Tại cuộc gặp với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng, Hồi giáo, Di cư và Người Morocco ở nước ngoài của Hạ viện Marocco, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà vui mừng nhận thấy, quan hệ hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và Morocco được quan tâm thúc đẩy; đánh giá cao sự hợp tác giữa hai Quốc hội thông qua các hoạt động trao đổi đoàn và sự phối hợp tại các diễn đàn nghị viện quốc tế, trong đó có AIPA.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khẳng định ủng hộ và sẵn sàng phối hợp để Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả hoạt động của các nhiệm kỳ trước đây, là cầu nối thiết thực thúc đẩy hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng nêu rõ, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để thúc đẩy quan hệ giữa Morocco với các nước ASEAN.
Cảm ơn và nhất trí với những đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng, Hồi giáo, Di cư và Người Morocco ở nước ngoài của Hạ viện Marocco cho rằng, Morocco và Việt Nam có lịch sử quan hệ hữu nghị hợp tác lâu đời; khẳng định Morocco coi trọng và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam; mong muốn tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng, Hồi giáo, Di cư và Người Morocco ở nước ngoài cảm ơn Việt Nam ủng hộ Morocco tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), AIPA… Đồng thời, mong muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy các hoạt động giao thương để thúc đẩy phát triển kinh tế, cho biết Morocco sẵn sàng là “cánh cổng” để Việt Nam kết nối với các nước châu Phi.
Đánh giá cao quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp, là một trong những kênh quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng, Hồi giáo, Di cư và Người Morocco ở nước ngoài bày tỏ mong muốn, Việt Nam ủng hộ Morocco đối với vấn đề Tây Sahara.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khẳng định, Việt Nam ủng hộ giải quyết vấn đề Tây Sahara thông qua đàm phán hòa bình giữa các bên trực tiếp liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam cho rằng cần tìm kiếm một giải pháp công bằng, lâu dài, thỏa đáng và chấp nhận được đối với các bên liên quan phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên Hợp Quốc vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào quá trình thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, ông Vũ Hải Hà nêu rõ.
+ Tại cuộc tiếp Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách đối ngoại và Hợp tác liên nghị viện, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Ukraine tham dự AIPA-45Oleksandr Merezhko, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cảm ơn những đánh giá tốt đẹp về đất nước, con người và mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Ukraine; đánh giá cao Ukraine đã tham gia tích cực vào các hoạt động của AIPA kể từ khi trở thành Quan sát viên của AIPA.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Ukraine tiếp tục được duy trì và thúc đẩy, kể cả trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19 cũng như khi tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến quan hệ giữa các quốc gia trong các khu vực và trên thế giới. Lãnh đạo hai bên duy trì tiếp xúc song phương bên lề các diễn đàn quốc tế. Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Ukraine Zelensky trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản (tháng 5.2023) và bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (tháng 1.2024). Mới đây nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp Tổng thống Ukraine bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (tháng 9.2024).
Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách đối ngoại và Hợp tác liên nghị viện Oleksandr Merezhko cho biết Ukraine đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam và quan hệ hai nước có bước phát triển tốt đẹp. Trong thành phần đoàn tham dự Đại hội đồng AIPA-45 lần này có đại biểu đã đến Việt Nam và tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu (tháng 9.2023). Đồng thời nêu rõ, khu vực ASEAN là một ưu tiên trong quan hệ hợp tác của Ukraine với các nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Oleksandr Merezhko cũng chia sẻ về tình hình Ukraine và cuộc xung đột giữa Ukraine với Nga; bày tỏ ngưỡng mộ với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam; mong Việt Nam ủng hộ quan điểm việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực cần phải được tôn trọng theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Về xung đột giữa Nga và Ukraine, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nêu rõ, Việt Nam hết sức quan ngại về tình hình xung đột hiện nay; Việt Nam tiếp tục kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cũng khẳng định, lập trường nhất quán của Việt Nam là tất cả các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là hoan nghênh, ủng hộ các nỗ lực trung gian hòa giải quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho xung đột với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào quá trình thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, ông Vũ Hải Hà nêu rõ.
+ Tại cuộc gặp với Phái đoàn Na Uy do thành viên đoàn nghị sĩ Na Uy, nguyên Phó Thủ tướng Na Uy Erna Solberg làm Trưởng đoàn, hai bên đã trao đổi sâu rộng về mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Na Uy, đặc biệt là hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng tái tạo, hàng hải, và hợp tác quốc tế.
Hai bên khẳng định mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong nhiều năm qua, đặc biệt trong các lĩnh vực biển, rừng, và năng lượng tái tạo. Chính phủ Việt Nam và Na Uy đang tích cực thảo luận nhằm thiết lập và nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược cũng như tập trung đẩy hợp tác về kinh tế biển và hàng hải. Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hải Hà nêu rõ, Việt Nam kỳ vọng sự hỗ trợ từ Na Uy trong quá trình chuyển đổi năng lượng, cùng với sự tham gia của các đối tác quốc tế.
Về hợp tác kinh tế và thương mại, hai bên đang trong quá trình đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), bao gồm Na Uy.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ nhiêm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, Việt Nam nhất quán quan điểm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Hai bên cũng chia sẻ quan ngại về các vấn đề an ninh hàng hải và sự cần thiết bảo đảm tự do hàng hải, hàng không tại khu vực Biển Đông. Đây là tuyến đường quan trọng, chiếm khoảng 60-70% khối lượng thương mại toàn cầu.
Về cạnh tranh nước lớn, hai bên nhất trí quan điểm không đi với nước này chống lại nước kia, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc, tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Về hợp tác nghị viện, hai bên mong muốn tăng cường quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước thông qua trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Quốc hội Việt Nam vừa có đoàn đại biểu của Ủy ban Tư pháp sang thăm, làm việc tại Na Uy; mong sớm đón các nghị sĩ Na Uy sang thăm, làm việc tại Việt Nam
+ Tại cuộc gặp Thượng Nghị sĩ Canada Yuen Pau Woo, hai bên nhất trí cho rằng, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Canada đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Đặc biệt, việc nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác toàn diện vào năm 2017 đã tạo cơ sở để thúc đẩy hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và giao lưu văn hóa.
Về hợp tác kinh tế, Việt Nam và Canada đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đây là cơ sở để quan hệ thương mại song phương có bước phát triển mạnh mẽ, tập trung vào các lĩnh vực, như nông sản, thuỷ sản và sản phẩm công nghệ. Nghị sĩ Canada mong muốn thúc đẩy ký kết FTA song phương để mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước.
Hai bên cũng trao đổi sâu rộng về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực, như cơ sở hạ tầng, giáo dục, ngoại giao và quốc phòng… Trong đó, về giáo dục, Canada là một trong những điểm đến hàng đầu của sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đại học. Hiện có khoảng 20.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Canada với nhiều chương trình hợp tác trao đổi học bổng giữa các trường đại học hai nước. Các cơ hội học bổng và chương trình trao đổi giữa Việt Nam và Canada tiếp tục được mở rộng.
Về ngoại giao và quốc phòng, hai nước duy trì quan hệ ngoại giao tích cực và thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Canada trong các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là lập trường của Canada về Biển Đông, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Hai bên vui mừng nhận thấy, quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước phát triển tốt đẹp. Việt Nam mong các nghị sĩ ủng hộ việc cử đoàn nghị sĩ Canada tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ sẽ diễn ra tại Cần Thơ vào tháng 1.2025.