành vào thời gian giữa 2 Kỳ họp. Nhưng theo Luật thì Thường trực HĐND không phải là một cơ quan, không được trao quyền đầy đủ và cũng chỉ hoạt động theo nhiệm kỳ thôi. Ngoài Thường trực HĐND tỉnh thì các Ban của HĐND có địa phương là Trưởng ban chuyên trách, có địa phương Trưởng ban không chuyên trách, thành viên chuyên trách cũng không có thì ngay cả việc bảo đảm chất lượng các quyết định và hoạt động giám sát cùng cấp đã rất khó khăn thì lấy đâu ra người, lấy đâu ra thời gian mà giám sát cấp dưới? Trong khi đó, HĐND cấp xã rất yếu, và thực tế thì vai trò của HĐND cấp xã cũng có quyết định được gì nhiều đâu. Với việc bỏ HĐND cấp huyện, tôi cho là chúng ta đặt quá mức vai trò của HĐND cấp xã thì đã đúng chưa? Ở trong phạm vi một huyện thì HĐND huyện có điều kiện giám sát việc thực thi pháp luật, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân trong huyện... chứ bỏ đi thì đương nhiên cấp huyện chỉ còn cơ quan hành chính, tự nhiên lại bị hẫng đi. Những vấn đề liên quan sát sườn đến quyền lợi của người dân, liên quan đến tương lai vận động phát triển của cả huyện đó nếu không đem ra bàn với dân, bàn với đại biểu của dân thì bàn với ai? Nên đối xử công bằng, dân ở huyện hay tỉnh thì cũng phải có nơi để người ta thể hiện tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của người ta. Người dân ở huyện không thể mang những vấn đề thuộc giới hạn, phạm vi của huyện lên đến tận tỉnh mà bày tỏ được. Giờ UBND huyện trở lại là cơ quan hành chính vừa đá bóng vừa thổi còi, không ai giám sát thì sẽ như thế nào?
PV: Nhưng thực tế thì HĐND cấp huyện từ trước đến nay hoạt động cũng khá hình thức?
CT Nguyễn Hữu Mộc: Đúng là trước đây, hoạt động của HĐND cấp huyện rất hình thức, hời hợt. Mọi vấn đề trong một tỉnh đều có HĐND tỉnh làm hết, về HĐND cấp huyện thì chỉ thông qua cho đúng thủ tục thôi. Tỉnh làm hết, quyết định hết thì về huyện có cái gì mà bàn nữa? Nhưng bây giờ phân cấp đầu tư xây dựng cơ bản và phân bổ, thu chi ngân sách cho huyện rồi, HĐND huyện phải xem xét, quyết định các nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể thì UBND huyện mới triển khai thực hiện và HĐND huyện cũng mới có căn cứ để mà giám sát chính quyền huyện có làm đúng không, có lạm quyền không, có xâm phạm đến lợi ích chung của người dân hay không?
Đã từng là đại biểu HĐND huyện 7 Khóa liền, tôi cho rằng, hoạt động của HĐND huyện hình thức không phải vì bản thân nó hình thức mà là do cơ cấu đại biểu, do chúng ta có trao quyền cho HĐND huyện một cách đầy đủ hay không mà thôi.
PV: Với HĐND tỉnh thì việc bỏ HĐND cấp huyện có tác động gì không, thưa Ông?
CT Nguyễn Hữu Mộc: Sức ép sẽ là rất lớn. Và HĐND tỉnh sẽ phải với tay xuống tận các xã, phường.
PV: Việc bỏ HĐND cấp huyện sẽ đòi hỏi trách nhiệm nhiều hơn từ HĐND tỉnh là điều dễ nhìn thấy. Nhưng vấn đề là HĐND tỉnh có đủ sức để “với tay” không?
CT Nguyễn Hữu Mộc: Trong điều kiện hiện nay thì HĐND tỉnh không đủ sức để với xuống tận xã, phường được. Tôi lấy ngay ví dụ thế này, HĐND tỉnh Hải Dương chỉ có 6 đại biểu hoạt động chuyên trách. Với lực lượng mỏng như vậy thì ngay cả việc giám sát các cơ quan công quyền cùng cấp đã rất khó khăn rồi, nếu phải quán xuyến cả 263 xã, phường nữa thì chắc chắn HĐND tỉnh không kham nổi.
PV: Vậy, theo Ông, nếu không xóa bỏ thì nên trao quyền cho HĐND cấp huyện đến đâu?
CT Nguyễn Hữu Mộc: Như tôi đã nói, hoạt động của HĐND huyện nói riêng, cơ quan dân cử nói chung mang tính hình thức không phải là do tự bản thân nó hình thức mà là chúng ta chưa trao đủ quyền, chưa tạo điều kiện để các cơ quan này thực hiện vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Giải pháp quan trọng nhất và sâu xa nhất là phải thay đổi cơ chế bầu cử, phải có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo và lựa chọn cho HĐND những đại biểu xứng đáng, có trí tuệ, có tầm nhìn và trách nhiệm với cộng đồng...
PV: Xin cám ơn sự chia sẻ của Ông!