Chủ nghĩa độc tôn Mỹ đã lỗi thời

Huỳnh Vũ 21/10/2013 08:31

Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và có tầm ảnh hưởng toàn cầu, vì vậy những đấu đá nội bộ không còn là chuyện “đóng cửa bảo nhau”. Do đó, những gì mà nước Mỹ vừa trải qua và nguy cơ về các ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với thế giới đặt ra câu hỏi: đây có phải là thời điểm thích hợp để kiến tạo một thế giới không còn bị Mỹ hóa hay không?

Là cường quốc hùng mạnh nhất thế giới vươn lên từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, các nhà lãnh đạo Mỹ luôn theo đuổi mục tiêu xây dựng một đế chế toàn cầu thông qua áp đặt một trật tự thế giới hậu đại chiến, rót tiền cho công cuộc tái thiết của châu Âu, khuyến khích sự thay đổi chính thể tại các nước mà Washington coi là đối địch.

Trong nhiều thập kỷ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ dường như không có đối thủ trên cả phương diện kinh tế và quân sự. Tự tin vào sức mạnh của mình, Chú Sam đã tự nhận về mình vai trò “sen đầm quốc tế” với tuyên bố rằng các lợi ích cốt lõi của Washington là bảo vệ thế giới, cũng như tự cho mình quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và các khu vực khác. Nói cách khác, chiến lược lâu dài của Mỹ là xây dựng một thế giới Mỹ hóa, trong đó Mỹ đóng vai trò trung tâm và có khả năng chi phối. Để hiện thực hóa tham vọng này, Chính phủ Mỹ đã dàn trải nguồn lực của mình cho các hoạt động đối ngoại ngầm, trong đó có cả tra tấn tù nhân chiến tranh, cho phép máy bay do thám không người lái thực hiện các vụ không kích gây thương vong cho dân thường nhưng dán mác truy lùng khủng bố ở quốc gia khác, và thậm chí là do thám lãnh đạo của một số nước. Các cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động tại Iraq, Afghanistan trong hơn một thập kỷ qua sau sự kiện 11.9.2001 đã kéo theo nhiều hệ lụy, lớn nhất là bạo lực, nghèo đói và chia rẽ sắc tộc sâu sắc tại những nước này. Nói cách khác, hòa bình kiểu Mỹ dường như không mang lại bình yên cho các nước có sự tham chiến của binh lính Mỹ.

Không những vậy, việc Washington lơi lỏng quản lý hoạt động của các “đại gia” tài chính như ngân hàng tại phố Wall và thị trường địa ốc với lập luận rằng cần để cho các thể chế này vận hành theo quy chế thị trường, không chịu sự chi phối của các cơ quan công quyền là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của nhiều ngân hàng có máu mặt, gây ra cuộc khủng hoảng địa ốc và tác động tới kinh tế thế giới mà hậu quả là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ Cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 1930 của thế kỷ trước.

Gần đây, thế giới lại nín thở chờ đợi những động thái hòa giải của chính giới Mỹ để Chính phủ liên bang mở cửa trở lại và nước Mỹ không bị vỡ nợå, tránh cho các nước khác những hệ lụy tiêu cực. Câu chuyện dài kỳ về sự đối đầu giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ thực chất là bài học cho thấy các chính khách ở Washington luôn sẵn sàng viện tới quân bài “miệng hố chiến tranh” mà không quan tâm tới hậu quả.

Trong khi đó, thế giới ngày càng trở nên đa cực và theo xu hướng toàn cầu hóa. Một thế giới đơn cực hay hai cực đã trở nên lỗi thời với sự lớn mạnh của nhiều nền kinh tế mới nổi khác, trong đó phải kể tới các nước châu Á, khu vực Đông Nam Á, một số nước lớn ở châu Phi và khu vực Mỹ Latin. Bão tài chính vừa qua được coi là phép thử năng lực của các nước đang phát triển và những nước này đã trở thành đầu tàu vượt khủng hoảng, đồng thời tạo động lực cho quá trình phục hồi trong giai đoạn hậu suy thoái. Thực tế này đòi hỏi một trật tự thế giới mới cân bằng hơn, trong đó lợi ích và chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước được tôn trọng và dựa trên luật pháp quốc tế, trên tinh thần hòa bình và hòa giải thay vì áp đặt và bạo lực. Trong các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng Thế giới…, đại diện các nước mới nổi mong muốn có tiếng nói có trọng lượng hơn, tương xứng với những đóng góp cho nền kinh tế thế giới nói chung và mỗi thể chế này nói riêng. Nói cụ thể hơn, một thế giới không bị Mỹ hóa là phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thời đại. 

Giới chuyên gia nhận định, khởi đầu cho một thế giới cân bằng hơn trước tiên là mỗi quốc gia phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có tôn trọng chủ quyền, độc lập dân tộc và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Hơn nữa, Liên Hiệp Quốc phải đóng vai trò trung tâm trong giải quyết các vấn đề nóng của thế giới, đồng nghĩa với việc không một nước nào được phép đơn phương can thiệp vũ trang mà không có sự ủy quyền của thể chế đa phương lớn nhất toàn cầu này.

Ngoài ra, hệ thống tài chính thế giới cũng cần phải có những cải cách cơ bản. Rõ ràng, trong một cục diện thế giới nhiều biến động hiện nay chồng chéo các lợi ích đa phương và song phương, không có chỗ cho chủ nghĩa độc tôn Mỹ, mà thay vào đó là sự tương hỗ để cùng tồn tại hòa bình.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chủ nghĩa độc tôn Mỹ đã lỗi thời
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO