Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Chủ động thích ứng

- Thứ Năm, 22/10/2020, 06:55 - Chia sẻ
Tiền Giang là địa phương trọng điểm về sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời thay đổi tư duy phát triển, tập trung chuyển đổi từ sản xuất lúa thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng nông sản hàng hóa, hướng đến xuất khẩu...

Hiện nay, Tiền Giang đang đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp đồng thời với tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư đồng bộ hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp cùng các tỉnh, thành trong khu vực thực hiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết tiểu vùng để phát triển bền vững, căn cơ, mạnh mẽ.

Nguồn: ITN

Ngay tại thời điểm những ngày sau Tết Nguyên đán 2020, mực nước trong kênh nội đồng ở vùng ngọt hóa Gò Công như Gò Công Tây, Gò Công Đông vẫn khá dồi dào, chất lượng nước tốt, phục vụ ổn định cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất. Tại huyện Gò Công Đông, nơi cuối nguồn của vùng ngọt hóa Gò Công, nước tại các tuyến kênh khá đầy đủ phục vụ cho sinh hoạt của người dân, tưới tiêu cho sản xuất hằng ngày. Cụ thể, các tuyến kênh trục chính nơi đây phần lớn đều thông thoáng, không còn lục bình dày đặc như trước đây. Chính điều này đã giúp cho lượng nước cung cấp từ đầu nguồn về nhanh hơn, nhiều hơn.

Chia sẻ về tình trạng hạn mặn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, Những tháng đầu năm, có ngày trên sông Tiền, mặn xâm nhập đến Vàm Trà Lọt (cách biển 120 km), độ mặn là 0,86 g/l; tại cù lao Ngũ Hiệp (cách biển 81km), độ mặn là 2,91 g/l; trên sông Hàm Luông, tại Trạm thủy văn Chợ Lạch (cách biển 75km), độ mặn là 3,1 g/l; trên sông Vàm Cỏ tại TP Tân An (cách biển 75 km), độ mặn là 7,6 g/l đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, nhờ tích cực chủ động ứng phó, cho nên đến thời điểm hiện tại, Tiền Giang vẫn bảo đảm đủ lượng nước ngọt phục vụ sản xuất vùng ngọt hóa Gò Công với gần 24.500ha lúa đông xuân 2019 - 2020 và gần 80 nghìn hecta cây ăn trái trên toàn tỉnh phát triển ổn định.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng, đến thời điểm này, có thể nói công tác ứng phó hạn, mặn ở Tiền Giang bước đầu đã tránh được nhiều thiệt hại. Theo đó, vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh đã xuống giống khoảng 57.600ha. Đến nay, Tiền Giang đã thu hoạch được khoảng 30.000ha, khoảng 55.000ha lúa không bị ảnh hưởng năng suất, chỉ có khoảng 2.200ha do không tuân thủ lịch gieo sạ nên có thể bị ảnh hưởng tới năng suất và bị mất trắng một phần.

Cùng với đó là khoảng 80.000ha cây ăn trái, đến thời điểm này chưa xuất hiện vườn cây ăn trái bị chết. Tuy nhiên, hiện diện tích cây sầu riêng của Tiền Giang đang khó khăn về nguồn nước tưới, tỉnh đang có biện pháp khẩn cấp để giải quyết tưới kịp thời tránh thiệt hại cho bà con nông dân. Về nước sinh hoạt, với khoảng 1,7 triệu dân, đến giờ này, một số nơi, nguồn nước bị yếu cục bộ, nhưng tỉnh Tiền Giang cũng đã kịp thời đưa nguồn nước đến người dân, không có tình trạng thiếu nước trầm trọng.

Điểm nổi bật ở Tiền Giang là địa thế dọc theo sông Tiền, được phù sa bồi đắp màu mỡ và thuận lợi về nguồn nước, Tiền Giang đã sớm xây dựng những vùng chuyên canh cùng với thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cụ thể, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, các huyện phía tây của tỉnh đã hình thành vùng sản xuất lúa tập trung như vùng lúa chất lượng cao với diện tích hiện đạt gần 32.000ha, sản lượng đạt 190.000 tấn/năm.

Từ khi chuyển sang trồng cây ăn quả và cây màu, người dân Tiền Giang thu lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, đặc biệt là trồng cây ăn trái mang lại lợi nhuận gấp hàng chục lần so với độc canh cây lúa. Điều đáng nói là sau chuyển đổi, đời sống người dân nông thôn được nâng cao, kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, nhiều xã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới. Môi trường canh tác được cải thiện do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, canh tác theo hướng an toàn, giảm phát thải khí nhà kính, giúp tiết kiệm nước so với trồng lúa và nhiều lợi ích thiết thực khác…

Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, có thể nói, tỉnh đang phát triển theo hướng "thuận thiên" để thích ứng với biến đổi khí hậu, biến thách thức thành thời cơ để phát triển bền vững. Nhiều giải pháp phi công trình được triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn... Mặc dù trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, nhưng với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt và sáng tạo của các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh, tin tưởng rằng tỉnh Tiền Giang sẽ thành công hơn nữa trong việc đưa Nghị quyết 120 vào cuộc sống.

Anh Hiến