Năm học 2021 - 2022

Chủ động, linh hoạt thực hiện “mục tiêu kép”

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 17:07 - Chia sẻ
Bước vào năm học mới 2021 - 2022, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương, đặc biệt các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã chuẩn bị tích cực về cơ sở vật chất, phương án dạy và học chủ động, linh hoạt nhằm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa hoàn thành chương trình kế hoạch năm học.
	Các trường ở Gia Lai chuẩn bị cho năm học mới - Ảnh: Gialai.edu.vn
Các trường ở Gia Lai chuẩn bị cho năm học mới
Ảnh: Gialai.edu.vn

Bảo đảm điều kiện tốt nhất

Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh Hà Giang có trên 820 cơ sở giáo dục, với hơn 254.000 trẻ mầm non, mẫu giáo, học sinh phổ thông, học viên bổ túc văn hóa và trên 18.300 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang Nguyễn Thế Bình cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để chủ động, bảo đảm các điều kiện tốt nhất khi học sinh tựu trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 2 và lớp 6 theo chương trình, sách giáo khoa mới. Các địa phương tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện dạy và học. Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Hà Giang đạt trên 61%.

Còn theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 532 đơn vị, trường học với khoảng 236.000 học sinh, sinh viên. Trong đó, giáo dục mầm non dự kiến huy động trên 58.400 trẻ ra lớp; giáo dục tiểu học dự kiến huy động trên 16.400 trẻ 6 tuổi vào học lớp 1. Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa, Sở đã chỉ đạo các trường chủ động sử dụng kinh phí ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa để sửa chữa, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học bảo đảm đủ các điều kiện phục vụ năm học mới. Toàn ngành hiện có gần 8.800 phòng học: hơn 8.500 phòng của các khối các trường mầm non, phổ thông; 234 phòng của khối các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp. Trong số hơn 8.500 phòng học các trường mầm non phổ thông, số phòng kiên cố chiếm 85,4%, số phòng học kiên cố xuống cấp chiếm 9,7%; phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, phòng khác chiếm 4,8%. Có 1.111 phòng học bộ môn (629 phòng học xây dựng theo chuẩn, 482 phòng sử dụng từ phòng học); 433 phòng thư viện, 352 phòng thiết bị, 125 nhà đa năng, hơn 1.360 nhà vệ sinh bảo đảm vệ sinh môi trường...

	Sẵn sàng cho năm học mới - Ảnh Baohagiang.vn
Sẵn sàng cho năm học mới
Ảnh: Baohagiang.vn

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Trần Quang Bảo thông tin, ngay sau khi kết thúc năm học 2020 - 2021, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trường học đăng ký sách giáo khoa theo lựa chọn cho năm học mới để lên danh sách gửi nhà xuất bản. Chuẩn bị bước vào năm học 2021 - 2022, Sở thành lập Tổ kiểm tra việc cung ứng sách giáo khoa của các nhà xuất bản. Trước thềm năm học mới 2021 - 2022, Sở đã có công văn gửi các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh tạo điều kiện để các đơn vị trường học giao sách giáo khoa thuận lợi. Đến thời điểm này, công tác giao sách giáo khoa diễn ra thuận lợi và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong tình hình tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Chủ động các phương án cho năm học

Bên cạnh chuẩn bị cơ sở vật chất, các địa phương cũng xây dựng phương án, kịch bản dạy và học. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở đã hướng dẫn các đơn vị, trường học triển khai dạy và học qua internet, trên truyền hình. Dự kiến toàn tỉnh có khoảng 210.000 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 tham gia học trực tuyến. Sở đề nghị tất cả cán bộ, giáo viên toàn ngành quán triệt rõ mục đích, yêu cầu của việc dạy học trực tuyến nhằm giúp học sinh ôn tập và củng cố kiến thức đã học của năm học trước; dạy học chương trình môn học theo khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022; rèn luyện cho học sinh kỹ năng nghiên cứu sách giáo khoa, phương pháp tự học, học trực tuyến và tham gia học tập tại nhà.

Các địa phương vùng sâu, vùng xa xây dựng nhiều phương án bảo đảm dạy và học hiệu quả - Ảnh: Qdnd.vn
Các địa phương vùng sâu, vùng xa xây dựng nhiều phương án bảo đảm dạy và học hiệu quả
 Ảnh: Qdnd.vn

Để bước vào năm học mới, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Cà Mau đang khẩn trương lập kế hoạch dạy học qua internet, trên truyền hình; bố trí cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc dạy và học; phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ dạy trực tuyến khẩn trương cài đặt phần mềm, hướng dẫn giáo viên, học sinh sử dụng trong thời gian sớm nhất. Nhà trường tiến hành rà soát, lập danh sách những học sinh không có điều kiện học trực tuyến để khi trở lại trường học bình thường, yêu cầu hiệu trưởng sắp xếp thời gian, phân công giáo viên dạy lại cho số học sinh này, giúp các em hoàn thành và theo kịp chương trình môn học.

Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh Gia Lai có 714 trường mầm non, phổ thông công lập với 11.683 lớp, 392.025 học sinh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 48 trường dân lập, tư thục. Đến nay, toàn bộ các điểm trường trong tỉnh đã được dọn vệ sinh, sửa chữa hư hỏng, bố trí các điểm khử khuẩn, vệ sinh và thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Địa phương đã xây dựng tất cả kịch bản cho năm học mới 2021 - 2022. "Đối với các vùng đặc biệt khó khăn, phương án dạy online không bảo đảm, nên việc dạy và học bằng các bản giấy chuyển trực tiếp cho học sinh cũng là giải pháp nhằm đảm bảo các em theo kịp chương trình, kiến thức của từng khối lớp. Những nơi nào dịch Covid-19 phức tạp, chúng tôi cương quyết 'Học sinh có thể dừng đến trường nhưng không dừng học'” - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai Lê Duy Định khẳng định.

Ngọc Phương