Chủ động sản xuất vaccine Covid-19

- Thứ Sáu, 14/05/2021, 08:12 - Chia sẻ
Cách đây hơn tuần, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã thông qua phát ngôn viên của mình nhằm bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất vaccine trên thế giới chia sẻ bản quyền và cho phép các công ty khác sản xuất các loại vaccine thuộc sở hữu bản quyền của họ. Thông điệp này được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng đang thảo luận về việc miễn trừ bản quyền sáng chế để thúc đẩy việc cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển với kỳ vọng sẽ tạo tính đột phá trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Mặc dù chưa rõ câu chuyện miễn trừ bản quyền sáng kiến được hưởng ứng và triển khai ra sao nhưng đây thực sự là cơ hội lớn cho Việt Nam - 1 trong số ít quốc gia trên thế giới có đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật, con người và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vaccine, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận. Điều đó đồng nghĩa với việc vaccine được sản xuất tại Việt Nam bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất, an toàn và hiệu quả.

Thực tế cho thấy, trong nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19, cùng với việc nhập vaccine, Việt Nam luôn chủ động với nguồn vaccine nội địa. Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 cuối tháng 2.2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch Nước) đã chỉ đạo phải có vaccine với tinh thần “thần tốc hơn” với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt, đúng đối tượng, làm sao để có khối lượng vaccine cần thiết phục vụ Nhân dân. Bộ Y tế cũng đặt mục tiêu có vaccine Covid-19, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch của đất nước trong năm 2021; ngoài ra tăng cường hợp tác với các nước, các nhà sản xuất nước ngoài để chuyển giao công nghệ hoặc nhập khẩu vaccine bán thành phẩm về sản xuất tại Việt Nam, bảo đảm có đủ vaccine từ năm 2022 trở đi. 

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế đã rà soát, sửa đổi các quy định theo hướng rút gọn, rút ngắn thời gian thử nghiệm, cấp phép nhưng bảo đảm các điều kiện theo quy định. Yêu cầu các đơn vị nghiên cứu vaccine thúc đẩy quá trình thử nghiệm, rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3, có phương thức thử nghiệm phù hợp. Kết quả là chưa đầy một năm, Việt Nam đã có 3 loại vaccine đang trong quá trình thử nghiệm.

Mới đây, Bộ Y tế cũng họp với đại diện WHO để nhận chuyển giao công nghệ mRNA (công nghệ mà Moderna; Pfizer/BioNTech dùng bào chế vaccine Covid-19). Đây là công nghệ được giới khoa học đánh giá không chỉ giúp nhân loại ứng phó với Covid-19 và các đại dịch về sau mà còn mở ra cơ hội điều trị ung thư, bệnh tim và các bệnh truyền nhiễm khác… Đại diện Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế từng chia sẻ với báo chí, nếu được chuyển giao công nghệ hoặc được chuyển quyền sở hữu trí tuệ về sản xuất vaccine Covid-19 một cách cởi mở, Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất; chủ động nguồn vaccine cho chính mình và chia sẻ cho các quốc gia khác. 

Rõ ràng, với tính chất đại dịch và trong một tình huống khẩn cấp như hiện nay, sản xuất vaccine không còn là chuyện riêng của một doanh nghiệp, một quốc gia nào, mà đòi hỏi phải kịp thời, tự tạo cho mình vũ khí phòng dịch, tấn công Covid-19 mạnh mẽ và hiệu quả. Có điều, phát triển vaccine đến đâu, phải tiêm mấy mũi, phòng được những chủng nào vẫn là câu chuyện ở phía trước. Trong lúc này, thực hiện 5K thật tốt trong lúc đợi vaccine là việc đáng lưu ý nhất. Bất cứ quốc gia nào cũng cần phải tuân thủ các quy tắc phòng dịch, đồng thời đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Để virus không "chạy" nhanh hơn nỗ lực của con người, rất cần sự đồng lòng trong cuộc chiến chống đại dịch này.

Đỗ Quyên