Khoa học - Công nghệ

Chủ động nguồn cung ứng nguyên liệu, tạo thành chuỗi liên kết khép kín cho công nghiệp phụ trợ ngành điện tử

Văn Anh 10/07/2025 12:42

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HANOISME) TS Mạc Quốc Anh cho biết, công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử hiện nay đang ở mức khá khiêm tốn, chỉ chiếm 36% doanh nghiệp tham gia cung ứng. Hiện các sản phẩm điện tử, đặc biệt là công nghệ thường xuyên thay đổi liên tục. Cứ 3 - 6 tháng có sản phẩm mới được ra đời, ngoài sản phẩm cứng, sản phẩm phần mềm được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đa quốc gia theo xu hướng của người tiêu dùng luôn cập nhập thay đổi.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Theo ông Quốc Anh thay đổi về chức năng giao diện về điện tử vòng đời sử dụng chỉ từ 9 tháng đến 1 năm.... Đó cũng là những áp lực đối với các sản phẩm công nghiệp điện tử trong việc xử lý các vi mạch cần nhanh để đáp ứng các nhu cầu. Điện tử áp dụng vào trong các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất cũng yêu cầu về mặt sản lượng và chất lượng đòi hỏi tự động hóa nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực và thế giới.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết, công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử đã đóng góp rất lớn vào giá trị xuất khẩu của cả nước. Bởi công nghiệp điện tử vẫn đang dẫn đầu trong công nghiệp chế biến chế tạo có kim ngạch xuất khẩu cao. Hiện nay ,doanh nghiệp Việt có thể làm được các sản phẩm linh phụ kiện ở tầm trung và cao nhiều. Vị thế của doanh nghiệp điện tử trong chuỗi cung ứng ngày càng được nâng lên.

anh-t32-1.png
100% giá trị xuất khẩu điện thoại đều đến từ các doanh nghiệp FDI, 80% linh kiện cho ngành điện thoại vẫn phải nhập khẩu và hơn 90% các nhà cung ứng cấp một cho các doanh nghiệp đều là doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: A.T

Tuy nhiên, bà Hương cho rằng doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu là gia công, trong đó ngành công nghiệp phụ trợ nói chung và ngành công nghiệp điện tử nói riêng đều có quy mô nhỏ, và thiếu 3 yếu tố cơ bản. Trong đó, thiếu vốn để mở rộng sản xuất, vốn để đầu tư cho thiết bị công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để nâng vị thế của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ở hàm lượng giá trị gia tăng. Vấn đề nguồn nhân lực, nhất là nhân lực quản trị, vận hành sản xuất đang còn yếu. Có một số người Việt đủ khả năng nhưng đã số vẫn phải thuê người nước ngoài. Đây là một trong những điểm nghẽn mà các doanh nghiệp Việt buộc phải vượt qua. Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, nhưng cũng mong muốn sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu đào tạo nhân lực tập trung, trọng điểm. Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cũng cần tiếp cận nguồn thông tin về lĩnh vực này.

Sớm có khung pháp lý cho công nghiệp hỗ trợ

Theo bà Hương, hiện chính sách hỗ cho ngành công nghiệp điện tử hiện mới có Nghị định 111 nên còn hạn chế để phát triển. Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo về Công nghiệp trọng điểm, trong đó có công nghiệp hỗ trợ được đưa vào là một trong những hạng mục quan trọng, trung tâm của chiến lược phát triển giai đoạn tới. Bà mong muốn Luật Công nghiệp hỗ trợ sớm được ban hành để cho ngành, đặc biệt là công nghiệp điện tử phát triển, sớm tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) đánh giá, công nghiệp điện tử trong đó có các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử đang phụ thuộc quá lớn vào khối ngoại khi có đến 95% kim ngạch xuất khẩu đang thuộc về các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp. Do đó dù đã tham gia vào chuỗi giá trị, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp.Nhìn chung, tính liên kết giữa khối doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam là khá ít và lỏng lẻo.

Lao động của Việt Nam vẫn hạn chế trong việc sở hữu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ thông tin. Nhiều lao động dù đã qua đào tạo, nhưng khi làm việc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khiến người sử dụng lao động mất thời gian đào tạo lại. Điều đó cho thấy, Việt Nam chưa có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao đủ mạnh để thích ứng với yêu cầu đi trước đón đầu công nghệ. Không chỉ vậy “chất xám” của các doanh nghiệp Việt Nam bị thu hút sang các công ty xuyên quốc gia.

TS Mạc Quốc Anh cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp điện tử phát triển đòi hỏi sự hỗ trợ tăng cường liên kết, hợp tác với các nền công nghiệp lõi như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có hàng chục năm phát triển. Còn về chính sách, cập nhập nhận chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến để tăng khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, đầu tư mạnh vào nguồn lực, có nhiều công trình nghiên cứu khao học ở các vụ viện, trường đại học. Bởi không đầu tư vào chất lượng nguồn nhân lực cao rất khó điều hành công nghệ mới, cùng như không sản xuất được từ những ý tưởng sáng tạo, thương mại hóa các sản phẩm đủ sức cạnh tranh.

Đại diện một số doanh nghiệp lĩnh vực này kiến nghị có các hành lang pháp lý khác biệt so với các doanh nghiệp sản xuất khác để tăng động lực, hỗ trợ một phần kinh phí khi đầu tư nghiên cứu vào sản phẩm để ứng dụng trong lĩnh vực điện tử, hoặc chất bán dẫn...

Đại diện HANSIBA cho rằng cần thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và trong nước, mong Chính phủ đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế... để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, tạo thành chuỗi liên kết khép kín. Bên cạnh đó, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững… Còn doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.

Điều quan trọng là tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, cải thiện biên lợi nhuận dựa trên đổi mới, sáng tạo và dám đầu tư mạo hiểm vào các xu hướng sản xuất, tiêu dùng mới. Điều đó đòi hỏi phải có sự rà soát đánh giá tổng thể cả môi trường thể chế cho đầu tư, kinh doanh, lẫn các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiện đang tản mát, manh mún theo từng ngành/đối tượng như hiện nay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Chủ động nguồn cung ứng nguyên liệu, tạo thành chuỗi liên kết khép kín cho công nghiệp phụ trợ ngành điện tử
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO