ECB sẽ chưa vội giảm lãi suất
Phát biểu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, bà Lagarde cảnh báo cơ quan tài chính châu Âu không nên cắt giảm lãi suất vội vàng vì điều này có thể khiến tỷ lệ lạm phát tăng trở lại. Bà cho rằng rủi ro kinh tế của việc cắt giảm lãi suất quá nhanh sẽ lớn hơn nguy cơ để chúng quá cao.
Trước đó, bà Lagarde viết trên nền tảng truyền thông xã hội X: “Chúng tôi đang đi đúng hướng trong cuộc chiến chống lạm phát”. “Nhưng chúng tôi sẽ không hét lên chiến thắng trước khi tự tin rằng lạm phát sẽ ổn định ở mức 2%”.
Theo dữ liệu được công bố hôm 17.1 từ Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU), lạm phát hàng năm ở khu vực đồng euro là 2,9% trong tháng 12, tăng từ mức 2,4% một tháng trước đó. Con số này thấp hơn nhiều so với mức đỉnh mọi thời đại được ghi nhận vào cuối năm 2022, nhưng cũng thể hiện sự phục hồi đáng kể trong một tháng sau khi sụt giảm liên tục trong những tháng gần đây.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm cao nhất trong tháng 12 được ghi nhận ở Slovakia (6,6%), Croatia (5,4%) và Áo (5,7%).
Tại Anh, quốc gia không thuộc EU và cũng không thuộc khu vực đồng euro, lạm phát thậm chí còn cao hơn, ở mức 4% trong tháng 12, tăng từ mức 3,9% trong tháng 11, theo dữ liệu công bố hôm 17.1. Văn phòng Thống kê quốc gia nước này cho biết đây là lần tăng lạm phát đầu tiên kể từ tháng 2.2023.
Để kiềm chế lạm phát, vốn được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng năng lượng phát sinh từ cuộc chiến ở Ukraine, ECB đã tăng lãi suất trong 10 cuộc họp liên tiếp trước khi giữ nguyên lãi suất cơ sở tiền gửi chủ chốt ở mức 4% - mức cao nhất kể từ khi phát hành đồng tiền chung euro năm 1999.
Ngân hàng Anh bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn ECB và duy trì lâu hơn, tăng lãi suất trong 14 cuộc họp liên tiếp lên mức cao nhất trong 15 năm là 5,25% trước khi giữ nguyên lãi suất kể từ tháng 8.
Sự thận trọng cần thiết
Duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt với lãi suất cao là công cụ chính của các chính phủ để chống lạm phát, vì làm điều này sẽ làm giảm cung tiền và khiến các nhà đầu tư hấp dẫn hơn trong việc giữ tiền tiết kiệm thay vì chi tiêu. Nhưng đây là một chính sách có tác động hai mặt, với mặt trái có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế. Tương tự như vậy, việc giảm lãi suất sẽ làm tăng cung tiền và có thể thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Khi lạm phát bắt đầu chậm lại trên khắp khu vực đồng euro và các nơi khác ở châu Âu vào cuối năm 2023, các nhà đầu tư bắt đầu suy đoán rằng ECB có thể chuẩn bị bắt đầu sớm hạ tỷ lệ lãi suất cao kỷ lục. Tuy nhiên, nhận xét mới nhất của bà Lagarde đã dội gáo nước lạnh vào những hy vọng đó.
Domenico Lombardi, giám đốc Cơ quan quan sát chính sách tại Đại học LUISS ở Rome, nói với Tân Hoa xã: “Tỷ lệ lạm phát đang dần dần ổn định và tiên lượng là lãi suất sẽ giảm hơn nữa vào năm 2024”. Nhưng các nhà hoạch định chính sách đang thận trọng vì tình trạng của các nền kinh tế châu Âu rất mong manh do nhiều cú sốc kinh tế trong những năm gần đây”. Ông Lombardi chỉ ra nguyên nhân bắt nguồn từ đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng năng lượng và sự chậm lại trong thương mại toàn cầu.
Các thị trường tài chính phản ứng tiêu cực trước những xu hướng mới nhất của chính sách tài chính, với hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán lớn ở châu Âu đều giảm ít nhất 1% trong phiên giao dịch dày đặc hôm 1.17, đồng euro giảm giá so với đồng đô la Mỹ và các đồng tiền chính khác.