Chủ nghĩa dân tộc hóa tài nguyên: Con dao hai lưỡi

Huỳnh Vũ 25/03/2012 07:37

Chính sách chủ nghĩa dân tộc hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chính phủ Indonesia đang gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại quốc gia vạn đảo này. Tuy nhiên, theo các nhà lập pháp, đạo luật mới liên quan tới các dự án sở hữu và khai thác mỏ là cần thiết để bảo vệ các nguồn lực khoáng sản của đất nước, hướng tới các mục tiêu dài hạn.

Theo đạo luật chính thức có hiệu lực từ tháng này, các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải chia sẻ ít nhất 51% lợi nhuận của mình cho các đối tác trong nước trong vòng 10 năm. Bộ Năng lượng và khoáng sản Indonesia lập luận rằng quy định này nhằm đảm bảo các doanh nghiệp trong nước được tiếp cận các nguồn lợi khoáng sản của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế lâu dài của chính phủ. Ngoài ra, người dân các địa phương giàu tài nguyên cũng được hưởng lợi từ các dự án khai mỏ, từ đó tái đầu tư để bảo vệ môi trường và bù đắp cho những tác động xấu (có thể có) trong quá trình khai thác năng lượng.

Indonesia hiện là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là nước có trữ lượng khoáng sản chưa khai thác lớn nhất thế giới – chủ yếu là các mỏ thiếc, nikel, đồng và vàng. Nguồn tài nguyên thiên nhiên này đã khiến Indonesia trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khai mỏ. Theo số liệu của chính phủ, năm ngoái đầu tư nước ngoài vào Indonesia đã lên con số kỷ lục – 20 tỷ USD – trong đó có 3,6 tỷ USD là đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng. Nền kinh tế nước này cũng tăng 6,5% - mức tăng trưởng mơ ước trong bối cảnh kinh tế thế giới còn đối mặt với nhiều khó khăn. Indonesia tiếp tục duy trì được sự ổn định kinh tế và chính trị trong suốt một thập kỷ qua. Thực tế này khiến người dân mong muốn được hưởng lợi nhiều hơn từ sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Dự luật về chia sẻ lợi nhuận trong lĩnh vực khai khoáng đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Indonesia từ năm ngoái sau làn sóng biểu tình, đình công kéo dài ba tháng của công nhân làm việc tại các mỏ đồng và vàng thuộc sở hữu tập đoàn Freeport-McMoRan của Mỹ. Cuộc đình công chỉ chấm dứt sau khi giới chủ đồng ý tăng 37% lương cho công nhân. Sau nhiều cuộc thảo luận, các nghị sĩ Indonesia đã nhất trí thông qua dự luật mới, tồn tại song song với một đạo luật về khai khoáng được phê chuẩn năm 2009 nhằm cải thiện môi trường đầu tư để bảo vệ tối đa lợi ích của người dân.

Các nhà đầu tư đã lập tức phản ứng khá mạnh với văn kiện mới này, cho rằng chính phủ Indonesia đã gửi đi những thông điệp khó hiểu và không nhất quán trong chính sách khuyến khích đầu tư của mình khi giờ đây chuyển thái cực bảo hộ trong nước. Theo tư vấn viên Julian Hill của Deloitte, nếu như Luật Khai mỏ năm 2009 lần đầu tiên cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép khai thác toàn bộ và sở hữu 100% doanh nghiệp của mình, thì luật mới ban hành được coi là “bản án tử hình”.

Ông David Quinlivan, “sói già” trong lĩnh vực khai mỏ, lại không ngạc nhiên về đạo luật mới được ban hành. Hợp tác với một công ty trong nước, Churchill được quyền sử dụng và khai thác khoáng sản trên diện tích 35.000ha ở tỉnh Borneo, nơi được kỳ vọng có trữ lượng than đá khoảng 100 triệu tấn. Vào năm 2010 Churchill phát hiện mỏ than đá có trữ lượng lên tới 2,8 tỷ tấn, hứa hẹn mang lại khoản lợi nhuận lên tới 1 tỷ USD/năm trong 25 năm liên tiếp. Sau khi các số liệu được công khai, chính quyền địa phương đã rút giấy phép hoạt động của Churchill và khu đất này được trao cho một công ty trong nước. Từ thời điểm đó, các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng cảm thấy khá bất an. Vụ việc này cũng cho thấy những khó khăn nhất định khi làm ăn tại một nước phi tập trung hóa với quyền cấp giấy phép hoạt động được trao cho 399 cơ quan địa phương.

Không dừng ở đó, Indonesia dự định năm 2014 sẽ ban hành luật về xuất khẩu khoáng sản thô, không cho phép người nước ngoài “rút ruột” và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Indonesia không phải là nước duy nhất mong muốn gia tăng lợi nhuận từ ngành khai khoáng trong bối cảnh nhu cầu năng lượng của thế giới gia tăng mạnh. Trong những năm gần đây, Australia, Ghana và Nam Phi đã lần lượt ban hành các đạo luật mới hoặc áp các mức thuế mới liên quan tới ngành khai khoáng.

Trong báo cáo năm ngoái của hãng kiểm toán Ernst & Young, chủ nghĩa dân tộc hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã trở thành nguy cơ toàn cầu lớn nhất trong ngành khai mỏ. Trước nhất, đó là sự bất mãn của các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng khiến họ sẽ rút dần vốn. Điều này cũng đồng nghĩa nhiều công nhân bản địa sẽ mất việc làm. Thêm vào đó, các dự luật sẽ không chỉ liên quan tới ngành khai khoáng mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý chung của giới đầu tư nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Vì thế, trước mỗi bước đi, các nhà  lập pháp sẽ phải đặt lên bàn cân nhiều yếu tố để đảm bảo cân bằng giữa các phần lợi ích quốc gia.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chủ nghĩa dân tộc hóa tài nguyên: Con dao hai lưỡi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO