Nhìn lại đợt họp trực tuyến Kỳ họp thứ Hai của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Chu đáo, trách nhiệm và khoa học

- Thứ Hai, 08/11/2021, 10:20 - Chia sẻ
Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Trần Đình Gia, sau khi nhận chương trình Kỳ họp thứ Hai, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Tĩnh đã sớm xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, để từ đó chủ động thời gian, phương thức tiếp cận các nội dung, chương trình, đồng thời xây dựng từ xa kế hoạch chuẩn bị cho đợt họp trực tuyến, đảm bảo đúng luật, chu đáo nhằm đạt kết quả chất lượng cao nhất tại điểm cầu địa phương…

Lần đầu tiên tiếp xúc cử tri trực tuyến

Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Trần Đình Gia, được sự nhất trí của Thường trực Tỉnh ủy, lần đầu tiên Đoàn ĐBQH Khoá XV tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Hai theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp. Dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hoàng Trung Dũng, đợt tiếp xúc này được nối với hơn 200 điểm cầu là các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh. Sau một ngày làm việc tích cực, song song việc chính quyền địa phương tham gia giải trình, làm rõ các nội dung, bộ phận tham mưu, giúp việc tổng hợp được 46 ý kiến để gửi tới Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 13 ý kiến thuộc thẩm quyền của tỉnh để chuyển tới các cơ quan, đơn vị chức năng.

Về công tác xây dựng pháp luật, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Trần Đình Gia cho biết, tiếp tục tinh thần “từ xa, từ sớm”, đoàn phân công từng đại biểu nghiên cứu dự án luật và một số báo cáo. Ngay cả bộ phận tham mưu, giúp việc của văn phòng cũng được đề nghị xắn tay vào hỗ trợ các đại biểu nghiên cứu từng dự án luật lần này.

Điểm cầu Hà Tĩnh luôn có sự tham dự của nhiều đại biểu sở, ngành theo yêu cầu của Đoàn ĐBQH tỉnh
Điểm cầu Hà Tĩnh luôn có sự tham dự của nhiều đại biểu sở, ngành theo yêu cầu của Đoàn ĐBQH tỉnh

Đối với các dự thảo, các báo cáo của Quốc hội, Chính phủ, đoàn ĐBQH tỉnh sớm chuyển tiếp các cơ quan chuyên môn của tỉnh để nghiên cứu và tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề. “Tôi thấy rằng, nếu quỹ thời gian nghiên cứu tài liệu đủ dài, tức là các cơ quan chuyên môn, các ĐBQH có thời gian thích đáng thì công tác chuẩn bị hết sức hiệu quả. Đơn cử như để đóng góp vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Đoàn mời tất cả cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng của các sở, ngành, các huyện, thành, thị… lãnh đạo Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh cùng nghiên cứu luật và tổ chức một cuộc tiếp xúc cử tri đóng góp ý kiến. Tương tự các dự án: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hình sự, Luật Cảnh sát cơ động...

Ngoài việc lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan thông qua báo cáo, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức một buổi làm việc chuyên sâu với ngành bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngành lao động thương binh và xã hội và các ngành liên quan để tham gia vào báo cáo quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2019 – 2020; làm việc với ngành tài nguyên môi trường về dự thảo Nghị quyết quy hoạch sử dụng đất quốc gia năm 2025, và giai đoạn 2021 – 2030. Bên cạnh đó, Đoàn cũng tổ chức khảo sát về an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

Tự tin khi chuẩn bị hoàn hảo

Nối tiếp “bước chạy đà” chu đáo, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh khởi động đợt họp trực tuyến với tâm thế tương đối chủ động. Đại diện các sở ngành, tùy nội dung chương trình kỳ họp cụ thể hàng ngày, được mời đến cùng nghe và cùng thảo luận trong các phiên thảo luận tổ. Đây là động tác thiết thực, mà theo đánh giá của lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, thì Hà Tĩnh là một trong những địa phương đầu tiên thể hiện sự sáng tạo khi mời đại diện các sở ngành cùng tham gia các buổi thảo luận tổ.

Theo Phó Trưởng đoàn Trần Đình Gia, ngoài việc phân công các ĐBQH chuẩn bị các ý kiến phát biểu, đóng góp thảo luận, các buổi thảo luận tổ đầy đặn ý kiến hơn từ các thành phần liên quan. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng của đầu cầu Hà Tĩnh trong đợt họp trực tuyến tại kỳ họp này.

Đợt tiếp xúc cử tri trực tuyến trước Kỳ họp thứ Hai được kết nối đến hơn 200 điểm trong toàn tỉnh
Đợt tiếp xúc cử tri trực tuyến trước Kỳ họp thứ Hai được kết nối đến hơn 200 điểm trong toàn tỉnh

Trong quá trình thảo luận, nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và đặc biệt là thực tiễn các sở, ngành địa phương cung cấp, ĐBQH tích lũy được rất nhiều thông tin. Nền tảng đó giúp các tham luận của đoàn được Quốc hội ghi nhận và đánh giá rất cao.

“Lấy ví dụ câu chuyện của bảo hiểm, trong thực tế do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vừa rồi ảnh hưởng rất lớn đến việc cơ cấu thu và chi của bảo hiểm xã hội. Nguồn thu giảm sút do doanh nghiệp bị ảnh hưởng dẫn đến đối tượng bảo hiểm bắt buộc gặp nhiều khó khăn để hoàn thành nghĩa vụ,” ông Gia phân tích từ thực tế địa phương.

Từ phản ánh của ngành bảo hiểm, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn là thực trạng rút bảo hiểm một lần. Tại Hà Tĩnh trong hai năm gần đây, số người rút bảo hiểm một lần đã tăng lên đáng kể, gần gấp đôi so với trung bình những năm trước đây. Và qua thảo luận, mới thấy nghị quyết chuyên đề của Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành năm 2019 hỗ trợ 20% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang kích thích khu vực này. Bởi vậy việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của địa phương có thể nói là vượt trội so với tất cả các tỉnh, thành khác.

Nhìn lại đợt họp trực tuyến, với sự hỗ trợ, tham gia của bộ phận tham mưu giúp việc cũng như các cơ quan, đơn vị chức năng tại địa phương, thành công của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh chính là sự gợi mở để Quốc hội có thể tính toán cho những đợt họp tiếp theo. Qua đó giảm chi phí, nâng cao chất lượng và nâng cao vị thế của cơ quan dân cử trong hệ thống chính trị và trong cử tri.

Nam Anh