Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên VỪ A BẰNG:
Thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo
Thực tế tại địa phương cho thấy, công tác quản lý nhà nước về nhà giáo còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, việc quản lý nhà nước đối với nhà giáo hiện nay được thực hiện bởi nhiều luật khác nhau; việc quản lý biên chế giáo viên còn chồng chéo giữa cơ quan nội vụ và giáo dục. Điều này khiến ngành giáo dục không thể chủ động phân bổ, tuyển dụng, điều động, bố trí, sử dụng, biệt phái… giáo viên, nhất là giáo viên cấp THCS, tiểu học, mầm non, để thực hiện nhiệm vụ hàng năm giữa các địa phương trong tỉnh.
Vì vậy, việc dự thảo Luật Nhà giáo giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng và sử dụng nhà giáo sẽ giúp thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có thể quản lý đội ngũ nhà giáo bằng chuyên môn, chất lượng, thay vì quản lý bằng các công cụ hành chính không phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của đối tượng này. Công cụ quản lý bằng chuyên môn sẽ giúp chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, từ đó nâng cao chất lượng của toàn bộ hệ thống giáo dục.
PGS.TS. NGUYỄN ĐỨC SƠN, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội:
Cơ sở để đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên
Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt có giá trị văn hóa to lớn. Đặt trong bối cảnh giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu thì việc cụ thể hóa và thể chế hóa tư tưởng này trong Luật Nhà giáo có ý nghĩa quan trọng đối với nhà giáo.
Về đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo (liên quan trực tiếp đến các trường sư phạm) dự thảo Luật Nhà giáo quy định: “Trường sư phạm do Nhà nước thành lập để đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được ưu tiên trong việc tuyển dụng nhà giáo, bố trí cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ký túc xá và bảo đảm kinh phí đào tạo”. Quy định này cho thấy, các trường sư phạm sẽ được quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Sinh viên được quan tâm hỗ trợ về tài chính và có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Dự thảo Luật có các quy định sẽ tác động tích cực đến đào tạo giáo viên ở những khía cạnh như: tiếp tục thu hút được học sinh có năng lực lựa chọn học ngành sư phạm, từ đó có cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đội ngũ sau này. Học sinh, gia đình có định hướng rõ hơn về những yêu cầu đối với nhà giáo (cả quyền lợi và trách nhiệm) từ đó lựa chọn nghề nghiệp và gắn bó với nghề sẽ chắc chắn hơn. Các trường sư phạm cũng sẽ phải xác định chuẩn đầu ra, điều chỉnh chương trình, đổi mới hình thức đào tạo.
Cùng với việc ban hành Luật Nhà giáo, các trường sư phạm cũng mong mỏi giáo viên được tự chủ lựa chọn các hình thức, nội dung, cơ sở đào tạo đại học trong hoạt động bồi dưỡng thường xuyên để đáp ứng các nhu cầu phát triển nghề nghiệp của bản thân. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm cần có cơ chế linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho các mô hình đào tạo đa dạng hơn.
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT FPT Bắc Giang ĐINH ĐỨC HIỀN:
Xác lập đầy đủ, đồng bộ vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập
Dự thảo Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới, trong đó có những quy định dành cho nhà giáo ngoài công lập, bảo đảm sự thống nhất, bình đẳng trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập. Có thể nói, lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ. Đây thực sự là điều đáng mừng khi chủ trương xã hội hóa giáo dục được Đảng và Nhà nước quan tâm; đồng thời sẽ thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến.
Nhà giáo hoạt động trong hệ thống cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập cũng là đóng góp cho sự phát triển giáo dục của đất nước. Chính vì thế, họ cần được đối xử một cách công bằng và bình đẳng.
Thực tế, khi hoạt động nghề nghiệp, giáo viên quan tâm đến hai vấn đề, chính sách đãi ngộ và sự ghi nhận đóng góp của họ. Tiền lương giáo viên ngoài công lập do lãnh đạo cơ sở giáo dục quyết định và chi trả theo thỏa thuận, nhưng điều quan trọng hơn là sự ghi nhận. Hiện nay các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang thiếu ghi nhận về chức danh, về danh hiệu như các cơ sở giáo dục công lập.
Khi giáo viên có được sự ghi nhận của Nhà nước, của ngành giáo dục thì họ sẽ có động lực để phấn đấu hơn nữa. Đồng thời, sự ghi nhận này cũng là tiền đề để giáo viên có thể dịch chuyển hoạt động nghề nghiệp từ hệ thống ngoài công lập vào công lập và ngược lại. Khi đó, lực lượng giáo viên giữa hai hệ thống có thể bổ trợ cho nhau.