Chủ động thích ứng rào cản phi thuế quan
Theo các chuyên gia, không thể loại bỏ hoàn toàn rào cản phi thuế quan, vốn gắn liền với mục tiêu quản lý chính đáng. Tuy nhiên, chủ động nắm bắt thông tin biến động về thị trường, về chính sách; chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong dây chuyền sản xuất sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao năng lực tuân thủ, tiếp cận tốt hơn thị trường quốc tế.
“Mắc cạn” vì rào cản
Trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, bà Chu Kiều Liên, Giám đốc Công ty T&M Forwarding, Chi nhánh Hà Nội, “rất đồng cảm với các doanh nghiệp” về các rào cản phi thuế quan như kỹ thuật, kiểm dịch, kiểm định chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… “Có những sản phẩm cần giấy phép của 2 bộ mới đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa”, bà Liên cho biết. Điều này làm tăng chi phí của doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí lưu kho. Với hàng thường, chi phí lưu kho 20 - 40 USD/ngày, tương đương 1 triệu đồng, với hàng lạnh là 2 - 3 triệu đồng/ngày.

Hiện, chi phí logistics của Việt Nam khá cao, chiếm khoảng 16,8 - 17% GDP, trong khi mức trung bình của thế giới là 10,6%. “Một phần nguyên nhân do rào cản phi thuế quan như thủ tục không đồng nhất, thời gian kéo dài, tốn kém chi phí”, bà Chu Kiều Liên đúc rút.
Theo định nghĩa của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), rào cản phi thuế quan là các biện pháp chính sách ngoài thuế quan có khả năng gây ảnh hưởng đến thương mại quốc tế bằng cách làm thay đổi khối lượng hoặc giá trị hàng hóa giao dịch. Rào cản phi thuế quan thường dưới hình thức các chính sách bảo vệ sức khỏe, an toàn, môi trường, hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật và hành chính, khiến doanh nghiệp khó lường và khó phản ứng kịp thời. Cũng theo UNCTAD, chi phí thương mại do rào cản phi thuế quan chiếm 2 - 4 % giá trị hàng hóa.
Bà Nguyễn Mai Phương, Luật sư điều hành, Trưởng chi nhánh Hà Nội, Công ty Luật KPMG tại Việt Nam, cho biết năm 2021, có hơn 1.000 rào cản thương mại phi thuế quan trên toàn thế giới, gây tác động rất lớn với thương mại toàn cầu. Năm 2024 - 2025 có khoảng 300 - 500 biện pháp mang tính chất phân biệt đối xử thường niên được một số quốc gia tung ra, làm tăng số lượng các rào cản phi thuế quan, thắt chặt các khuôn khổ quản lý khác.
Cũng theo bà Phương, các hiệp định thương mại tự do khiến thuế quan gần như biến mất, để lại các sản phẩm bị “quản lý chặn” bởi các rào cản phi thương mại. Báo cáo APTIR 2019 chỉ ra, khoảng 58% thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng bởi các rào cản phi thuế quan.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu thường vướng phải tình trạng thời gian cấp phép kéo dài, chi phí lưu kho tăng, yêu cầu ghi nhãn phức tạp, bắt buộc nhiều thông tin trên nhãn. Trong khi, các doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp rào cản khi chứng nhận sản phẩm của Việt Nam không được đối tác công nhận, phải kiểm tra lại từ đầu, gây tốn kém và chậm trễ. Thêm vào đó, sự khác biệt lớn về tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, yêu cầu xuất xứ... cũng khiến nhiều lô hàng bị ách tắc, bà Phương cho biết.
Tại hội thảo “Gỡ rào cản phi thuế quan vì thịnh vượng chung ASEAN” mới đây, bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết, một số thị trường xuất khẩu thủy sản trọng điểm của nước ta như Thái Lan, Malaysia có những tiêu chuẩn ngặt nghèo về kháng sinh, điều kiện sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu ghi nhãn… Trong khi đó nhiều doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực và chi phí để đáp ứng đầy đủ.
Ví dụ, đối với biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS), xét nghiệm dư lượng kháng sinh trong tôm có thể tốn 100 - 500 USD/mẫu ở một số nước ASEAN. Việc kiểm tra kiểm dịch tại cảng có thể làm chậm lô hàng từ 1 - 7 ngày, tùy thuộc vào quốc gia và hiệu quả của cơ quan địa phương… Hoặc để xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo vốn chiếm khoảng 40% dân số ASEAN, yếu tố quan trọng là sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều tổ chức chứng nhận Halal được nước bạn công nhận. Việc xin chứng nhận Halal từ các cơ quan như JAKIM của Malaysia hoặc MUI của Indonesia có thể tốn 1.000 - 10.000 USD mỗi cơ sở, với phí gia hạn hàng năm từ 500 - 5.000 USD. Quy trình xin chứng nhận có thể mất 1 - 6 tháng, tùy thuộc quốc gia.
Nâng cao năng lực tuân thủ cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, không thể loại bỏ hoàn toàn rào cản phi thuế quan, vốn gắn liền với mục tiêu quản lý chính đáng. Tuy nhiên, các giải pháp thích ứng và hài hòa sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao năng lực tuân thủ, tiếp cận tốt hơn thị trường quốc tế.
Những biện pháp hiện nay được các nước, bao gồm khu vực ASEAN, áp dụng là tất yếu của thị trường, “việc của doanh nghiệp là phải thích ứng”, để xâm nhập vào các thị trường sâu hơn, được thừa nhận nhiều hơn, bà Lê Hằng nói. Theo đó, một mặt, doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thông tin về những biến động của thị trường, về chính sách, quy định, về cung - cầu, từ đó thay đổi kịp thời chiến lược về thị trường. Doanh nghiệp cũng phải cập nhật thông tin thị trường, quy định trong nước và của nước ngoài bằng việc nâng cao năng lực thông qua các chương trình tập huấn, hội nghị, hội thảo…
Mặt khác, các doanh nghiệp phải chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong dây chuyền sản xuất để có được sản phẩm phù hợp với phân khúc khác nhau của các thị trường; sử dụng khoa học, công nghệ để xây dựng dây chuyền sản xuất riêng, đáp ứng yêu cầu chứng nhận Halal cho thị trường Hồi giáo toàn cầu nói chung.
Còn theo bà Chu Kiều Liên, với nền kinh tế định hướng xuất khẩu mạnh như Việt Nam, để gỡ rào cản phi thuế quan cần có giải pháp toàn diện. Đó là cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành; đầu tư số hóa, kết nối hệ thống thông quan và kiểm tra giữa các nước ASEAN; nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tiếp cận các thị trường tiêu chuẩn cao.
Nhấn mạnh cần nới lỏng tác động của các rào cản phi thuế quan, bà Nguyễn Mai Phương lưu ý, cần cải thiện nội lực trong nước bằng cách thúc đẩy Chính phủ điện tử, tăng cường tự động hóa, đơn giản hóa quy trình cấp phép cũng như tăng cường mức độ công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn giữa các nước. Song song, cần chú trọng đào tạo, kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực trong việc hiểu và đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.