Hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

- Thứ Hai, 15/03/2021, 06:48 - Chia sẻ
Hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, quy trình các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử đang được tiến hành nghiêm túc theo luật định. Bầu được những đại biểu xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của mình chính là mong muốn của cử tri. Do đó, việc giới thiệu người ra ứng cử cũng như hiệp thương để lựa chọn danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND các cấp ngoài bảo đảm các tiêu chuẩn luật định, các cơ quan, đơn vị và các bậc cử tri cũng cần lưu ý tới nhiệt huyết của ứng cử viên, có tâm để làm đại biểu dân cử hay không.

Phải có thời gian dành cho hoạt động dân cử

Không ít lần cử tri và Nhân dân phàn nàn về tình trạng đại biểu dân cử sau khi được bầu không thấy tham gia các hoạt động TXCT cũng như liên hệ với cử tri địa phương nơi được bầu như đại biểu đã hứa khi vận động bầu cử… Cử tri thất vọng vì bầu xong rồi lời hứa của đại biểu theo gió cuốn bay mất và được giải thích do… đại biểu bận công tác. Một lần, hai lần còn có thể thông cảm được, nhưng trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, có đại biểu số lần vắng mặt tại các cuộc TXCT theo kế hoạch đã vượt qua con số 3. “Quá tam ba bận”, nếu cảm thấy không sắp xếp được thời gian dành cho hoạt động của cơ quan dân cử thì tốt nhất cơ quan, đơn vị, tổ chức không nên giới thiệu kẻo tốn thời gian, tiền bạc của Nhân dân.

	Bầu được những đại biểu xứng đáng chính là mong muốn của cử tri
Bầu được những đại biểu xứng đáng chính là mong muốn của cử tri

Không phải ngẫu nhiên Điều 7, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 lại đưa 1 trong số tiêu chuẩn của đại biểu HĐND là có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND, trước tiêu chí liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm. Sở dĩ như vậy là vì anh có đủ điều kiện tham gia các hoạt động của cơ quan dân cử thì mới sắp xếp được thời gian, phương pháp để liên hệ với Nhân dân, lắng nghe dân, có gần gũi thì dân mới biết, mới hiểu và mới tín nhiệm. Nếu đại biểu bận không có đủ điều kiện tham gia các hoạt động thì Nhân dân cũng chẳng biết đại biểu là ai, như thế nào để mà tín nhiệm và đương nhiên không gần gũi, không liên hệ thì sẽ chẳng lắng nghe nổi tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Đại biểu đại diện cho dân mà xa rời Nhân dân như thế liệu có nên giới thiệu không? Có nên tín nhiệm để đưa vào danh sách chính thức hay không?

Vấn đề ở đây là làm sao xác định được ai không đủ điều kiện tham gia hoạt động của HĐND? Trước hết, cần rà soát trong số đại biểu dự kiến cơ cấu giới thiệu tái cử, Thường trực HĐND thống kê đánh giá việc tham gia các hoạt động của HĐND đối với người dự kiến giới thiệu, nếu người này tham gia chưa đầy đủ các hoạt động của HĐND thì tốt nhất không nên đưa vào giới thiệu, đồng thời cung cấp thông tin cho cơ quan, đơn vị người đó công tác. Một kênh nữa chính là bản thân người được giới thiệu, phải tự đánh giá được mình có sắp xếp được công việc và bảo đảm các điều kiện khác để tham gia hoạt động của HĐND hay không? Ngoài ra, cử tri nơi công tác và nơi cư trú cũng cần đánh giá một cách khách quan đến với người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND qua kênh lấy ý kiến cử tri.

Theo Điều 103, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND. Ngoài tự soi các tiêu chuẩn, ứng cử viên cũng cần xem xét xem có dành được ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND hay không? Nếu xét thấy chưa bảo đảm thì tốt nhất nên nhường cơ hội lại cho người xứng đáng.

Chọn và giới thiệu được người có tâm

Bác Hồ từng dạy cán bộ “Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”. Người được lựa chọn giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cũng vậy, đầu tiên phải chọn giới thiệu cho được những người biết tôn kính dân, phải thanh khiết, nghĩa là phải có tâm. Tâm ở đây ngoài nghĩa là có đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư thì còn có nghĩa là tâm huyết, là nhiệt tình là sự đeo bám đến cùng các vấn đề chính đáng mà Nhân dân tin tưởng, trao gửi.

Làm sao để giới thiệu và hiệp thương để chọn ra được ứng viên đại biểu có tâm? Trước hết, ngoài chọn ứng viên đại biểu có đủ điều kiện tham gia hoạt động của HĐND và các tiêu chuẩn như luật định, cần có thông tin và đánh giá về người dự kiến được giới thiệu cho đến khi được lập danh sách sơ bộ đưa vào hiệp thương lần 3. Đầu tiên phải soát trong số đại biểu đương nhiệm nếu có đủ điều kiện tái cử thì chọn những người tâm huyết, có đóng góp cho hoạt động của HĐND. Việc đánh giá, theo dõi qua biên bản các kỳ họp HĐND, qua đánh giá của cử tri và trực tiếp là Thường trực HĐND - cơ quan thường trực của HĐND rõ nét nhất.

Hiện nay, có một số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đã có những người được cử tri tín nhiệm bầu. Nếu đủ tự tin tự mình ứng cử không qua giới thiệu chứng tỏ ứng cử viên đã chuẩn bị tốt tâm thế cho việc làm người đại diện cho dân. Đây cũng là một kênh để lựa chọn đại biểu có tâm - không phải ai tự ứng cử cũng không bảo đảm tiêu chuẩn và thực tiễn đã chứng minh rất rõ việc này.

Cuối cùng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã định hướng giảm hợp lý số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp và cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, nên hạn chế giới thiệu và đưa vào danh sách chính thức người ứng cử đại biểu dân cử ở khối cơ quan hành pháp và cơ quan quản lý nhà nước tham gia hoạt động của cơ quan dân cử. Bởi dù cố gắng đến mấy chăng nữa thì các đại biểu ở khối hành pháp cũng không tránh khỏi cách nghĩ của dư luận là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh