Hoạt động lập pháp trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Chủ động đón đầu và tiên liệu các quan hệ xã hội mới

- Thứ Bảy, 06/11/2021, 05:40 - Chia sẻ
Tại Hội thảo “Hoạt động lập pháp của Quốc hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những cơ hội mở ra cho việc phát triển kinh tế - xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra thách thức lớn đối với hoạt động lập pháp. Thách thức này đã và đang hiện hữu hàng ngày, đòi hỏi hoạt động lập pháp của Quốc hội phải chủ động hơn nữa, tích cực đi trước, đón đầu và tiên liệu các quan hệ xã hội mới.

4.0 thay đổi không gian, chủ thể, nội dung các quan hệ pháp luật

Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chính vì thế cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có những tác động nhất định. Mức độ và quy mô của sự tác động này theo chiều thuận hay nghịch (thuận lợi hay thách thức) phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của từng ngành, lĩnh vực và năng lực quản trị quốc gia. Đối với lĩnh vực lập pháp, cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ làm thay đổi cả về không gian, thời gian, chủ thể và nội dung của các quan hệ pháp luật.

Cụ thể, về không gian của các quan hệ pháp luật, đang xuất hiện ngày càng nhiều các giao dịch “phi biên giới”. Việc định vị của một chủ thể pháp luật trong không gian thực và vị trí thực, thường gắn với một bất động sản để thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý trong quan hệ nhân thân và tài sản (quyền thừa kế, quyền bầu cử, đăng ký giao dịch bảo đảm…) trong hệ thống pháp luật truyền thống sẽ trở nên lạc hậu khi chủ thể thực hiện các hoạt động không còn bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia.

Về thời gian của các quan hệ pháp luật, thời gian làm việc, nghỉ ngơi theo phương thức truyền thống không còn phù hợp, cách xác định thời điểm có hiệu lực của các giao dịch dân sự… sẽ có sự thay đổi lớn. Bởi hiện nay, các giao dịch dân sự có thể thực hiện 24/7 thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin như dịch vụ E-Banking của các ngân hàng, trong khi hoạt động của các cơ quan nhà nước vẫn chủ yếu vận hành theo giờ hành chính. Điều này dẫn đến sự không tương thích giữa khu vực công và khu vực tư trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Về chủ thể của các quan hệ pháp luật, nếu như trong pháp luật truyền thống, chủ thể là cá nhân hoặc pháp nhân thì trong cách mạng công nghiệp 4.0, robot ngày một phổ biến và trở thành một chủ thể trong các quan hệ xã hội. Năm 2017, lần đầu tiên trên thế giới, robot Sophia được trao quyền công dân tại Saudi Arabia. Điều này sẽ xác lập quyền và nghĩa vụ giữa robot với con người, giữa robot với robot. Trong tương lai gần, robot sẽ được sử dụng ngày càng nhiều hơn ở các nước và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Nội dung quan hệ pháp luật cũng không còn giới hạn trong các đối tượng truyền thống mà được mở rộng hơn, bởi nhiều đối tượng mới và quan hệ xã hội mới xuất hiện như tiền ảo, các ứng dụng từ blockchain, tài sản ảo, không gian giao dịch trên môi trường ảo, mối quan hệ giữa cá nhân, pháp nhân với người nhân tạo - robot sinh học... Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 còn đặt ra những vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là việc quản lý và bảo vệ an ninh thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng.

Từ những thách thức trên của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với pháp luật truyền thống, TS. Vũ Thị Thu Hằng, trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng, không thể mãi áp dụng phương thức “không quản được thì cấm”, nhà nước pháp quyền hiện đại “không cho phép” điều này. Để có thể quản lý tốt các khách thể này, phải tạo lập được một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, phạm vi điều chỉnh của các quy phạm pháp luật phải đủ lớn để điều chỉnh các quan hệ xã hội với tốc độ thay đổi nhanh chóng. Cơ quan thực thi pháp luật phải có đủ năng lực cả về công cụ pháp lý, biện pháp quản lý, nhất là biện pháp kỹ thuật để có thể điều hành, kiểm soát các quan hệ xã hội mới, nhất là các giao dịch dân sự, giao dịch thương mại trên môi trường ảo...

Không chỉ ứng dụng trong công việc hành chính

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Quốc hội khóa XV đã thể hiện sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong việc tổ chức kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Theo TS. Dương Thị Tươi, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Quốc hội, cần tăng cường hơn nữa ứng dụng các nền tảng công nghệ số vào từng giai đoạn của hoạt động lập pháp. Nghĩa là không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin trong các công việc hành chính mà cần sử dụng các nền tảng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… vào hoạt động đánh giá tác động của dự thảo luật đối với xã hội, người dân và doanh nghiệp hay lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức cũng như phát hiện và loại trừ những quy định chồng chéo, mâu thuẫn. TS. Dương Thị Tươi cũng nêu rõ, hoạt động lập pháp có sự tham gia của nhiều chủ thể theo cơ chế phân công, phối hợp, trong đó chủ thể chủ yếu là Chính phủ. Do đó, đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng xây dựng Quốc hội điện tử, tiến tới Quốc hội số cần bảo đảm sự đồng bộ với xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số. Đổi mới hoạt động lập pháp cũng cần gắn với thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để bảo đảm sự kết nối liên thông và đồng bộ về dữ liệu số, về giao dịch giữa các cơ quan thông qua nền tảng internet, góp phần chuẩn hóa và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định: “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội,…”. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, vì vậy Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần thể hiện vai trò tiên phong, chủ động, tích cực tham gia, khai thác, tận dụng hiệu quả các thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng trong việc thực hiện các chức năng, trong đó quan trọng nhất là chức năng lập pháp.

Anh Dũng