Nỗi lo mới trong cuộc chiến chống Covid-19

Chủ nghĩa dân tộc vaccine

- Thứ Tư, 03/02/2021, 07:08 - Chia sẻ
Mối quan hệ giữa Anh và châu Âu đang trở nên căng thẳng sau khi EU cáo buộc quốc gia cựu thành viên cố tình không đáp ứng hợp đồng cung cấp vaccine trước đó. Giới chuyên gia cho rằng, các biện pháp trả đũa lẫn nhau đang làm lộ rõ "chủ nghĩa dân tộc vaccine", điều có thể dẫn đến xung đột kinh tế và chính trị sâu rộng hơn, làm gián đoạn chiến lược hợp tác toàn cầu chống Covid-19.

Tranh chấp

Chính phủ Đức hôm 31.1 dọa kiện những cơ sở không cung cấp đủ vaccine Covid-19 cho khối Liên minh châu Âu (EU) như lịch trình đã cam kết. "Nếu các công ty không tuân thủ nghĩa vụ của họ, chúng tôi sẽ phải cân nhắc hành động pháp lý" - Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier ám chỉ Công ty AstraZeneca (Anh) thiên vị nước nhà khi khẳng định với báo Die Welt.

	Người dân Anh xếp hàng chờ tiêm vaccine - CNN
Người dân Anh xếp hàng chờ tiêm vaccine
Nguồn: CNN

EU tuần trước thể hiện sự tức giận với AstraZeneca, sau khi hãng dược này thông báo họ hiện chỉ có thể cung cấp 25% lượng vaccine đã cam kết cho EU trong quý I.2020 vì hoạt động sản xuất bị gián đoạn tại một nhà máy ở Bỉ. Trong khi đó, quá trình bàn giao vaccine AstraZeneca cho Anh vẫn diễn ra gần như đúng tiến độ, giúp chương trình tiêm chủng của nước này đi trước so với các nước còn lại ở châu Âu. EU rất tức giận khi cho rằng công ty này đang dần hoàn tất quá trình giao vaccine cho Vương quốc Anh và "ngó lơ" EU. EU thậm chí đã tiến hành kiểm tra nhà máy của AstraZeneca tại Brussels, Bỉ, để bảo đảm rằng lời giải thích cho sự chậm trễ là thỏa đáng. Trong khi đó, hãng tin AP cho rằng, do EU đặt mua vaccine từ sớm với giá rẻ nên không loại trừ khả năng nhà sản xuất muốn trì hoãn để bán cho các nước khác với giá cao hơn.

Theo Bloomberg, dữ liệu mới nhất cho thấy EU chỉ triển khai được 2,6 liều tiêm/100 người, so với 12,5 liều ở Anh và 8,8 liều ở Mỹ. Cùng với tuyên bố của AstraZeneca, dữ liệu này khiến giới lãnh đạo châu Âu vừa lo sợ vừa giận dữ. "Chính sách ngoại giao vaccine đã biến thành chính sách cướp vaccine" - Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic bức xúc.

Dằn mặt

Trong một động thái mang tính dằn mặt các hãng dược và London, đêm 29.1, EU tuyên bố sẽ thắt chặt các quy định về xuất khẩu vaccine Covid-19 qua biên giới Cộng hòa Ireland (thuộc EU) sang Vương quốc Anh.

Căng thẳng leo thang từ đêm 29.1 (giờ địa phương), khi EU đề xuất thắt chặt kiểm soát xuất khẩu vaccine. Thậm chí, Ủy ban châu Âu (EC) còn tuyên bố có thể cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 tại các nhà máy sản xuất đặt ở các nước thành viên EU. Theo đó, các nhà máy tham gia hợp đồng mua bán vaccine sẽ phải xin cấp phép xuất khẩu vaccine tới các quốc gia ngoài khối. Kế hoạch xuất khẩu cũng phải được đệ trình trước 3 tháng. EU cũng cảnh báo, nếu vaccine Covid-19 bị xuất sang các nước thứ ba với mục đích thu thêm lợi nhuận, EU sẽ sử dụng "tất cả các biện pháp có thể để ngăn chặn".

Theo các quan chức EU, việc siết chặt xuất khẩu vaccine sẽ buộc các công ty dược phẩm phải khai báo cụ thể về số lượng cũng như điểm đến của bất kỳ lô vaccine nào. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng cho biết có thể giành quyền kiểm soát sản xuất vaccine nếu những biện pháp trên là chưa đủ để những liều tiêm đầu tiên được đưa đến tay người dân EU.

EU cũng công bố dự thảo luật cho phép khối này hạn chế xuất khẩu các loại thuốc và hoạt chất thiết yếu. Điều này có thể tác động trực tiếp tới hãng dược Pfizer và AstraZeneca - những công ty đặt phần lớn nhà máy sản xuất vaccine chủ chốt tại quốc gia châu Âu là Bỉ. Phía EU khẳng định: "Biện pháp này không nhằm vào bất kỳ ai", đồng thời công bố danh sách hàng chục quốc gia được miễn trừ các biện pháp kiểm soát, bao gồm những nước có thu nhập thấp. Tất nhiên, Vương quốc Anh không nằm trong danh sách này.

Hệ thống cấp phép xuất khẩu vaccine, theo kế hoạch của EU, sẽ phản ánh đúng những gì châu Âu áp dụng đối với các thiết bị bảo vệ cá nhân như khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ hồi năm ngoái. Biện pháp mới này sẽ kéo dài đến cuối tháng 3 và có khả năng sẽ được gia hạn. Theo các quan chức EU, mục tiêu chính là hướng tới sự minh bạch trên thị trường vaccine.

Quyết định mới này hiện vấp phải sự phản đối kịch liệt của Vương quốc Anh, trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp giữa EU và hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh leo thang. Giới quan sát cho rằng, các quy định mới được coi như "sự trả thù" của EU trước việc công ty dược của Anh không tôn trọng những hợp đồng đã ký kết về việc cung ứng vaccine phòng Covid-19.

"Vấn đề không phải là châu Âu muốn được bàn giao đầu tiên, mà châu Âu muốn được bàn giao công bằng" - Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn khẳng định, đồng thời nhấn mạnh ông muốn bảo đảm rằng toàn bộ khách hàng của AstraZeneca "bị ảnh hưởng như nhau" bởi trục trặc trong khâu sản xuất như hãng dược này đã thông báo.

Nguy cơ chiến tranh vaccine

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trước đó bóng gió về việc sử dụng quyền hạn đặc biệt trong hiệp ước của khối, vốn sẽ giúp EU can thiệp vào quá trình sản xuất vaccine. Theo đó, EU có thể buộc các nhà sản xuất chia sẻ công thức, cơ sở sản xuất, thậm chí tịch thu bằng sáng chế. Tuy nhiên, quyền hạn này chỉ được thực hiện như biện pháp cuối cùng.

Tuy nhiên, theo Liên đoàn các ngành công nghiệp và hiệp hội dược phẩm châu Âu, "các biện pháp trả đũa trong thời điểm nhạy cảm này sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai". Thậm chí, Phòng Thương mại Quốc tế còn quan ngại, "tác động từ các nước thứ ba có thể xói mòn các chuỗi cung ứng thiết yếu".

Mặc dù phía EU khẳng định mục tiêu cuối cùng của quy tắc trên nhằm bảo đảm rằng các quốc gia thành viên EU nhận được vaccine theo đúng hợp đồng, liên minh này vẫn vấp sự phản đối kịch liệt từ WHO khi cho rằng các quy tắc xuất khẩu mới là "không hữu ích", thậm chí có thể châm ngòi mâu thuẫn với Anh sau khi nước này chính thức hoàn tất việc rút khỏi EU.

Trong khi đó, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại, căng thẳng về nguồn cung vaccine ở châu Âu có thể dẫn đến xung đột kinh tế và chính trị sâu rộng hơn, làm gián đoạn chiến lược hợp tác toàn cầu chống Covid-19. Nếu chính phủ các nước triển khai những bước đi "hung hăng", các nước còn lại có thể hành động đáp trả bằng việc "giam" những lô hàng chứa thành phần quan trọng để sản xuất vaccine hay lên kế hoạch tự sản xuất dù biết tham vọng này sẽ rất khó thực hiện nếu không có sự trợ giúp từ các nhà sản xuất - theo chuyên gia thương mại quốc tế Simon Evenett của Trường ĐH St. Gallen (Thụy Sỹ). Khẳng định kịch bản này có thể gây ra "phản ứng dây chuyền ở nhiều nơi, ngay cả những nơi ít ngờ nhất", Giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới Phòng ngừa dịch bệnh (CEPI) Richard Hatchett kêu gọi các nước "không phản ứng thái quá".

Đạt Quốc