Khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 10
Bà Christine Lagarde đưa ra những phát biểu trên tại Phiên điều trần của Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ Nghị viện châu Âu diễn ra vào 30.9.
Bà cho biết: “những diễn biến gần đây đã củng cố niềm tin rằng lạm phát sẽ sớm quay trở lại mức mục tiêu đề ra”, đồng thời nhấn mạnh, ECB sẽ cân nhắc yếu tố này trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 10 tới, làm cơ sở quan trọng để quyết định mức lãi suất mới.
Bà Lagarde nhắc lại rằng ECB cam kết sẽ kịp thời đưa lạm phát dài hạn xuống mức mục tiêu là 2%, báo hiệu rằng nhiệm vụ khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát vẫn chưa kết thúc. "Chúng ta đã tiến một chặng đường dài trong cuộc chiến chống lạm phát".
Lạm phát thấp hơn có thể tạo thêm dư địa cho ECB cắt giảm thêm lãi suất chuẩn, sau 2 lần cắt giảm trong năm nay. Trong tháng 9 vừa qua, ECB thông báo cắt giảm lãi suất tiền gửi thêm 0,25%, xuống mức 3,5%, sau một động thái tương tự vào tháng 6. Trước đó, các nhà kinh tế dự kiến ECB sẽ chờ cho đến tháng 12 để đưa ra quyết định về việc hạ lãi suất. Vì trước đó, ECB dự báo lạm phát ở khu vực đồng euro sẽ trở lại mức 2% vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, phát biểu mới nhất của bà Lagarde cho thấy điều này có thể xảy ra sớm hơn dự kiến, củng cố kỳ vọng của các nhà quan sát về khả năng tiếp tục giảm lãi suất.
Lạm phát của toàn khu vực Eurozone sẽ sớm được công bố, với dự đoán sẽ giảm xuống 1,8%. Thời gian qua, ECB đã nỗ lực để kiềm chế tình trạng tình trạng lạm phát dai dẳng với mức đạt đỉnh 10,6% vào tháng 10.2022. Tỷ lệ này giảm xuống 5,2% vào tháng 9.2023 và giảm xuống 2,2% vào tháng 8 năm nay.
Bà Lagarde nhận định "có khả năng" con số lạm phát tháng 9 sẽ gần mức 2% và thấp hơn kịch bản cơ sở mà ECB đưa ra trong các dự báo kinh tế trước đó. Theo người đứng đầu ECB, điều này cho thấy "cuộc chiến chống lạm phát đang tiến triển tốt và quá trình giảm phát đang diễn ra đúng hướng".
Chính sách tiền tệ thắt chặt kìm hãm kinh tế Eurozone
Cũng tại phiên điều trần, bà cho biết, chính sách tiền tệ thắt chặt mà ngân hàng Trung ương áp dụng để ứng phó với tình trạng giá cả tăng cao, đã tác động đến nền kinh tế khu vực đồng euro, vốn đã trì trệ kể từ cuối năm 2022. Ngoài ra, những yếu tố khác, bao gồm cú sốc giá năng lượng và bất ổn địa chính trị gia tăng cũng được cho là nguyên nhân khiến nền kinh tế châu Âu phục hồi chậm.
Bà cho biết, tăng trưởng kinh tế khu vực phục hồi vào đầu năm 2024, điều này chủ yếu nhờ xuất khẩu và chi tiêu của chính phủ. Trong khi đó, nhu cầu nội địa yếu, đầu tư kinh doanh giảm, thị trường nhà ở ảm đảm cùng nhiều yếu tố khác được xác định là những rào cản đối với đà phục hồi.
Kết quả khảo sát được công bố ngày 23.9 cho thấy hoạt động kinh doanh ở Eurozone đã bất ngờ giảm mạnh trong tháng 9.2024, khi ngành dịch vụ chững lại, trong khi lĩnh vực chế tạo đi xuống.
Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp sơ bộ của HCOB, do S&P Global thu thập, đã giảm từ mức 51,0 của tháng 8 xuống 48,9 trong tháng 9, thấp hơn mức dự đoán 50,5 được đưa ra trước đó trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2 chỉ số này xuống dưới mức 50 – mức phân biệt giữa tăng trưởng và suy giảm.
Trong đó, chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ giảm từ 52,9 xuống 50,5, thấp hơn tất cả các dự đoán trong cuộc thăm dò của hãng tin (Reuters). Còn chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo, vốn ở dưới mức 50 suốt hơn hai năm nay, đã giảm từ 45,8 xuống 44,8, thấp hơn mức dự đoán 45,6.
Sự sụt giảm này diễn ra sâu rộng tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong khi Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone – đã đảo chiều đi xuống sau khi được thúc đẩy trong tháng 8 nhờ Thế vận hội (Olympic) Paris 2024.
Ông Bert Colijn, chuyên gia của ngân hàng ING, nhận định số liệu trên làm gia tăng những lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Eurozone khi nỗi lo về lạm phát đã dịu xuống.